Bộ Tài chính vừa chính thức có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các địa phương trên cả nước đề nghị nghiên cứu, cho ý kiến về hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT năm 2025.
Các ý kiến, đóng góp từ các bộ, ngành và địa phương sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp trước ngày 18/11 tới đây, nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành, nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế sớm được thụ hưởng chính sách giảm thuế GTGT, Tạp chí Thương trường đưa tin.
Theo Tờ trình của Bộ Tài chính về dự án Nghị quyết của Quốc hội nói trên, việc đề xuất tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT năm 2025 nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 218/NQ-CP (ngày 12/11/2024).
Trong đó, Chính phủ có giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất trong năm 2025, đặc biệt là tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025.
Hiện Bộ Tài chính đã xây dựng xong Dự thảo lần thứ nhất của Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục giảm thuế GTGT.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025, theo Báo Chính phủ.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 sẽ khiến giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa giảm khoảng 2.500 tỷ đồng/tháng và thu thuế từ nhập khẩu giảm khoảng 1.500 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT trong hai quý đầu năm 2025 sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ. Từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Riêng đối với người dân, việc giảm trực tiếp 2% thuế suất thuế GTGT sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ giảm giá bán. Từ đó, người dân có nhiều cơ hội mua hàng hóa với giá rẻ hơn, tăng hiệu quả tiết kiệm chi phí và hỗ trợ phục hồi các mô hình sản xuất, kinh doanh cũng như cải thiện sức khỏe tài chính tiêu dùng.