Nhìn nhận ở chiều hướng tích cực, xuất khẩu lao động chính là giải pháp cứu cánh cho nền kinh tế.
Bỏ ra từ 7.000 đến 8.000USD/1 lao động để sang Nhật Bản lao động...
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố công khai Kết luận thanh tra số 2112/QĐ-TTCP thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giai đoạn năm 2013 đến 2018, công tác quản lý Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện.
Tuy nhiên, trong thời gian thanh tra, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không báo cáo với Thủ tướng Chính phủ khi không xây dựng được chiến lược, kế hoạch về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chậm kiến nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ban hành một số văn bản hành chính thủ tục hành chính không đúng quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp đàm phán với nước ngoài để giảm chi phí cho người lao động.
Trong thời gian dài, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp dẫn đến người lao động (thực chất là lao động nghèo khó) còn phải chi trả số tiền lớn mà theo chính sách của nước tiếp nhận là không phải chi trả.
Quy định mức phí, phí đào tạo tại thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký của Nhật Bản. Nó không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến người lao động, là nguyên nhân cơ bản khiến người lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
Người lao động chuẩn bị ra nước ngoài làm việc. |
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, tại thời điểm thanh tra, cục Quản lý Lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí, dẫn đến trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000 đến 8.000USD/lao động).
Tham mưu ban hành văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo ở thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật Bản. Trong thời gian dài không có biện pháp tham mưu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan và Nhật Bản.
... đổi lại gì?
Rất nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam cũng đang xuất khẩu lao động. Ngay cả lao động ở các nước châu Âu cũng đang làm việc tại nhiều nước khác. Việc lao động của nước này sang nước khác làm là xu thế hội nhập toàn cầu đã và đang diễn ra từ nửa thế kỷ nay.
Nhìn nhận ở chiều hướng tích cực, xuất khẩu lao động chính là giải pháp cứu cánh cho nền kinh tế. Ngoài việc làm giàu cho đất nước thông qua hình thức chuyển kiều hối về nước, xuất khẩu lao động còn giúp tạo công ăn việc làm, giảm áp lực xã hội.
Vấn đề hằn sâu là những hệ lụy từ việc xuất khẩu lao động. Việt Nam đặt ra rất nhiều mục tiêu khi xuất khẩu lao động, thế nhưng chúng mới chỉ giải quyết vấn đề hiện tại còn tương lai chưa tính được.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài được trang bị kiến thức, kỹ năng, làm việc trong môi trường lao động tốt, thiết bị máy móc hiện đại... Rất nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở độ tuổi đôi mươi, khi trở về họ vẫn còn rất trẻ, mọi thứ đều đã chín chắn, từ kỹ năng đến quan hệ. Nếu không có chiến lược tiếp nhận lại lao động một cách hiệu quả, không thu hút được nguồn nhân lực đó để phát triển đất nước thì quả là đáng tiếc.
Nhiều lao động sau khi trở về nước dùng số tiền kiếm được để xây nhà, mua xe máy, thậm chí mua xe hơi... một cách lãng phí và tiếp tục không có công ăn việc làm. Đó không phải là mục tiêu của xuất khẩu lao động.
Xuất khẩu lao động cũng đồng nghĩa với tình trạng chảy máu chất xám. Nếu đội ngũ lao động có tay nghề, trình độ có thể ở lại trong nước để cống hiến là điều rất tốt. Kể cả trường hợp họ ra nước ngoài làm việc, tiếp thu những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm mới, hiện đại và áp dụng những điều đó khi quay trở về cũng sẽ mang lại rất nhiều giá trị.
Đáng tiếc, hầu hết người có trình độ đã ra đi là không muốn quay lại. Đó là mối lo lớn cần phải tính toán.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả