+Aa-
    Zalo

    Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất nhiều Sở thành các “siêu Sở”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về đề xuất hợp nhất nhiều Sở thành các “siêu Sở”, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính cấp các địa phương.

    Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về đề xuất hợp nhất nhiều Sở thành các “siêu Sở”, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính cấp các địa phương.

    Theo tin tức trên báo Dân trí, Bộ Nội vụ vừa đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính; hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, có thể thành lập hoặc không tùy điều kiện từng địa phương.

    Theo báo cáo đánh giá tác động mà Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp, phương án sắp xếp theo hướng giảm tổ chức Sở được tổ chức thống nhất (gọi tắt là Sở “cứng”) và tăng tổ chức Sở phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành (gọi tắt là Sở “mềm”).


    Mục đích sát nhập các sở là nhằm tinh giảm lãnh đạo và cán bộ. (Ảnh: VnExpress)

    Theo đó, Bộ Nội vụ xác định cụ thể 12 Sở “cứng” được tổ chức thống nhất, gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch - Tài chính; Sở Công Thương; Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (riêng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì gộp thêm Sở Quy hoạch và Kiến trúc) thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND.

    Ngoài ra, dự thảo nghị định đề xuất các Sở được tổ chức phù hợp với chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù, chuyên ngành (Sở “mềm”) gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Ngoại vụ; Ban Dân tộc, Sở Nội vụ; Sở Du lịch.

    Để thành lập các Sở “mềm”, địa phương phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định mà nghị định nêu cụ thể.

    Theo Bộ Nội vụ, lý do đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính là do chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

    Đồng thời, việc hợp nhất 2 Sở sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn. Đồng thời bảo đảm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa 2 Sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ.

    Việc sáp nhập Sở nêu trên đã được Bộ Nội vụ lấy ý kiến khảo sát tại hai hội nghị ở miền Bắc và miền Nam; ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó ý kiến đồng ý chiếm đa số.

    Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề sát nhập các Sở có rất nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, báo Tiền Phong cho hay, ngày 27/3, tại buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2016, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề sát nhập các Sở để lắng nghe ý kiến từ lãnh thành phố.

    Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính ở các địa phương thành Sở Kế hoạch - Tài chính. (Ảnh: Dân trí).

    Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ CHí Minh Đỗ Phi Hùng, Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải nhập lại cũng làm được vì đã là cán bộ, đảng viên thì phải chấp hành nhiệm vụ nhưng nói thật khối lượng công việc của các Sở Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Giao thông Vận tải đều rất lớn và nặng nề. Hơn nữa, hoạt động của từng sở đã đi vào nền nếp nên không thể coi TP.  Hồ Chí Minh như các tỉnh khác.

    Cũng theo ông Hùng, do khối lượng công việc quá lớn, Sở Xây dựng từng có 5 phó giám đốc Sở nhưng hiện nay chỉ còn 3 người (theo quy định có 4 phó giám đốc). “Vừa qua, một đồng chí phó giám đốc sở xin được tinh giản biên chế nhưng không được vì năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xin mãi không được, cuối cùng đồng chí này phải xin nghỉ việc. Một phó giám đốc khác cũng xin được vào diện tinh giản biên chế nhưng không được chấp thuận nên phải xin nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe”, ông Hùng kể.

    Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí minh Nguyễn Thành Phong cho biết, chỉ riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư do thành phố đặt ra mục tiêu phải đạt 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 nên trong năm 2017 phải thành lập mới 50.000 daonh nghiệp. Bình quân mỗi tháng có hơn 4.000 doanh nghiệp mới được thành lập.

    “Tôi chỉ nói một vài con số ở Sở KH&ĐT như thế thôi, chưa nói đến Sở Tài chính. Nếu nhập lại như vậy thì làm sao làm nổi, mà làm không nổi sẽ làm trì trệ lại, tác động đến sự phát triển của TP” - ông Phong nói.

    Báo Tuổi trẻ cũng nêu ý kiến của TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, cho hay: “Địa phương rất cần sự ổn định”.

    Theo ông Đức, bộ máy hành chính cần thiết được cải tổ phù hợp, nhưng phải xác định thật rõ cải tổ để đạt mục tiêu những mục tiêu nào. Những thay đổi ấy liệu có thuận lợi cho dân hay không?

    Nếu không thuận lợi cho dân thì các phương án tinh gọn bộ máy, hợp nhất các cơ quan phải cân nhắc kỹ. Cần chỉ ra các khuyết điểm hiện nay của bộ máy, cân nhắc giữa thay đổi cả cơ cấu, tổ chức bộ máy hay khắc phục những tồn tại để ổn định sẽ có lợi hơn để quyết định cách làm, ông Đức chia sẻ.

    (tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-noi-vu-de-xuat-hop-nhat-nhieu-so-thanh-cac-sieu-so-a185570.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan