+Aa-
    Zalo

    Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt bán 32 siêu tên lửa SM-6 Block I cho Nhật Bản

    (ĐS&PL) - Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt hợp đồng cung cấp 32 tên lửa phòng không Standard Missile 6 (SM-6) Block I cho Nhật Bản.

    Ngày 20/10, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng trị giá khoảng 450 triệu USD để cung cấp 32 tên lửa phòng không Standard Missile 6 (SM-6) Block I cho Nhật Bản.

    vu khi sieu thanh nga khong con vo doi vi my da co loai ten lua dspl 1
    Tên lửa Standard 6 (SM-6) của Mỹ được cho là có khả năng chống vũ khí siêu thanh Nga. Ảnh: The Drive

    Hệ thống SM-6 ngoài tên lửa còn có ống bảo quản kiêm bệ phóng thẳng đứng và thiết bị kỹ thuật. Bên cạnh đó, Mỹ cũng nhận hỗ trợ huấn luyện cho Nhật Bản.

    Thương vụ đã được thông báo cho quốc hội Mỹ, cơ quan này sẽ có 30 ngày để quyết định có chặn hợp đồng hay không. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, thương vụ sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.

    Nếu thành công, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ triển khai tên lửa SM-6. Trước đó, vào năm 2017, Mỹ đã cấp phép cho Hàn Quốc và Australia sở hữu SM-6, song chưa có các động thái trên thực tế.

    Tên lửa phòng không SM-6 còn được gọi là tên lửa chủ động tầm xa RIM-174 (ERAM) được phát triển bởi tập đoàn Raytheon và được đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ từ năm 2013. Sau đó, tên lửa này được bán cho một số quốc gia thân thiện.

    SM-6 là tên lửa dùng động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn. Chiều dài tên lửa 6,6 m, đường kính tối đa khoảng 530 mm; trọng lượng phóng 1500 kg, trong đó đầu đạn phân mảnh nặng 64 kg.

    SM-6 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và đầu dẫn radar chủ động/thụ động. Khi bay, SM-6 đạt tốc độ xấp xỉ 3,5M. Tầm bắn của phiên bản Block 1A là 240 km, trong quá trình hiện đại hóa sâu, có thể tăng gần gấp đôi; độ cao đạt 34 km.

    Tên lửa được vận chuyển trong thùng chứa-vận chuyển và phóng được đưa vào hệ thống đa năng Mk 41, cho phép SM-6 được sử dụng trên các tàu của nhiều dự án khác nhau, cả của Mỹ và nước ngoài.

    Khi phiên bản SM-6 Block I đi vào hoạt động đầu tiên hồi năm 2013, nhiệm vụ chính của tên lửa là bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình. Sau đó, nó được bổ sung khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.

    Không dừng lại ở đó, Hải quân Mỹ còn điều chỉnh bộ cảm biến của tên lửa này để cho ra phiên bản Block IA. Trong cuộc thử nghiệm hồi năm 2016, tên lửa SM-6 Block IA đánh trúng mục tiêu trên mặt biển. Giờ đây, SM-6 còn là tên lửa chống hạm.

    Một số nhà phân tích quân sự cho biết, SM-6 sắp tới có thể được điều chỉnh thiết kế để bổ sung khả năng chống tàu ngầm (bằng cách thay đầu đạn bằng ngư lôi có khả năng tách rời được, tương tự những gì tên lửa ASROC làm thời chiến tranh lạnh) và tấn công trên bộ.

    Mộc Miên (Theo Reuters)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-ngoai-giao-my-duyet-ban-32-sieu-ten-lua-sm-6-block-i-cho-nhat-ban-a554936.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan