+Aa-
    Zalo

    Bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng để 'cởi trói' bài toán nhân lực

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bỏ điều kiện "có hộ khẩu thường trú" trong tuyển dụng công chức, viên chức được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là lĩnh vực y tế,

    Bỏ điều kiện "có hộ khẩu thường trú" trong tuyển dụng công chức, viên chức được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là lĩnh vực y tế, nhằm giải quyết bài toán nhân lực.


    Tuyển dụng công chức, viên chức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/TTXVN

    Nhu cầu cấp thiết

    Mặc dù năm nào cũng đăng thông báo tuyển dụng bác sỹ nhưng nhiều năm qua, Bệnh viện huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) đều không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Năm 2016, dù thiếu đến 10 bác sỹ nhưng bệnh viện chỉ tuyển dụng được 2 người.

    Bác sỹ Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc Bệnh viện huyện Nhà Bè cho hay, đối với các bệnh viện tuyến dưới, nhất là với những cơ sở vùng sâu, vùng xa việc thu hút bác sỹ về làm việc là vô cùng khó khăn bởi bệnh nhân ít, thu nhập thấp.

    Bên cạnh đó, bao năm qua việc khoanh vùng tuyển dụng bằng cách yêu cầu các ứng viên có hộ khẩu thường trú TP Hồ Chí Minh càng khiến nhiều bác sỹ không mặn mà. “Khi họ có hộ khẩu thành phố, có năng lực thì họ tìm cách đầu quân cho các bệnh viện tuyến thành phố hoặc bệnh viện quận, huyện ở trung tâm chứ mấy ai chịu về các cơ sở xa xôi hẻo lánh”, bác sỹ Nguyễn Hữu Thơ chia sẻ.

    Tuy nhiên nhiều năm qua, Bệnh viện huyện Nhà Bè vẫn “cầm cự” được nhờ chương trình luân chuyển bác sỹ của Sở Y tế (theo Đề án 1816). Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, bệnh viện rất cần số lượng bác sỹ cơ hữu ổn định của riêng mình.

    Tương tự, bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cũng cho biết, hiện tất cả các khoa của bệnh viện đều thiếu bác sỹ dù năm nào cũng đăng thông báo tuyển dụng. Nguyên nhân một phần là vướng vấn đề hộ khẩu trong tuyển dụng. Thực tế, có bác sỹ ra trường muốn nộp hồ sơ vào Bệnh viện huyện Củ Chi nhưng do không có hộ khẩu thành phố nên đành tìm việc ở các bệnh viện tư nhân khác. 

    Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định bãi bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức, ngay lập tức đã “cởi trói” được vấn đề vướng mắc này. “Chúng tôi rất vui vì những kiến nghị của mình đã được cấp trên giải quyết kịp thời. Với quy mô hiện nay, Bệnh viện huyện Củ Chi còn thiếu khoảng 40 bác sỹ, hy vọng trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tuyển dụng được số lượng nhân sự cần thiết, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân”, bác sỹ Hồ Hải Trường Giang chia sẻ.

    Không chỉ các bệnh viện được gỡ khó trong tuyển dụng mà nhiều sinh viên y khoa cũng phấn khởi trước quy định trên. Do không có hộ khẩu thường trú thành phố nên em Lê Bảo Hân, quê tỉnh Lâm Đồng, sinh viên năm cuối Khoa Y đa khoa, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đang lo lắng về khả năng xin được vào làm việc tại các cơ sở y tế công lập của thành phố. Khi hay tin thành phố bỏ điều kiện hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức viên chức, Bảo Hân và các sinh viên ngoại tỉnh rất vui mừng.

    Lý giải về việc muốn ở lại TP Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên y khoa cho rằng, nghề y là một nghề đặc biệt, luôn cần sự trau dồi và học hỏi liên tục. Do đó, ở môi trường lớn như TP Hồ Chí Minh các bác sỹ có nhiều hơn cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn… để tự nâng cấp bản thân, trang bị nhiều kỹ năng cần thiết nhằm trở thành một bác sỹ giỏi. 

    Vẫn cần cơ chế đặc thù

    Nằm trên địa bàn xa xôi nhất và cũng khó khăn nhất của Thành phố, Bệnh viện huyện Cần Giờ với quy mô 150 giường bệnh nhưng chỉ có 18 bác sỹ, bao gồm cả Ban giám đốc. Theo bác sỹ Đoàn Ngọc Huệ - Giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ, gần 10 năm qua, bệnh viện không tuyển thêm được bác sỹ nào, thậm chí có một số bác sỹ sau khi cử đi học đã xin nghỉ việc, không quay trở lại công tác. Theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, bệnh viện đang nâng cấp lên thành 200 giường bệnh, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2018 nhưng hiện còn thiếu tới 37 bác sỹ.

    Trước thực tế đó, bác sỹ Đoàn Ngọc Huệ đề xuất, để thu hút được bác sỹ về với tuyến y tế cơ sở vùng sâu vùng xa như huyện Cần Giờ, bên cạnh việc bãi bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng cần có thêm cơ chế đãi ngộ phù hợp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc luân chuyển bác sỹ từ nhiều chuyên khoa của các bệnh viện tuyến trên nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự tin tưởng cho người dân.

    Cùng chung quan điểm, bác sỹ Nguyễn Hữu Thơ - Giám đốc Bệnh viện huyện Nhà Bè cũng cho rằng với những bệnh viện địa phương vùng sâu vùng xa, Thành phố cần có những cơ chế đặc thù để thu hút bác sỹ có tay nghề, chuyên môn tốt. Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Thơ, nếu được đãi ngộ tốt, thu nhập ổn định, mới có bác sỹ giỏi về gắn bó lâu dài với những bệnh viện này.

    Nhận định về chính sách bãi bỏ điều kiện hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức nói chung, đặc biệt là ngành Y tế nói riêng, ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện công lập đang tiến tới tự chủ tài chính hoàn toàn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các bệnh viện công lập thuộc khu vực vùng sâu vùng xa của thành phố như Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Quận 9… có thể tuyển dụng được nhân sự có chất lượng. Khi sự cạnh tranh càng cao, cơ hội để tìm được bác sỹ giỏi về với bệnh viện càng lớn.

    Tuy nhiên, theo ông Tăng Chí Thượng, để thực sự thu hút được bác sỹ có tay nghề, mỗi địa phương cần có những chính sách thu hút riêng. Hiện UBND huyện Củ Chi đã có cơ chế đãi ngộ riêng cho bác sỹ về công tác tại địa phương này và số lượng bác sỹ của bệnh viện này đã gia tăng khá ấn tượng khi năm 2016 chỉ có 12 bác sỹ nhưng hiện đã lên tới 40 bác sỹ. Trong khi đó, một số địa phương khác như Cần Giờ, Nhà Bè chưa có chính sách đãi ngộ riêng nên vẫn chưa thu hút thêm được bác sỹ, thậm chí có bác sỹ ở các bệnh viện này còn xin nghỉ việc để đầu quân đi nơi khác.

    Ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm, tuyển dụng được bác sỹ là một chuyện còn vấn đề giữ được bác sỹ giỏi ở lại gắn bó với bệnh viện phụ thuộc rất lớn vào môi trường làm việc, đường lối phát triển của riêng từng bệnh viện. 

    “Một khi đã tự chủ tài chính thì vai trò của các giám đốc bệnh viện rất quan trọng, cần tạo một môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định để các bác sỹ gắn bó hơn với bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Khi chất lượng khám chữa bệnh đi lên thì bệnh nhân càng tin tưởng, đến với bệnh viện nhiều hơn. Đây cũng chính là chìa khóa, là lời giải cho bài toán thu hút nhân lực cho hệ thống y tế tuyến cơ sở”, ông Tăng Chí Thượng nhận định.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-ho-khau-trong-tuyen-dung-de-coi-troi-bai-toan-nhan-luc-a212450.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan