Bộ GTVT cho biết, thời gian qua đã phối hợp với UBND các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm mục tiêu từng bước khắc phục ùn tắc giao thông, đặc biệt trên địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều giải pháp mang tính đột phá được tổ chức thực hiện, như: Hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; Đưa vào hoạt động các tuyến vận tải công cộng sức chứa lớn như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm; Triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT cửa ngõ các thành phố lớn; Điều chỉnh chu kỳ tín hiệu đèn giao thông hợp lý; Hợp lý hóa lộ trình tuyến và đổi mới phương tiện đoàn xe buýt; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch của các tỉnh, thành phố, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị còn khá thấp, chưa đáp ứng theo quy định. Sự gia tăng nhanh của các phương tiện giao thông, chủ yếu là các phương tiện cá nhân vượt quá năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông dẫn tới ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Trước tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, một số nhóm giải pháp cụ thể để kéo giảm ùn tắc giao thông như: Đảm bảo phương án quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông; Đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như: Đường Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM; Đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024 đối với đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông; chú trọng phát triển vận tải công cộng, có giải pháp quản lý phù hợp với việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong khu vực đô thị…
Trả lời về kiến nghị cần có chủ trương xây dựng thêm nhiều tuyến đường sắt trọng điểm kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó các tuyến dài nên thiết kế đường sắt cao tốc. Bộ GTVT cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, trong đó các tuyến đường sắt hiện có gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 2.440km, đến năm 2030 quy hoạch 16 tuyến với tổng chiều dài 2.362km và đến năm 2050 quy hoạch 25 tuyến với tổng chiều dài 6.354 km.
Mạng lưới đường sắt quốc gia đã được Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và địa phương quy hoạch trên cơ sở các hành lang kinh tế lớn, quan trọng của quốc gia, có tính chất kết nối liên vùng giữa các khu vực kinh tế trọng điểm hoặc kết nối liên vận quốc tế, các cửa khẩu quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế… đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia và Kết luận số 49- KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GTVT đang phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2024 và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng khác như Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hoà - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, căn cứ vào nhu cầu vận tải và điều kiện cụ thể của từng dự án sẽ xác định quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cho phù hợp.
XEM THÊM: Đoàn dài ô tô "xếp hàng" trên đèo An Khê, giao thông liên tục tắc nghẽn nhiều giờ
Bộ GTVT cũng trả lời kiến nghị cử tri tỉnh này về tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên một số tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác. Theo đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp: Theo dõi chặt chẽ lưu lượng giao thông; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý; Kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để điều tiết, đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc trọng điểm.
Đồng thời, Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc.
Nguyễn Lâm