+Aa-
    Zalo

    Bộ GTVT lại bác bỏ tên đơn vị tài trợ xây sân bay Long Thành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Được mong đợi sẽ đưa thị trường hàng không Việt “bay cao”, tuy nhiên sân bay Long Thành với số vốn đầu tư 7,8 tỷ USD lại đang bị bủa vây bởi “ma trận” thông tin.

    (ĐSPL) – Được mong đợi sẽ đưa thị trường hàng không Việt “bay cao” hơn trong khu vực, tuy nhiên sân bay Long Thành với số vốn đầu tư 7,8 tỷ USD lại đang bị bủa vây bởi “ma trận” thông tin sai lệch.

    “Ai” mới là nhà tài trợ thực sự?

    Được dự kiến cần tới 7,8 tỷ USD cho giai đoạn 1, việc Cảng hàng không quốc tế hay còn gọi là sân bay Long Thành cần tới vốn tài trợ từ nước ngoài là chuyện không lạ. Tuy nhiên, “ai” sẽ là người tài trợ để đưa việc xây dựng sân bay Long Thành lại đang gây tốn rất nhiều “giấy mực” của báo chí và thậm chí cả những người “cầm cân nảy mực” – lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhầm lẫn.

    Ngay khi có thông tin về việc xây dựng sân bay Long Thành, trong buổi tọa đàm “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã cho biết sân bay này được phía Nhật Bản cam kết tài trợ 2 tỷ USD.

    Sân bay Long Thành: Chưa xây đã có “ma trận” thông tin bủa vây

    Thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn. 

    Tuy nhiên, ngay sau đó, sáng 18/10, Thứ trưởng Tiêu đã phải nhanh chóng gửi thư xin lỗi tới Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam về thông tin này cũng như đính chính thông tin trên. Trong thư, ông Tiêu viết: “Tại buổi tọa đàm “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng ngày 17- 10, tôi đã nhầm lẫn khi đưa thông tin “Chính phủ Nhật Bản đã cam kết cho Việt Nam vay khoản tín dụng ODA trị giá 2 tỷ USD cho dự án sây bay quốc tế Long Thành”. Tôi thành thực nhận lỗi về sự nhầm lẫn đáng tiếc này mà lý do tôi tự nhận thấy không có lời giải thích thảo đáng”.

    Sự cố nhầm lẫn về “chủ nhân” khoản tiền 2 tỷ USD tài trợ cho sân bay Long Thành vẫn chưa dừng lại. Sau khi vừa “vỡ lẽ” không phải phía Nhật Bản cam kết tài trợ, lại có thông tin một công ty của Pháp là ADPi đầu tư khoản tiền này.

    Tại tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án xây dựng sân bay Long Thành vào ngày 26/8, Bộ GTVT có ghi: Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT như tập đoàn ADPi của Pháp, các tập đoàn Sam Sung, Công ty cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật Bản…

    Trước nghi vấn này, tối ngày 22/10, Bộ GTVT đã phát đi thông cáo cho biết: “Thông tin về việc ADPi làm việc với Bộ GTVT và cam kết cung cấp tài chính cho dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là không chính xác. Bộ GTVT không biết ADPi là công ty nào và cũng chưa từng làm việc với ADPi về vấn đề này” . Do đó thông tin ADPi tài trợ vốn 2 tỷ USD để xây sân bay Long Thành là không chính xác?!

    Không phải ADPi mà là ADPM?

    Tuy nhiên, thông tin này nhanh chóng bị nghi ngờ bởi theo tìm hiểu, ADPi chỉ là một công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay, với doanh thu năm 2012 (số liệu cập nhật mới nhất được công bố tại website của công ty này) là 67 triệu USD. Với quy mô như vậy, không hiểu ADPi sẽ “đào đâu ra” khoản tiền 2 tỷ USD để tài trợ xây sân bay Long Thành?!

    Thay vào đó, Bộ GTVT nhanh chóng đưa ra một cái tên khác, công ty Aeroports de Paris Management (viết tắt là ADPM) trực thuộc tập đoàn ADP của Pháp mới là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên bày tỏ mong muốn được tham gia và thu xếp khoản tiền 2 tỷ USD cho dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Cụ thể, theo Bộ GTVT, đầu năm 2013, Công ty ADPM đã có thư gửi Bộ GTVT và bày tỏ sự quan tâm đối với dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong thư, ADPM cho biết Tập đoàn ADP sẽ đóng góp 500 triệu USD cùng với việc thu xếp khoản đầu tư 1 tỷ USD từ các thể chế tài chính, ngân hàng là đối tác của công ty này để xây dựng nhà ga hành khách và các kết cấu hạ tầng phụ trợ bao gồm khách sạn quá cảnh, văn phòng cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp, bãi đỗ xe và khu vực hậu cần thuộc dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với Giám đốc điều hành ADPM để trao đổi về dự án xây dựng sân bay Long Thành và chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm việc với ADPM để nghiên cứu, xem xét khả năng của công ty này; đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

    Giữa năm 2013 và tháng 8/2014, ADPM tiếp tục có thư gửi Bộ GTVT thông tin về việc Tập đoàn ADP dự kiến sẽ góp khoản vốn 500 triệu USD và các đối tác của Tập đoàn là các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng xuất khẩu, thể chế tài chính đa phương và thị trường chứng khoán quốc tế sẽ đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    ADPM cũng nhiều lần có thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc muốn cung cấp tài chính cho Dự án, ngoài ra đề xuất kế hoạch hỗ trợ cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải một lần nữa đã giao Lãnh đạo Bộ GTVT tiếp và làm việc với ADPM để xem xét cơ hội hợp tác.

    Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với ông Frederic Duyperon - Tổng Giám đốc ADPM - theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

    Trước đó, trong Sách Trắng 2014, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã khuyến nghị Việt Nam nên xây sân bay quốc tế Long Thành nhằm đón đầu cơ hội tăng trưởng của thị trường hàng không.

    Theo đánh giá của đại diện tiểu ban giao nhận vận tải của EuroCham: "Sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố nên về thực tiễn không thuận lợi, cần dịch chuyển ra ngoài. Chúng tôi biết có lời khuyên nên sử dụng sân bay Biên Hòa, nhưng lựa chọn tốt nhất vẫn là tập trung vào Long Thành".

    Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường vận tải hàng không phát triển nhanh thứ ba thế giới vào năm 2014. Do vậy, đầu tư các sân bay là việc cấp bách để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và hành khách.

    Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt tháng 8/2011 trên diện tích khoảng 25.000 hécta thuộc tỉnh Đồng Nai. Khi hoàn thành giai đoạn một năm 2020, sân bay có công suất vận chuyển 25 triệu khách mỗi năm. Sang giai đoạn 2 từ 2020 - 2030, công suất tăng lên 50 triệu hành khách và đạt 100 triệu hành khách sau khi hoàn thành. Dự án có tổng số vốn đầu tư khoảng 7,8 tỷ USD, riêng giai đoạn một gần 6 tỷ USD.

     


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gtvt-lai-bac-bo-ten-don-vi-tai-tro-xay-san-bay-long-thanh-a62978.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan