Bà Trần Thị Thắm - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khi trao đổi với Dân trí xung quanh việc dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về chức danh Chủ tịch Hội đồng tự quản được đưa ra trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học sửa đổi.
Nhấn mạnh với Dân trí, Phó Vụ trưởng Trần Thị Thắm cho biết: Trong thời gian qua, đối với bậc tiểu học thì ngành cũng đã có nhiều thay đổi theo tinh thần của Nghị quyết 29. Điều đó được thể hiện rõ nét khi chúng ta đang thí điểm thành công mô hình trường tiểu học mới, thay đổi đánh giá học sinh ở bậc tiểu học... Với những thay đổi như vậy thì việc sửa đổi Điều lệ trường tiểu học là điều cần thiết bởi nó sẽ tạo hành lang pháp lý để cho giáo viên thực hiện. Việc sửa đổi hướng tới việc giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, quán triệt tinh thần quyết liệt khi thực hiện Thông tư 30...
Tổ chức hoạt động lớp học của mô hình trường tiểu học mới. |
Thưa Phó Vụ trưởng, hiện nay dư luận đang có những ý kiến phản biện cho rằng trong lớp học không nên thay chức lớp trưởng bằng chức chủ tịch hội đồng tự quản bởi nó rất dễ nhen nhóm tư tưởng háo danh ở con trẻ. Bà đánh giá như thế nào về quy định này?
Tôi nghĩ ở đây đang có sự hiểu sai lệch điều 17 của dự thảo sửa đổi Điều lệ trường tiểu học. Trong dự thảo đề cập, học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Như vậy ở đây, các cơ sở trường học được phép lựa chọn trong việc tổ chức lớp học.
Sở dĩ Điều lệ đề cập đến việc thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản là xuất phát từ thực tiễn triển khai mô hình trường học mới nằm trong khuôn khổ dự án Trường tiểu học mới (VNEN).
Đây là mô hình đã thực hiện thành công ở nhiều nước và được Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm tại 1.500 trường tiểu học đầu tiên cách đây 3 năm. Thành công của việc thí điểm đã khiến nhiều địa phương chủ động xin mở rộng thực hiện ở các trường khác. Đặc biệt là ở nhiều trường vùng sâu vùng xa, miền núi cũng đã áp dụng mô hình này, được sự hưởng ứng rất tốt từ học sinh, phụ huynh học sinh và các nhà trường. Năm học 2014 - 2015 trên cả nước có gần 2.500 trường tiểu học, năm học 2015 -2016 dự kiến có trên 3.500 trường tiểu học tình nguyện tham gia mô hình này.
Mô hình trường học mới thay đổi toàn diện các hoạt động sư phạm của nhà trường theo hướng dân chủ hoá: hoạt động dạy học theo kiểu truyền thụ một chiều từ thầy sang trò được thay thế bằng thầy hướng dẫn, tổ chức, khuyến khích cho học sinh tự học để chiếm lĩnh tri thức; quan hệ giữa các học sinh chuyển từ tình trạng lớp trưởng, tổ trưởng giúp giáo viên theo dõi, đánh giá các bạn trong lớp, trong tổ sang quan hệ hợp tác, học tập và sinh hoạt chủ yếu theo nhóm/ lớp, các em được tự quản lý, điều hành sinh hoạt tập thể; quan hệ giữa các giáo viên là quan hệ hỗ trợ, góp ý lẫn nhau một cách thường xuyên theo tinh thần “học thầy không tày học bạn”, xây dựng mỗi tổ chuyên môn, mỗi nhà trường là một tập thể biết thường xuyên học hỏi; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng là quan hệ phối hợp hoạt động giáo dục, mỗi bài học đều có nội dung cho học sinh về tìm hiểu thực tế ở nhà, ở địa phương, tìm hỏi người lớn để có câu trả lời của bản thân…
Vì vậy, các bài học và các hoạt động trải nghiệm của học sinh ở trường, ở nhà, ở cộng đồng là hài hoà, thống nhất, hướng tới phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng động, tự tin, hợp tác… của học sinh. Một trong những điểm nổi bật là việc cho phép học sinh bình bầu hội đồng tự quản.
Những nơi đã thực hiện mô hình trường học mới (áp dụng hoàn toàn hoặc một phần mô hình này) thì có thể hướng dẫn học sinh bầu hội đồng tự quản, với chủ tịch, các phó chủ tịch. Ngoài ra trong lớp còn có các ban như ban tuyên truyền, ban học tập, ban lễ tân. Học sinh được bầu chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban không do giáo viên áp đặt mà do học sinh tự ứng cử, tập thể bình bầu theo nhiệm kì.
Các em học sinh trong hội đồng tự quản cũng không chỉ tuân thủ các yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm một cách cứng nhắc như vai trò của lớp trưởng, lớp phó của các lớp học truyền thống mà các em có thể đề đạt lên giáo viên, lên nhà trường các ý kiến thu thập từ các bạn hoặc ý kiến cá nhân về các hoạt động của trường, của lớp, về cách thức tự quản, điều hành lớp/ban, góp ý cho các bạn. Thầy, cô giáo và phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ. Đây là cách để học sinh tự tin, năng động, có trách nhiệm với tập thể và cá nhân mình, biết hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.
Trên thực tế, chúng ta có thể hỏi bất cứ phụ huynh nào có con từng được học mô hình trường học mới đều thấy, không có chuyện “nhen nhóm lòng háo danh” như một số người đề cập đến.
Nói như vậy là chúng ta đang áp đặt quan điểm, suy nghĩ thông thường của người lớn vào con trẻ mà không hiểu bản chất vấn đề. Các chức danh của hội đồng tự quản lớp học không có bất cứ một quyền lợi gì mà chỉ đơn giản là vị trí mà học sinh tự bầu lên để cùng nhau quản lý lớp học, cùng học tập, hoạt động trong bầu không khí dân chủ.
Cũng giống như ở Thông tư 30, lúc đầu cũng có ý kiến cho rằng học sinh trong lớp bình bầu nhau trong việc khen thưởng rất dễ gây tranh cãi… Tuy nhiên trên thực tế thì hoàn toàn lại không như vậy. Nhiều địa phương có cách làm rất hay trong việc để cho học sinh bình bầu nhau dưới sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm.
Vẫn có ý kiến cho rằng, gắn với các chức vụ “to tát” sẽ gây áp lực cho các em trong học tập. Phó Vụ trưởng nghĩ sao về điều đó?
Muốn biết có gây áp lực cho các em hay không thì phải kiểm chứng qua thực tế. VNEN đã triển khai thí điểm được 4 năm với tổ chức lớp học có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh nhưng chưa có một em học sinh nào than phiến về việc mình phải chịu áp lực cả. Chúng ta phải nhìn vào hoạt động thực tế của các em để qua đó cảm nhận, đánh giá chứ không nên chỉ nghe đến cái tên rồi lại phân tích, mổ xẻ một cách to tát.
Thực tế đã chứng tỏ, hội đồng tự quản trong lớp học như mô hình trường học mới không những không làm mất sự hồn nhiên, trong sáng mà còn khích lệ, nuôi dưỡng sự hồn nhiên trong sáng của các em học sinh. Bởi ở đây các em sẽ không bị áp đặt cứng nhắc, không sợ hãi, không lo phải giấu diếm suy nghĩ cá nhân mà ngược lại được làm quen với việc nói lên suy nghĩ của mình, trao đổi, thảo luận, nhận xét về bản thân và bạn bè.
Điều này giáo dục các em học sinh biết sống tự tin, tự lập, thẳng thắn, chủ động. Nếu duy trì được thì con trẻ của chúng ta sẽ sửa chữa được nhiều khiếm khuyết mà các thế hệ học sinh trước đó thường có như sự thụ động, né tránh, không có chính kiến, không dám phản biện, thuyết phục, không có tinh thần tập thể, bàng quan với mọi vấn đề của bạn bè và cuộc sống xung quanh... Trẻ em chưa phải là người lớn, đừng nghĩ rằng các em phải chạy đua để được vào vị trí chủ tịch, phó chủ tịch như người lớn đã từng làm ở đâu đó.
Trái lại, công việc của các em trong hội đồng tự quản là những việc gần gũi với hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi của các em. Bên cạnh các em còn có thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh cùng tham gia tư vấn, giúp đỡ. Cách để cho các em tự quản, chủ động trong sinh hoạt, học tập cũng chính là hướng tới việc giáo dục con người mới. Nói cách khác đó là một trong nhưng hoạt động học tập theo định hướng mới, chứ không phải cứ bắt các em ngồi ngay ngắn, nghe thầy, cô giảng bài mới là học tập.
Xin cảm ơn Phó Vụ trưởng!
Theo Dân trí
Video đang được quan tâm:
[mecloud]CV62CC0dQr[/mecloud]