Nêu quan điểm về việc bộ GD&ĐT xin lùi thời hạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, ĐBQH Phạm Tất Thắng cho rằng: “Bộ cần có cam kết cụ thể, tránh việc sau một năm lại xin lùi tiếp”.
Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 2/11, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Sau đó, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra và Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về nội dung trên.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Bộ GD&ĐT từng có những cải cách không mang lại hiệu quả, ví dụ như việc khiến thí sinh đăng ký xét tuyển đại học như "chơi chứng khoán". (Ảnh: D.Thu). |
PV:Thưa ông, được biết phía Ủy ban đã tiến hành thẩm tra về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Ông có thể chia sẻ về nội dung này?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Ủy ban đã có quan điểm chính thức về vấn đề này sau khi thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Ủy ban nhận thấy, lùi như vậy là cần thiết. Vì bản thân việc thực hiện Nghị quyết 88 đã rất chậm. Việc thông qua chương trình phổ thông tổng thể đã bị chậm hơn một năm (mới công bố cuối tháng 7/2017). Trên cơ sở chương trình này để xây dựng chương trình của các môn học. Có chương trình của các môn học mới biên soạn sách giáo khoa, dạy thí điểm, sau đó hoàn chỉnh rồi mới dạy đại trà.
Bên cạnh đó còn việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Tức là còn rất nhiều công việc. Thế nên, việc thực hiện đúng tiến độ theo Nghị quyết 88 chắc chắn là không thể làm được. Chính vì vậy, Ủy ban ủng hộ đề xuất của Chính phủ là sẽ lùi lại.
Trong trường hợp lùi thời gian này, đã có 2 quan điểm tại Ủy ban. Khoảng 2/3 số ĐBQH của Ủy ban ủng hộ đề xuất và quyết tâm của Chính phủ, đó là lùi một năm. Khoảng 1/3 còn lại băn khoăn với việc lùi một năm liệu có đảm bảo triển khai được hay không.
Mặc dù trong đề xuất lùi một năm, Chính phủ đề xuất đã chỉ rõ không chỉ lùi một cách đơn thuần về thời điểm áp dụng, mà thay đổi cả phương thức triển khai.
Cụ thể, theo Nghị quyết 88 phải áp dụng đồng thời cả 3 năm đầu cấp, lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Nhưng Chính phủ đề nghị lùi một năm chỉ áp dụng với chương trình lớp 1, sau đó năm thứ hai áp dụng chương trình lớp 6 và năm thứ ba mới áp dụng chương trình lớp 10. Tức là thời gian thực tế lùi hơn so với việc triển khai đồng thời cả 3 lớp đầu cấp.
Tuy vậy, như tôi nói, vẫn còn có các ĐBQH trong Ủy ban băn khoăn nhất định về việc lùi như thế có đảm bảo thời gian hoàn thành nốt các công việc còn lại hay không?
ĐBQH Phạm Tất Thắng. |
PV:Thưa ông, bộ GD&ĐT đã có những giải trình cụ thể như thế nào về việc này trước Ủy ban?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Theo giải trình của Bộ, các công việc mà Chính phủ và trực tiếp bộ GD&ĐT làm không tuần tự theo nghĩa là hết việc này đến việc kia, mà có sự triển khai đồng bộ. Tức là chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất, chỉ đạo các sở GD&ĐT chủ động chuẩn bị chương trình của địa phương, đào tạo, tập huấn đội ngũ giáo viên.
Trong buổi báo cáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện quyết tâm rất cao sau thời gian một năm theo đề xuất của Chính phủ thì có thể triển khai được.
Trong trường hợp này, Ủy ban rất ủng hộ quyết tâm của Chính phủ bằng việc đa số ĐBQH ủng hộ. Tuy nhiên, bản thân các ĐBQH trong Ủy ban đã có lo ngại, băn khoăn thì chắc chắn sẽ là tâm lý của các ĐBQH khác và dư luận xã hội. Trong trường hợp này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định xem lùi bao nhiêu thời gian là phù hợp.
Tuy nhiên, trên cơ sở các báo cáo, phân tích thì chắc chắn, các ĐBQH sẽ phải ủng hộ phương án lùi thời điểm thực hiện.
PV:Quan điểm cá nhân ông thế nào về việc này qua theo dõi và có thời gian thẩm tra kỹ nội dung này? Ông có tin tưởng vào con số một năm mà Chính phủ đề xuất hay không, vì đã có nhiều ý kiến đề nghị lùi lại nhiều năm?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Riêng tôi, một mặt tôi ủng hộ quyết tâm của Chính phủ vì đây là công việc triển khai được càng sớm sẽ càng tốt cho nền giáo dục của chúng ta. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn rất lớn ở vấn đề hệ trọng như vậy thì tiến độ là yếu tố quan trọng nhưng không phải tiên quyết. Yếu tố tiên quyết vẫn là đảm bảo chất lượng.
Tôi mong muốn, trên cơ sở những ý kiến còn băn khoăn của các thành viên Ủy ban cũng như các ĐBQH và dư luận, Chính phủ có đề xuất phù hợp nhất với Quốc hội.
PV:Một số ý kiến băn khoăn, trong một năm lùi lại, bộ GD&ĐT sẽ làm những gì, triển khai như thế nào để hoàn thiện, còn ông thì sao? Ông có nghĩ cần một cam kết cụ thể từ Bộ này?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Đúng là như vậy và đó cũng là yêu cầu của Ủy ban, trong một năm, bộ GD&ĐT cần có báo cáo rõ ràng hơn. Ủy ban đã đề nghị Chính phủ và trực tiếp là bộ GD&ĐT báo cáo rõ các công việc còn lại đã triển khai đến đâu, trong một năm tới sẽ làm những gì và dự kiến kết quả thế nào để biết một năm có thể hoàn thiện hay không.
Trách nhiệm của bộ GD&ĐT cũng là vấn đề cần đặt ra. Có hai luồng ý kiến, một là ủng hộ đề xuất của Chính phủ lùi một năm. Luồng ý kiến thứ hai là đằng nào cũng lùi rồi, cần tính toán cân nhắc cẩn thận xem lùi bao nhiêu là phù hợp để chắc chắn đảm bảo thực hiện được sau thời gian đó.
Trường hợp nếu Chính phủ vẫn quyết tâm đề xuất lùi một năm thì Quốc hội chắc cũng sẽ ủng hộ nhưng phải có ràng buộc trách nhiệm cụ thể như cam kết của Chính phủ và bộ GD&ĐT. Tức là đảm bảo phải triển khai được chương trình, bộ sách giáo khoa có chất lượng, tránh tình trạng sau một năm lại xin lùi tiếp.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu