ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói: “Bao cuộc tấn công bác sĩ, ngành phản ứng chậm chạp nhưng chỉ một lời góp ý của bác sĩ, ngành phản ứng nhanh nhạy khi thấy động chạm đến uy tín Bộ trưởng”.
Theo báo Giao thông, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 24/10, ĐB Phạm Khánh Phong Lan - nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho rằng, y bác sĩ hiện chịu rất nhiều sức ép. Lãnh đạo quản lý BV thì phải cân đối tài chính trước áp lực thị trường.
Một sức ép khác, theo ĐB Phong Lan, chính là đến từ cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo.
“Tôi nói điều này hơi nặng. Nhưng chúng ta hãy nhìn thời gian qua có biết bao nhiêu cuộc tấn công các bác sĩ, kể cả hiếp dâm điều dưỡng, rất nhiều vấn đề… nhưng chúng tôi nhận thấy ngành phản ứng hết sức chậm chạp, không đứng ra để bảo vệ cho các bác sĩ một cách kịp thời.
Trong khi đó, chỉ cần một lời góp ý của bác sĩ ngày 14/7 thì ngay một ngày sau, ngành phản ứng hết sức nhanh nhạy khi thấy động chạm đến uy tín của Bộ trưởng” - bà Lan nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đoàn TP.HCM - Ảnh: Thanh Niên |
Bà cũng cho rằng đây là “việc đáng buồn”, làm tư tưởng người bác sĩ, cán bộ y tế rất hoang mang bởi cái nhanh nhạy của của người lãnh đạo trong xử lý lại không phù hợp.
“Chúng tôi cũng đề đạt ước mơ làm sao trong thời gian sau này, nếu một bác sĩ bị tấn công thì các ngành, các cấp, đặc biệt phía công an, xã hội cũng có sự sẻ chia”, bà Lan tâm tư.
Theo báo Vnexpress, đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc xử phạt bác sĩ Truyện là không hợp lý, chưa phù hợp với quyền phát ngôn của công dân. Theo ông Hoà, trên trang cá nhân, bác sĩ Truyện chỉ phê bình Bộ trưởng Bộ Y tế, trong khi Đảng và Nhà nước cho công dân quyền được đóng góp ý kiến phê bình cán bộ.
"Vậy việc bác sĩ đóng góp ý kiến phê bình đối với Bộ trưởng là đúng chứ có gì sai? Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ký quyết định xử phạt đối với bác sĩ Truyện là không đúng; không có căn cứ pháp lý nào để xử phạt cảnh cáo hay hành chính cả", ông Hoà nói.
Theo ông, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định, ai làm ảnh hưởng đến tài sản, danh dự của công dân thì đều phải bị chế tài. Quyết định xử phạt đã làm ảnh hưởng đến tinh thần của anh, vì vậy những người ký quyết định phải bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
"Ai làm sai cần phải bị xử lý, không thể anh thích thì phạt, chẳng có căn cứ gì theo quy định của pháp luật", ông Hoà nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Bùi Đặng Dũng (đại biểu tỉnh Kiên Giang) “khen” Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định rất nghiêm khắc, rất tuyệt vời. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Bác sĩ người ta phản ánh, tâm sự trên facebook như vậy mà đè người ta ra để kỷ luật, rồi giờ lại rút lại quyết định kỷ luật như vậy, tôi thấy rất là buồn” - báo Thanh Niên thông tin thêm.
Bệnh nhân đã sử dụng phải thuốc giả bồi thường ra sao?
Liên quan đến vụ việc VN Pharma, ĐB Phong Lan lo lắng: “Bên cạnh trường hợp này còn bao nhiêu trường hợp thế nữa? Cần nghiêm túc xem lại”.
Theo bà, ngay trong ngành, câu chuyện thuốc VN Pharma là thuốc kém chất lượng hay thuốc giả mà cũng có tranh cãi, nhưng chỉ cãi qua cãi lại trên phương tiện thông tin đại chúng thì “thiếu tôn trọng pháp luật”.
Nguyên PGĐ Sở Y tế TP.HCM cho rằng trong phiên xử vụ án VN Pharma, các bị cáo khai là thuốc H-Capita vẫn còn trong kho, nhưng cũng có lúc đưa thông tin là thuốc này đã ra thị trường. Ngoài H-Capita, VN Pharma còn nhập về một số loại thuốc khác cũng do Helix Pharmaceuticals Inc. sản xuất bằng hình thức giả giấy tờ, và có một số bệnh viện đã mua số thuốc này.
"Như vậy đã có thuốc giả đưa vào thị trường rồi, những bệnh nhân đã sử dụng phải những thuốc đó thì có cơ chế xử lý, bồi thường ra sao?", bà Lan đặt câu hỏi.
Bà đề nghị phải có giải pháp tìm ra những người tích lũy được tài sản, ăn hoa hồng, tham nhũng khi cấp phép cho các loại thuốc này lưu hành để sử dụng tài sản của họ bồi thường cho các bệnh nhân. Không thể bắt người bệnh chịu sự vô lý này.
Nữ ĐB TP.HCM cũng nêu thực tế vừa qua, báo chí rộ lên đề nghị xác định 7 loại thuốc do VN Pharma nhập về trước đó. Đây cũng đều là các loại kháng sinh dành cho những trường hợp bệnh rất nặng. Vậy thì những loại thuốc này đã đi về đâu?
“Lúc đó, từ Bộ Y tế đến BHYT lục tục soát lại xem BV nào đã mua loại thuốc này cho bệnh nhân thì phải xuất toán. Tôi nghĩ vấn đề không phải xuất toán, vấn đề là phải bồi thường cho bệnh nhân. Tại sao phải xuất toán lúc BV mua là hoàn toàn hợp lệ, và người phải chịu trách nhiệm là người cấp phép”, bà Lan nhấn mạnh.
Cự Giải (T/h)