(ĐSPL) – Ngay sau khi công bố quy chế thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT có những giải đáp kịp thời, nhằm giúp thí sinh và phụ huynh nắm rõ những quy định mới trong kỳ thi tốt nghiệp sắp diễn ra.
Quy chế thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố có những điểm mới đáng chú ý nào?
Bộ GD-ĐT trả lời: Năm 2017 là năm thứ ba kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội nhưng kết quả vẫn bảo đảm độ tin cậy để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh.
Các kỳ thi năm 2015, 2016 đã được tổ chức thành công, sau mỗi năm có những điều chỉnh, hoàn thiện tốt hơn nhưng vẫn còn một số hạn chế tồn tại. Để từng bước khắc phục các hạn chế trên, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi với các điểm thi được đặt ở các trường hoặc liên trường THPT ở các huyện/thị tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi.
Bộ GD-ĐT giải đáp những thắc mắc xung quanh quy chế thi THPT quốc gia năm 2017. (Ảnh: Bộ GD-ĐT) |
Tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên. Sự tham gia này để các trường đại học, cao đẳng chia sẻ trách nhiệm, cùng phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan
Kỳ thi năm 2017 sẽ tổ chức thi 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức thi này sẽ hướng tới học sinh học tập toàn diện, khắc phục dần tình trạng học tủ, học lệch.
Kỳ thi được tổ chức trong 2,5 ngày tạo thuận lợi cho thí sinh. Quy chế cũng cho phép và khuyến khích học sinh ngoài thi các bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) thì có thể đăng ký thi cả 2 bài thi tự chọn (KHTN và KHXH) để tăng thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng và khuyến khích các em học tập toàn diện hơn.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12, với các câu hỏi ở mức độ cơ bản để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng. Để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi chuẩn hóa riêng.
Ngoài ra, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tiếp tục sử dụng kết quả học tập trong năm lớp 12 với kết quả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Năm nay là năm đầu tiên tổ chức các bài thi tổ hợp. Các thí sinh cần lưu ý gì khi đăng ký dự thi và khi làm bài thi tổ hợp KHTN và KHXH?
Bộ GD-ĐT trả lời: Bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần. Bài KHTN gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; Bài KHXH gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công (dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT); tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Khi đăng ký dự thi, thí sinh cần đăng ký môn thi tự chọn KHTN hay KHXH dùng để xét tốt nghiệp THPT. Quy chế cho phép các thí sinh thi cả 2 bài thi tự chọn, bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định. Bài thi KHTN theo trình tự các môn thành phần: Vật lí, Hóa học, Sinh học; Bài thi KHXH theo trình tự các môn thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (đối với thí sinh THPT); Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX). Thí sinh làm các môn thành phần của một bài thi tổ hợp KHTN/KHXH trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm.
Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, thí sinh cần kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài.
Thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó thi môn thành phần tiếp theo. Như vậy, thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng. Thí sinh cũng không phải nộp đề thi, giấy nháp đối với các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Công tác chấm thi được thực hiện như thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan?
Bộ GD-ĐT trả lời: Quy chế quy định rất rõ quy trình, yêu cầu của công tác chấm thi. Trong đó các bài thi Toán, KHTN, KHXH và Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên sẽ được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng với quy trình chặt chẽ, đảm bảo an toàn, tin cậy, khách quan.
Bài thi tự luận Ngữ văn được chấm theo 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra cùng tiến độ với quá trình chấm thi.
Quy chế cũng quy định rõ cách xử lý kết quả chấm thi khi có sự chênh lệch giữa hai lần chấm độc lập. Các quy định đều hướng tới đảm bảo chấm thi khách quan, tin cậy.
Thí sinh cần lưu ý những gì khi đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2017?
Bộ GD-ĐT trả lời: Việc đăng ký dự thi nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu của kỳ thi. Dữ liệu này được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do vậy các thí sinh cần lưu ý và hiểu rõ Quy chế thi để đăng ký dự thi kịp thời, chính xác.
Việc đăng ký dự thi sẽ do các Sở GD&ĐT tổ chức triển khai tại các trường THPT/ Trung tâm Giáo dục thường xuyên và tại các địa điểm khác do Sở quy định.
Khi đăng ký dự thi các em cần chú khai báo đầy đủ các thông tin trong Phiếu đăng ký dự thi, trong đó đặc biệt chú ý: Các thông tin cá nhân; Đối tượng dự thi; Đăng ký thi các bài thi/môn thi thành phần (các bài thi bắt buộc và các bài thi tự chọn); Các chế độ ưu tiên (nếu có); Các bài thi sử dụng để xét tốt nghiệp THPT; Các thông tin liên quan khác…