Theo đó, dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 41 điều, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đối với xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị định quy định 2 hình thức là phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo.
Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm.
Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này còn đề xuất các biện pháp khắc phục khác như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc niêm yết biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đúng quy định; buộc lắp đặt, duy trì thiết bị điện là loại phòng nổ; hệ thống điện phục vụ phòng cháy và chữa cháy; thiết bị, hệ thống chống tĩnh điện theo quy định; cửa thoát nạn, lối thoát nạn, đường thoát nạn...
Dự thảo Nghị định cũng quy định về mức phạt tiền trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà. Mức phạt trên cũng áp dụng cho hành vi sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, còn hành vi tàng trữ bị đề xuất phạt 25-30 triệu đồng.
Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm được đề xuất phạt 40-50 triệu đồng, thay vì 30-40 triệu đồng như mức hiện hành. Hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy được đề xuất nâng tiền phạt từ 2-5 triệu đồng (mức hiện hành) lên 6-8 triệu đồng.
Hành vi sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng nổ trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ; không bảo đảm hệ thống điện phục vụ PCCC được đề xuất phạt 10-15 triệu đồng, thay cho mức 5-10 triệu đồng như hiện hành.
Bộ Công an cũng đề xuất phạt 25-30 triệu đồng thay vì 15-25 triệu đồng với hành vi không có hệ thống điện phục vụ PCCC. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi làm mất tác dụng đối với lối thoát nạn, đường thoát nạn theo quy định. Đồng thời, mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ lối thoát nạn, đường thoát nạn theo quy định.