Lũ lụt đã làm tê liệt ngành nông nghiệp của Pakistan, trong bối cảnh đất nước này lao đao vì khủng hoảng kinh tế và lạm phát hai con số khiến giá bán các mặt hàng cơ bản tăng vọt.
Những trận lũ lụt xảy ra đã quét sạch đường xá, nhà cửa, trường học và bệnh viện trên phần lớn lãnh thổ Pakistan. Hàng triệu người dân đã phải rời bỏ nhà cửa, vật lộn để di chuyển qua mực nước nóng đến thắt lưng để đến những hòn đảo an toàn, New York Times đưa tin ngày 11/9 (giờ địa phương).
Gần như tất cả các loại cây trồng của đất nước cùng với hàng ngàn vật nuôi và các kho dự trữ lúa mì, phân bón đã bị hư hại, dẫn đến cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực.
Kể từ khi một trận mưa lớn cùng với gió mùa tấn công Pakistan vào tuần trước, làm mực nước dâng lên sau hơn hai tháng lũ lụt kỷ lục khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng chục triệu người phải di dời, chính phủ Pakistan và các tổ chức cứu trợ quốc tế đã nỗ lực để cứu người dân.
Nước lũ ở Pakistan hiện bao phủ khoảng 1/3 đất nước, bao gồm cả vành đai nông nghiệp của nó, với dự báo sẽ có nhiều mưa hơn trong những tuần tới. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và phát triển Pakistan Ahsan Iqbal, thiệt hại do lũ lụt có thể sẽ "lớn hơn nhiều" so với ước tính ban đầu khoảng 10 tỷ USD.
Lũ lụt gây ra thách thức cho Pakistan, một đất nước vốn đã phải chật vật đối mặt với khủng hoảng kinh tế và lạm phát hai con số khiến giá hàng hóa cơ bản tăng vọt.
Quan chức nước này cảnh báo, lũ lụt đang đe dọa hiện nay sẽ khiến Pakistan bị thụt lùi trong nhiều năm hoặc thậm chí trong nhiều thập kỷ.
Các chuyên gia cảnh báo thiệt hại đối với ngành nông nghiệp của đất nước cũng có thể được cảm nhận trên toàn cầu. Pakistan là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu bông và gạo hàng đầu thế giới - những cây trồng đã bị lũ lụt tàn phá.
Ngoài ra, khoảng một nửa sản lượng bông của nước này đã bị phá hủy, một đòn giáng mạnh vào sản lượng bông toàn cầu trong một năm khi giá bông tăng vọt, do các nhà sản xuất lớn khác từ Mỹ đến Trung Quốc phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt.
Lũ lụt cũng đe dọa và làm mất trật tự mùa gieo trồng lúa mì của Pakistan trong mùa thu này, làm tăng khả năng tiếp tục thiếu lương thực và giá cả tăng vọt trong năm tới. Đó là một viễn cảnh đáng báo động ở một quốc gia có kinh tế phụ thuộc vào sản lượng lúa mì.
Rathi Palakrishnan, phó giám đốc quốc gia của Chương trình Lương thực Thế giới tại Pakistan, cho biết: “Chúng tôi đang ở trong một tình huống rất thảm khốc. Nếu mực nước lũ không rút trước thời vụ gieo trồng vào tháng 10, chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn".
Trong năm nay, hơn 1.300 người dân đã chết vì lũ lụt - gần một nửa trong số đó là trẻ em - và hơn 6.000 người bị thương, theo số liệu Liên Hợp Quốc. Khoảng 33 triệu người đã phải di dời.
Tỉnh Sindh, nơi sản xuất khoảng 1/3 nguồn cung cấp lương thực cho Pakitsan, là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những trận mưa. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tỉnh này đã nhận được lượng mưa lớn gấp gần 6 lần lượng mưa trung bình trong 30 năm qua.
Bích Thảo(Theo New York Times)