Ngày 26/7, bác sĩ Vi Văn Thành, khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh, cho biết trên VnExpress, bệnh nhân được đưa đến viện khoảng 30 phút sau khi bị đâm, tình trạng rất nguy kịch, miệng vết thương lớn 2x5 cm, máu chảy ồ ạt, nguy cơ cao tử vong. Kíp trực cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động bác sĩ 6 chuyên khoa mổ khẩn.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện tá tràng, đại tràng bệnh nhân đều có lỗ thủng, tĩnh mạch chủ bụng rách lớn, niệu quản phải bị đứt.
Ê kíp mổ hút gần hai lít máu đỏ tươi và dịch tiêu hóa chảy tràn trong ổ bụng bệnh nhân ra ngoài, sau đó lần lượt xử trí những tổn thương, khâu nối các đoạn ruột thủng, mạch máu, niệu quản, đồng thời tạo ống thông ra da để hút dịch, nuôi ăn, truyền bù lượng máu đã mất.
Sau 3 tuần chăm sóc tích cực, hiện bệnh nhân hồi phục, được xuất viện.
Theo các bác sĩ, trong ổ bụng chứa nhiều cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, một số cơ quan khác như tuyến thượng thận và mạch máu lớn.
Khi có vết thương hoặc chấn thương vùng này sẽ dễ dẫn đến thủng, vỡ tạng gây chảy máu ồ ạt nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân trên rất may mắn vì được người nhà sơ cứu đúng cách, giữ được phần tạng lòi ra không bị nhiễm trùng, băng cầm máu và đưa đến bệnh viện kịp thời.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo với các vết thương thủng tá tràng, vết thương nặng lộ phần tạng ra ngoài như: ruột, mạc nối lớn, ... tuyệt đối không cố gắng đẩy vào trong.
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, để giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, người dân nên dùng gạc sạch đậy lên trên và tưới nước muối sinh lý liên tục. Nếu không có thể dùng bát, tô, chậu nhỏ bằng nhựa, bằng thủy tinh, ... úp lên trên và giữ kín rồi nhanh chóng chuyển đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa để cấp cứu kịp thời.
Việt Hương (T/h)