(ĐSPL) - Để trấn yểm đất thiêng, người ta cho cất am lá. Theo thời gian, am lá thành chùa nhưng người qua đoạn đường này vẫn cảm thấy hoang lạnh, nghe tiếng ngựa hí, dồn đuổi một cách không thể lý giải.
Sau cùng, chủ ngôi cổ tự quyết định thuê thợ, đúc tuấn mã trấn giữ ngay cổng chùa. Từ đấy, nhiều giai thoại huyền bí đã xảy ra tại ngôi cổ tự Thanh An...
Ngựa Xích Thố trấn yểm đất thiêng
Trong văn hóa tâm linh của người dân phường Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chùa Thanh An được xem như nơi linh thiêng, tôn kính với những câu chuyện huyễn hoặc mang màu sắc liêu trai. Ngoài việc được xem như địa điểm lý tưởng cho các cặp vợ chồng cầu tự, nam nữ cầu duyên, chùa còn được cho là có vị trí trấn yểm đất thiêng. Và, chú ngựa Xích Thố được tạc công phu, sống động án ngữ trước cổng chùa chính là linh vật thực hiện nhiệm vụ trên.
Sư thầy Thích Thiện Giác, ban Nghi lễ chùa Thanh An cho biết: "Tiền thân chùa chỉ là một cái am nhỏ. Ngày xưa, vùng đất này rất hoang vắng, lạnh lẽo. Người dân không dám đi qua khu vực này vì khi đi lại ở đây, người ta nghe những tiếng động rất lạ. Do đó, người xưa mới dựng lên cái am nhỏ để nhang khói cho bớt hoang vu và thờ Quan Công. Tuy nhiên, sau khi dựng am rồi chuyển từ am sang chùa, người dân khi đi ngang qua khu vực này vẫn nghe những tiếng động kỳ quái".
Theo lời sư thầy, chuyện dân gian đất này ghi lại rằng, khi đi ngang qua khu vực chùa Thanh An này, người xưa luôn nghe từ đằng sau những tiếng ngựa hí vang trời và rầm rập đuổi tới khiến ai nấy đều hốt hoảng, tìm chỗ lánh nạn. Tuy nhiên, sau tiếng động như hàng trăm con ngựa đuổi tới, người xưa chỉ thấy làn khói mờ ảo tan dần vào không khí. Chuyện lạ trên tiếp diễn nhiều năm liền cho đến khi chùa cho đúc tượng ngựa Xích Thố đặt trước cổng. Ghi nhận từ nhiều câu chuyện truyền miệng của các lão nhân xung quanh chùa, việc đúc tượng Xích Thố mã cũng có nhiều giả thuyết khác nhau.
|
Xích Thố mã và thanh long đao trấn giữ trước cổng chùa. (ảnh: Hà Nguyễn). |
Theo nhiều bậc lão niên thường xuyên công quả cho chùa Thanh An, con Xích Thố bằng bê tông cốt thép cao hơn 2m, dài 3m trên là do ông Trần Hiển Vinh, người có công xây chùa mời thợ từ Huế vào chế tác từ năm 1930. Những người này quả quyết rằng, để đúc tượng ngựa Xích Thố cao lớn, sống động như ngày nay, cụ Vinh phải vay mượn hơn chục lượng vàng. Sau khi tượng đúc xong cũng là lúc gia đình cụ Vinh khánh kiệt. Để trả nợ số tiền vay mượn vào việc đúc tượng trấn yểm đất thiêng, gia đình cụ phải tích góp suốt phần đời còn lại. Sau khi dứt nợ, cụ cũng qua đời luôn.
Tuy nhiên, thông tin trên lại khá xa lạ với sư thầy Thích Thiện Giác. Sư thầy cho biết: "Tôi mới đến chùa không lâu nên có thể không biết thực hư của câu chuyện trên. Tuy nhiên, theo tôi biết ngựa Xích Thố đã có từ rất lâu. Từ khi tôi về chùa này đã có nhưng tôi chưa nghe ai kể sự tích trên, trong các tài liệu của chùa cũng không thấy đề cập đến". Cũng theo người dân địa phương, sau khi có sự xuất hiện của Xích Thố mã cùng thanh long đao bằng gỗ trấn yểm trước cổng chùa, mảnh đất nơi đây trù phú, thanh bình đến lạ. Người xưa truyền rằng chùa vốn thờ Quan Công, nay có thêm ngựa Xích Thố và thanh long đao, thần khí càng mạnh hơn, có thể xua đuổi tà khí, bảo vệ dân làng.
Thế nhưng, tồn tại trong những biến cố của lịch sử, Xích Thố mã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Cụ Bùi Hữu Huỳnh (75 tuổi, ngụ P. Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) cho biết: "Con ngựa này vô cùng đặc biệt. Tuy là tượng đúc bằng xi măng nhưng thần thái, sống động vô cùng. Đặc biệt là con ngươi của nó. Chi tiết này sinh động đến nỗi nhìn không khác con ngươi ngựa thật. Do thần thái, sống động như vậy vào thời Pháp thuộc, khi chùa suy yếu, nhiều kẻ xấu đã tìm cách quật ngựa về làm của riêng. Một số khác lại tin rằng, con ngươi của ngựa được làm từ hai khối hồng ngọc rất lớn, bụng chứa kho báu, vàng bạc,... Hơn nữa, vì thấy nhiều người lui tới, chui qua mình ngựa, tụ tập tại chùa, giặc Pháp tin rằng dưới chân ngựa chôn vũ khí nên có giai đoạn chúng bắt đào, bứng ngựa đi. Gia đình cụ Vinh phải tốn kém bao nhiêu tiền của mới giữ được nguyên vẹn".
|
Ba pho tượng cổ bằng gỗ mít (ảnh lớn) và ba pho tượng bằng xi măng vừa được thay thế. ảnh: Hà Nguyễn. |
Giai thoại chuyện trăm người không dời nổi án thờ gỗ
Sư thầy Thích Thiện Giác chia sẻ, ngoài câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc Xích Thố mã, chùa Thanh An còn tồn tại niềm tin thần thánh hiển linh trừng trị kẻ gian tham. Theo sư thầy, trước kia khi chùa còn là một cái am nhỏ, chưa được trùng tu bề thế, chánh điện thờ ba tượng thần được đẽo bằng gỗ mít. Về sau này, qua nhiều lần trùng tu, chùa nới rộng, nhiều người nhận thấy ba pho tượng xưa kia quá nhỏ so với chánh điện. Việc các bức tượng quá nhỏ, khiến ban thờ không tương xứng với chánh điện rộng lớn nên một số người quyết định đúc ba pho tượng khác lớn hơn bằng xi măng để thay thế.
"Lúc đầu, có một ông người Tàu ở Chợ Lớn, TP.HCM xin được tạc tượng thay thế. Chùa cúng, xin ba ông (ba bức tượng cũ trong chùa - PV) để được dời đi nhưng sự lạ đã xuất hiện. Ngay khi cúng, người ta xin quẻ cũng không được quẻ thuận. Nhiều người đã nghĩ rằng các ông không muốn ở lại chùa, nhưng người này vẫn quả quyết đổi tượng rồi thuê người khiêng khánh thờ ba bức tượng này ra chỗ khác, thay khánh thờ mới to hơn để thờ tượng mới. Tuy nhiên, những người này không thể nào lay chuyển được khánh thờ của ba bức tượng bằng gỗ mít bé nhỏ trên. Tưởng khánh bằng gỗ tốt nên khá nặng, trăm người xúm vô khiêng nhưng cũng không có tác dụng. Biết là thần không chịu đi nên đành để yên", sư thầy Thiện Giác cho biết.
Cũng theo sư thầy, sau chuyện ly kỳ trên, nhiều người không tin, vẫn có ý định thay tượng. Tuy nhiên, sau nhiều lần không thành công, những người này đành lập cỗ cúng xin ba vị thần cho họ khiêng lui vào sau đại điện để đặt hương án thờ ba pho tượng mới được đúc bằng xi măng lớn hơn. Sau lời khấn trên, một lần nữa chuyện kỳ lạ lại xảy ra. Không nặng nề, khó khăn như trước, khánh thờ ba pho tượng bằng gỗ mít bé nhỏ ngày nào từng khiến trăm người không thể lay chuyển giờ chỉ cần bốn người bốn góc là có thể nhấc lên, khiêng lùi ra sau. Sau chuyệnồ lạ trên, đến nay, trong khuôn viên đại điện chùa có hai hương án thờ sáu pho tượng cùng tượng trưng cho ba vị thần. Các bức tượng trên chỉ khác ở chỗ ba pho tượng tại hương án phía trước bằng xi măng, có kích thước to hơn ba pho bằng gỗ mít tại hương án phía sau. Về sau này, trải qua nhiều lần trùng tu, người ta thêm hai pho tượng nữa vào hương án phía sau và gọi là Ngũ Công Vương Phật.
Cùng giai thoại về việc không sức mạnh nào có thể di chuyển hương án trong đại điện ngôi cổ tự có Xích Thố mã trấn giữ, người dân nơi đây lại có một giai thoại rất khác câu chuyện nói trên. Theo đó, các lão nhân nơi đây lưu truyền câu chuyện người đồng môn của cụ Vinh có ý cướp án thờ, linh khí của chùa Thanh An sang chùa mới của mình. Cụ Bùi Hữu Huỳnh kể: "Người xưa kể rằng sau khi cụ Vinh chết, một người đồng môn của cụ đã tách ra, xây một ngôi chùa khác cách chùa này không xa. Sau khi xây chùa, người này thấy chùa không phát mà âm u, hoang lạnh nên nghĩ cách xây cất án thờ, khánh thờ phỏng theo khánh, án của chùa Thanh An nhưng cũng không khá hơn.
Nghĩ chỉ có khánh, án thờ cổ của chùa này mới linh ứng nên người này đã gọi hàng trăm người đến đào, đục hương án, khiêng khánh thờ lên để đem về chùa mới thờ nhưng không tài nào nhấc lên khỏi mặt đất được. Mặc cho hàng trăm thanh niên gắng sức, mặt đỏ tía tai, gồng mình nhấc nhưng bệ thờ vẫn không nhúc nhích. Sau khi cố gắng hết sức mà không làm được gì bọn họ đành bỏ đi. Từ đó, không ai dám mạo phạm đến ngôi chùa linh thiêng này nữa".
Xích Thố mã duy nhất của miền Nam? Sư thầy Thích Thiện Giác cho biết: "Sự độc đáo của bức tượng ngựa Xích Thố của chùa Thanh An khiến nhiều chùa, đơn vị khác yêu mến. Nhiều thợ các vùng cũng xuống đo ni, quan sát để về đúc theo kích thước của pho tượng ngựa nhưng không nơi nào tạc được tượng có thần khí, sống động như ở chùa này. Thế nên đây có thể nói là Xích Thố mã duy nhất của miền Nam. Trước kia, trên mình ngựa có cả yên, cương, lục lạc nhưng vào những ngày lễ, người dân thường chui qua mình ngựa để cầu mong sức khỏe, may mắn, mỗi lần như thế họ thường thuận tay bứt lấy lục, vật dụng trang trí trên ngựa nên chúng tôi phải cất đi. Cho đến nay, tập tục chui qua mình ngựa để cầu may mắn, sức khỏe vẫn còn được người dân gìn giữ". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-ngoi-chua-duoc-than-ma-xich-tho-bao-ve-a30166.html