+Aa-
    Zalo

    Bệnh ở quý ông: Nhầm lẫn trong chẩn đoán có thể dẫn tới vô sinh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại trung tâm nam học bệnh Việt Đức mỗi năm có khoảng hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán, nếu phát hiện muộn có thể dẫn tới vô sinh.

    Tại trung tâm nam học bệnh Việt Đức mỗi năm có khoảng hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán, nếu phát hiện muộn có thể dẫn tới vô sinh.

    Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21.  Điều này nói lên tầm quan trọng của chẩn đoán chính xác xoắn tinh hoàn tại tuyến cơ sở mới làm tăng được tỉ lệ bảo tồn tinh hoàn.

    Sinh lý bệnh

    Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu: động mạch và tĩnh mạch. Hậu quả dẫn đến thiếu máu, nhồi máu cấp tính tinh hoàn.

    Loại 1: Xoắn tinh hoàn và mào tinh trong màng: Thường gặp ở trẻ lớn (Ảnh 1a)
    Loại 2: Xoắn tinh hoàn và mào tinh ngoài màng (Ảnh 1b)
    Loại 3: Xoắn tinh hoàn, mào tinh hoàn bình thường (Ảnh 1c)
    Xoắn tinh hoàn thường xảy ra trên những bệnh nhân có tinh hoàn ẩn. Nghiên cứu gần đây cho rằng nhiệt độ lạnh đột ngột và độ ẩm cao là điều kiện thuân lợi cho xoắn tinh hoàn.

    Triệu chứng

    Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra sau chấn thương tinh hoàn.

    Phần lớn các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau chói ở bìu bệnh nhân thường nhớ rõ thời điểm đau.

    Nôn mửa có thể kèm theo đau.

    Nên thận trọng nếu bệnh nhân có đau hố chậu bên phải giống viêm ruột thừa, đặc biệt ở trẻ em để chẩn đoán sớm tránh bỏ sót vì lầm tưởng đau bụng thông thường do rối loạn tiêu hóa.

    Bệnh nhân thường không có các triệu chứng nhiễm trùng.

    Khám lâm sàng:

    Tinh hoàn có thể sưng nhẹ, đỏ ửng.

    Tinh hoàn treo cao và có thể nằm ngang nếu so sánh với tinh hoàn bên đối diện.

    Khi nâng tinh hoàn lên bệnh nhân thấy đau nhiều hơn (dấu hiệu Prehn’s) phân biệt với viêm tinh hoàn mào tinh hoàn: Khi nâng tinh hoàn lên thì bệnh nhân đỡ đau.

    Mất phản xạ cơ bìu (Cremasteric reflex): Độ nhạy gần 100%.

    Cận lâm sàng: Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình.

    Chẩn đoán phân biệt:

    Viêm mào tinh hoàn – Viêm tinh hoàn: Thường chẩn đoán nhầm với xoắn tinh hoàn và dẫn tới phải cắt tinh hoàn nhất. Bệnh nhân xuất hiện sưng đau đột ngột ở bìu kèm các triệu chứng của nhiễm trùng: sưng, nóng, đỏ. Siêu âm Doppler: Có hiện tượng tăng sinh mạch, nếu viêm sâu vào tinh hoàn có thể có xuất hiện những ổ giảm âm không đồng nhất – Microabcess.

    Xoắn phần phụ tinh hoàn: Phần phụ tinh hoàn có nguồn gốc từ ống Müller trong khi phần phụ mào tinh hoàn có nguồn gốc từ ống Wolf. Xoắn phần phụ tinh hoàn thường gặp ở trẻ em. Triệu chứng gần giống với xoắn tinh hoàn nhưng khám lâm sàng có thể thấy tinh hoàn không nằm treo cao bất thường.

    Các nguyên nhân khác: bao gồm chấn thương, thoát vị bìu, tràn dịch màng tinh hoàn, khối u tinh hoàn.

    Viêm thừng tinh trong hội chứng viêm thành mạch dị ứng (Henoch-Schönlein).

    Điều trị

    Nếu xoắn tinh hoàn không thể loại trừ bằng khám lâm sàng và siêu âm Doppler: mổ thăm dò khẳng định chẩn đoán và xử trí thương tổn.

    Trường hợp bệnh nhân đến sớm trước 6h: Mổ cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong quá trình chờ đợt có thể tháo xoắn bằng tay, kiểm tra lại bằng siêu âm doppler đánh giá sự phục hồi lưu thông mạch máu.

    Trường hợp bệnh nhân đến muộn: Tinh hoàn đã tím đen hoại tử không có khả năng bảo tồn: Cắt tinh hoàn, cố định tinh hoàn bên đối diện tránh xoắn. Phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo được tiến hành một tháng sau mổ.

    Chuẩn bị bệnh nhân:

    – Nhịn ăn

    – Cạo lông bộ phận sinh dục

    – Thử test kháng sinh

    Trình tự phẫu thuật:

    Vô cảm: Tê tủy sống

    Rạch da dọc đường đan của bìu hoặc đường song song với đường đan bên tinh hoàn bên tổn thương.

    Rạch qua các lớp của bìu bộc lộ màng tinh hoàn, tinh hoàn.

    Tinh hoàn tím đen hoại tử: Cắt tinh hoàn không tháo xoắn: Khâu cầm máu bằng Vicryl 2/0.

    Bệnh nhân đến sớm: Tháo xoắn tinh hoàn, đắp huyết thanh ấm và phong bế mạc treo bằng lidocain. Nếu tinh hoàn hồng trở lại thì bảo tồn, cố định tinh hoàn. Nếu không hồi phục: Cắt bỏ tinh hoàn; Đóng vết mổ 2 lớp; Băng vết mổ.

    TS. Nguyễn Quang, ThS. Nguyễn Duy Khánh/ Trung tâm Nam học, BV Việt Đức

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-o-quy-ong-nham-lan-trong-chan-doan-co-the-dan-toi-vo-sinh-a191186.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan