Đưa bố là cụ Vũ Đình Lăng (78 tuổi, trú tại số 57 ngõ 218 phố Tây Sơn, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) nhập viện với triệu chứng đau bụng, anh Vũ Đình Lân yên tâm khi bác sỹ chẩn đoán đây chỉ là hội chứng dạ dày. Thế nhưng, sau 3 ngày uống thuốc, cụ Lăng càng ngày càng nặng mà bác sỹ vẫn không có được biện pháp điều trị tích cực nào khiến gia đình buộc phải tự chuyển viện. Tuy nhiên, lúc đó đã quá muộn...
Tưởng nhẹ hóa nặng
Tính đến này, đám tang cụ Lăng đã trôi qua được gần 3 tháng, nhưng nỗi đau mất cha khiến anh Lân và cùng gia đình vẫn không thể nguôi ngoai. Theo anh Lân, nếu các y bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn không thờ ơ, vô cảm với cha anh thì có lẽ cụ Lăng không thể ra đi một cách oan uổng như vậy được.
Anh Lân cho biết: “14h ngày 29/12/2017 thấy cha bị đau bụng quằn quại, chúng tôi đưa cụ vào Khoa Cấp cứu theo đúng tuyến bảo hiểm y tế. Tại đây, bố tôi được bác sỹ Nguyễn Hữu Viện khám và cho đi chụp X-quang, siêu âm ổ bụng. Nghi ông cụ bị hội chứng dạ dày, bác sỹ chỉ định cho tiêm 2 ông giảm đau Atropin 0,25mg và yêu cầu chúng tôi mua 1 ống Nospa 40mg để tiêm thêm. Sau khi tiêm, bố tôi bớt đau, lúc này bác sỹ nói gia đình mua thêm thuốc Nerium 40mg để tiếp tục tiêm và đến 19h cùng ngày thì bệnh viện cho bố tôi về”.
Tuy nhiên, sau khi rời khỏi bệnh viện được vài giờ thì cụ Lăng đau bụng quằn quại trở lại. Đến 7h sáng ngày 30/12/2017, gia đình anh Lân đưa ông cụ quay về Khoa Cấp cứu. Lại tiếp tục chụp X-quang, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu... và vẫn bài thuốc cũ là Atropin, Nospa thì cụ Lăng tạm lui cơn đau. Cho đến 14h chiều, khi thuốc tan thì cũng là lúc cụ Lăng ôm bụng vật vã. Ngoài tiêm thuốc Nospa thì các bác sỹ vẫn chưa có biện pháo nào khả dĩ hơn.
“Đến đêm hôm đó thì bố tôi sốt cao, lên cơn co giật. Tuy nhiên do không có bác sỹ nên gia đình chỉ có thể trao đổi với điều dưỡng về tình trạng của cụ. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều khiến chúng tôi bức xúc” - anh Lân nói.
6h sáng ngày 31/12/2017, thấy cha mình đau quằn quại, gia đình anh Lân liên tục báo bộ phận trực cấp cứu. Nhưng ngoài điệp khúc chụp X-quang, siêu âm ổ bụng thì không có bất cứ bác sỹ nào thăm khám cho cụ Lăng. Đợi đến 9h, khi đã quá xót ruột cho bệnh tình của bố mình thì anh Lân mới tìm được bác sỹ chịu trách nhiệm chính. Nhưng khi anh vào trình bày về tình trạng của cha thì vị bác sỹ này lạnh lùng trả lời: “Chúng tôi không có nhiều thì giờ tiếp từng bệnh nhân. Anh cứ về phòng, khi nào cần chúng tôi sẽ gọi”
Nhưng rồi, càng chờ càng mất hút. Mãi không thấy được thăm khám, anh Lân gõ cửa phòng vị bác sỹ kia nhiều lần, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được những lời gắt gỏng. Cho tới 11h thì bác sỹ này mới vào khám cho cụ Lăng và hỏi một câu khiến ai cũng ngỡ ngàng. Đó là: Từ sáng tới giờ đã được dùng thuốc gì chưa?
Anh Lân bức xúc: “Đó là 1 câu hỏi vô trách nhiệm bởi chính bác sỹ thừa biết gia đình tôi liên tục thông báo về diễn tiến bệnh của ông cụ nhưng họ không thèm quan tâm. 14h chiều cùng ngày, chính vị bác sỹ này lại gọi tôi vào phòng và cho biết, bố tôi cần mổ thăm dò để xác định bệnh, khi nào xác định chính xác thì bệnh viện sẽ trả lời cụ thể. Nghe vậy, tôi rất hoang mang. Không lẽ không xác định được bệnh mà cứ đè bệnh nhân ra mổ theo kiểu “mò mẫm” như vậy trong điều kiện bố tôi tuổi cao sức yếu thì liệu ông cụ có chịu nổi không? Do đó tôi đã đề nghị được chuyển ông cụ lên tuyến cao hơn để sớm tìm ra căn bệnh chính xác cũng như có hướng điều trị kịp thời”.
Nỗ lực cuối cùng
Đáp lại đề nghị của gia đình anh Lân, vị bác sỹ lại không đồng ý, đồng thời chỉ đạo các điều dưỡng thu lại tất cả phim của bệnh nhân. Anh Lân cho biết: “Đây là cách hành xử rất thiếu tình người bởi lên tuyến trên, chúng tôi rất cần hồ sơ để có thể giảm bớt thời gian xét nghiệm, chụp chiếu cho ông cụ. Họ cũng không cho gia đình tôi chụp lại bất cứ thứ gì trong hồ sơ, thậm chí cũng không trả lại cả thẻ Bảo hiểm y tế”.
Sau khi làm một số “thủ tục cần thiết” với bác sỹ và viết cam kết tự nguyện chuyển bệnh nhân thì anh Lân cũng đưa được cụ Lăng lên tuyến trên. Nhưng phía bệnh viện không hỗ trợ xe cấp cứu và y tá đi cùng mà gia đình phải tự thuê xe ngoài.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sỹ ở đây khám ngay và kết luận cụ Lăng bị tắc mạch mạc treo và phải mổ cấp cứu gấp. “Các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức cho biết, do để quá lâu mà không xác định được bệnh và điều trị kịp thời nên mạch máu bị tắc dẫn đến hoại tử ruột. Trường hợp này phải cắt bỏ một phần đoạn ruột hoại tử. Tuy nhiên, tiên lượng là rất xấu” - anh Lân cho biết.
Mặc dù được mổ cấp cứu ngay trong đêm 31/12, nhưng do quá muộn nên sau đó cụ Lăng đã qua đời.
Không nhất trí với giải thích của bệnh viện
Bức xúc về cái chết của cha, gia đình anh Lân đã có cuộc tiếp xúc với Bệnh viện Xanh Pôn để làm rõ trách nhiệm của bác sỹ, nhưng đến nay cách giải thích của phía bệnh viện không khiến gia đình anh cảm thấy thoả đáng.
Lý giải về cách hành xử của bác sỹ chịu trách nhiệm chính, phía bệnh viện cho rằng: “Bệnh viện đã có chẩn đoán phù hợp và có chỉ định tiến hành phẫu thuật vào trưa 31/12/2017. Gia đình cũng được bác sỹ giải thích về nguy cơ có thể xảy ra trên bàn mổ bao gồm cả nguy cơ tử vong. Tuy nhiên do quá trình giải thích của bác sỹ chưa rõ ràng nên làm gia đình chưa hiểu về bệnh dẫn đến không đồng ý phẫu thuật và đề nghị chuyển sang Bệnh viện Việt Đức”.
Phía bệnh viện cũng cho rằng về chuyên môn, các y bác sỹ đã thăm khám kỹ, theo dõi sát sao, có những xử trí phù hợp đối với bệnh nhân. Thiếu sót duy nhất của bệnh viện là vị bác sỹ chịu trách nhiệm chính đã thể hiện thái độ phong cách chưa đúng mực, chưa giải thích rõ ràng tình trạng bệnh khiến gia đình bệnh nhân bức xúc. Do đó bệnh viện sẽ xử lý theo các quy định hiện hành.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn thì vị bác sỹ này phải chịu hoàn toàn “trách nhiệm về thái độ ứng xử” và có trách nhiệm xin lỗi trực tiếp gia đình.
Tuy nhiên, gia đình anh Lân cho biết là cách giải thích này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. “Nếu Bệnh viện Xanh Pôn vẫn thoái thác trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại lên Bộ Y tế, Thanh tra Bộ, Cục quản lý khám chữa bệnh và Sở Y tế Hà Nội” – anh Lân nói.
Theo ANTĐ