Theo báo Pháp luật Việt Nam, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh L.V.T., 46 tuổi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nhập viện trong tình trạng 1/3 dưới cẳng tay phải sưng nề biến dạng, lệch trục chi, vận động cẳng tay phải hạn chế.
Được biết, cách vào viện 2 tháng, người bệnh bị ngã chống tay phải xuống nền cứng và bị gãy xương quay tay phải. Tuy nhiên người bệnh đã không tới bệnh viện điều trị mà ở nhà tự bó thuốc nam.
Chỉ khi tay phải biến dạng, đau nhức, hạn chế vận động, người bệnh mới đến Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn để khám và điều trị.
Tại đây, qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật chỉnh chục can lệch đầu dưới xương quay cho người bệnh.
Ca phẫu thuật thực hiện thành công. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, đỡ đau nhức, được các bác sĩ hướng dẫn các bài tập lấy lại vận động và đã xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời bác sĩ Nguyễn Văn Huê, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân T. nếu đến bệnh viện kịp thời, bác sĩ có thể điều trị kéo nắn bó bột hoặc phẫu thuật kết hợp xương.
Tuy nhiên do tâm lý chủ quan, ngại đến viện, nghe theo các bài thuốc nam không có cơ sở khoa học, bệnh nhân đã khiến tình trạng bệnh của mình nghiêm trọng hơn. Khi đến viện, phần đầu dưới xương quay trái của người bệnh đã bị can lệch và bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật mới có thể điều trị".
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị các chấn thương, tổn thương xương khớp cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Đặc biệt, người dân không nên tự điều trị tại nhà bằng bất cứ phương pháp dân gian nào để tránh những biến chứng có thể xảy ra, như nhiễm trùng, cong vẹo, lệch trục chi, ảnh hưởng vận động và cuộc sống.
Thùy Dung(T/h)