Toyota, Mazda và Nissan cùng nhiều hãng sản xuất ô tô khác đã sử dụng sản phẩm nhôm không đạt tiêu chuẩn của tập đoàn này.
Theo thông tin từ TTXVN, Kobe Steel đang phải trả giá cho hành vi giả mạo dữ liệu về chất lượng đối với hơn 20.000 tấn sản phẩm kim loại được cung cấp cho khoảng 200 khách hàng trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017.
Kết quả của cuộc điều tra đến nay cho thấy, có khoảng 19.300 tấn sản phẩm nhôm và 2.200 tấn sản phẩm đồng không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Chúng được bán cho nhiều công ty lớn như Toyota, Nissan, Mitsubishi, Honda, Boeing… để sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ chế tạo cửa ô tô cho tới sản xuất khung cửa sổ cho máy bay.
Hiroya Kawasaki lãnh đạo cấp cao của Kobe Steel trong buổi công bố thông tin bê bối tại tập đoàn này. Ảnh: Dân trí. |
Vụ bê bối này khiến ngành công nghiệp Nhật Bản rúng động. Ngày càng nhiều nhà sản xuất thông báo đã sử dụng các sản phẩm nhôm của tập đoàn trên trong sản xuất.
6 trong số các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất của "xứ Mặt Trời mọc" bao gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda cho biết đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe Steel, báo Dân trí đăng tải.
Toyota cho biết đang nhanh chóng xác định liệu có bất kỳ dòng xe nào của hãng có thể bị ảnh hưởng hay không. Còn Nissan khẳng định: “Chúng tôi đang gấp rút thẩm định xem có bất kỳ tác động tiềm tàng nào đến chức năng của xe chúng tôi hay không”.
Honda cho biết đang điều tra các sản phẩm sau thông báo của Kobe... Tuy vậy, Honda cho rằng các sản phẩm của hãng chỉ sử dụng nhôm đã vượt qua khâu thẩm định nội bộ, Thời báo kinh tế Sài Gòn cho biết.
Trước bê bối này, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết các nhà sản xuất lớn như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và IHI Corp đã sử dụng các sản phẩm nhôm không đạt chuẩn của Kobe Steel. Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ tên của các thiết bị quốc phòng bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo Kobe Steel trong cuộc gặp với các quan chức chính phủ Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh: Dân trí. |
Ngoài ra, công ty đường sắt East Japan và Công ty đường sắt Central Japan cũng cho biết sản phẩm nhôm bị giả mạo số liệu của Kobe Steel đã được sử dụng trong các tàu siêu tốc Shinkansen của họ. Dòng máy bay phản lực chở khách do một công ty con của Mitsubishi Heavy Industries sản xuất cũng được Mitsubishi thông báo đã sử dụng sản phẩm nhôm của Kobe Steel.
Thậm chí, Subaru còn sử dụng những sản phẩm không đạt chuẩn trên trong máy bay của hãng. Trước tình hình này Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô tiến hành kiểm tra khẩn cấp để xem liệu có cần tiến hành các chiến dịch thu hồi xe hay không.
Vụ bê bối của Kobe đe dọa làm suy giảm thêm niềm tin vào quản lý chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản và quản lý nhà nước. Gần đây nhất, hãng sản xuất túi khí đã phá sản Takata là nguyên nhân dẫn tới cuộc triệu hồi xe lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới. Chất lượng túi khí không đảm bảo của Takata được cho là có liên quan đến cái chết của 17 người trong các vụ tai nạn xe hơi trên toàn cầu.
Minh Thư(T/h)