Thận có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ thể người, với chức năng lọc máu, đào thải độc tố, chất thải. Thận bị suy yếu gây ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe thể chất của con người.
Vừa qua, theo Aboluowang một bệnh nhi 13 tuổi ở Trung Quốc đã được chẩn đoán suy thận. Trường hợp này vào viện trong tình trạng bị tăng ure máu, suy thận nghiêm trọng cần phải được lọc máu định kỳ.
Sau khi tìm hiểu về thói quen sinh hoạt của trẻ, bác sĩ phát hiện cô bé thường xuyên ăn những thực phẩm không lành mạnh như thịt gà rán và dùng đồ uống có ga liên tục trong 4 năm. Những thực phẩm này có nhiều protein và đường, tiêu thụ nhiều sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thận.
Theo Quỹ Thận Mỹ, một nghiên cứu gần đây ghi nhận uống nước có ga mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, liên quan đến sự hình thành sỏi thận.
Theo Aboluowang, dùng thường xuyên loại đồ uống nhiều đường sẽ dẫn đến lượng đường dư thừa trong cơ thể, gây ra một loạt các vấn đề về thể chất như béo phì và các tình trạng nghiêm trọng như bệnh tiết niệu và tiểu đường.
Hơn nữa, trong đồ uống có ga còn chứa một lượng phốt pho vô cơ. Nếu uống thường xuyên, một lượng lớn chất này sẽ bị tích tụ trong thận. Từ đó, tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận.
Hơn nữa, thói quen này còn dẫn đến tình trạng tăng phốt pho máu có thể do giảm hiệu quả bài tiết ở thận. Ở giai đoạn nặng, người bệnh bị tăng phốt pho máu sẽ có các triệu chứng như cảm giác kiến bò khắp người, gây ngứa và sốt phát ban hoặc đau nhức xương khớp. Một số người có thể có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở...
Dấu hiệu và triệu chứng suy thận
Theo Kidney, suy thận là kết quả của sự suy giảm chức năng thận dần dần. Một số người thậm chí không biết mình bị bệnh thận cho đến khi đến ngưỡng suy thận.
Điều này là do người bị bệnh thận ở giai đoạn đầu có thể không cảm thấy dấu hiệu sức khỏe bất thường. Các triệu chứng thường xuất hiện muộn, ở giai đoạn bệnh tiến triển và có thể bao gồm:
- Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu.
- Da khô và/hoặc ngứa.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Khó tập trung.
- Tê hoặc sưng ở cánh tay, chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.
- Cơ đau nhức hoặc co cứng.
- Khó thở
- Mất cảm giác thèm ăn, khó ngủ.
Nguyên nhân
Bệnh tiểu đường và huyết áp cao là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thận mạn tính và suy thận. Các nguyên nhân khác bao gồm bệnh thận đa nang thường di truyền từ cha mẹ, viêm cầu thận, lupus.
Suy thận cấp có thể phát triển trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, chỉ mang tính tạm thời. Nguyên nhân bao gồm bệnh thận tự miễn, một số loại thuốc, mất nước nghiêm trọng, tắc nghẽn đường tiết niệu, bệnh tim gan không được điều trị.
Biến chứng nguy hiểm của suy thận
Suy thận có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe hoặc biến chứng khác. Nhiều người sống chung với suy thận có một hoặc nhiều biến chứng. Suy thận có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Các biến chứng khác như:
- Thiếu máu (mức hồng cầu thấp).
- Toan hóa máu (tích tụ axit trong máu).
- Rối loạn khoáng chất và xương (khi mức canxi và phốt pho trong máu mất cân bằng, dẫn đến bệnh xương và/hoặc bệnh tim).
- Tăng kali máu (mức kali trong máu cao).
Một số tình trạng có thể là cả nguyên nhân và biến chứng của bệnh thận, bao gồm cao huyết áp, bệnh tim và đột quỵ. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi các biến chứng này là thực sự cần thiết.