Tại miền tây xứ Nghệ có một dòng họ 3 thế hệ nối tiếp nhau giữ chức Tri phủ Tương Dương xưa, bao gồm 3 huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn hiện nay, đó là dòng họ Lang Vi. Điều đáng trân trọng là ngày nay, Lang Vi vẫn là một dòng họ lớn và có nhiều đóng góp vào bản sắc văn hóa chung các dân tộc nơi đây.
Những văn bản lịch sử của triều đình Huế ban tặng cho dòng họ Lang Vi |
Di sản quý giá của Tri phủ Tương Dương
Ngôi nhà sàn của tri phủ Tương Dương Lang Vi Năng ở bản Phục, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An hiện còn lưu giữ được hàng chục cổ vật từ thời dòng họ Lang Vi còn là một thế lực lớn ở miền tây Nghệ An với 3 người nối nghiệp nhau giữ chức tri phủ, 5 người là tri huyện. Đặc biệt, khá nhiều chế thư của triều đình Huế, các đời vua Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại ban khen tặng, chức tước cho tri phủ Tương Dương vẫn còn nguyên chưa hề rách nát.
Đưa ra những di sản quý mà gia đình đang cất giữ, Trưởng họ ông Lang Vi Nguyệt, cũng là người con thứ 7 của tri phủ cuối cùng Lang Vi Năng tiếc nuối cho biết: “Ngoài ra, chúng tôi vẫn còn giữ được nhiều cồng, chiêng, đồ vật bằng bạc, đồng, gốm sứ quý và một nếp nhà bằng gỗ lớn nữa. Nhưng qua thời gian, nhiều đồ vật bị thất lạc, còn ngôi nhà sàn bằng gỗ lớn đã được tặng cho UBND xã làm trụ sở khi chế độ mới thành lập”.
Theo ông Nguyệt kể, trước đây, Tương Dương là một trong những phủ lớn nằm ở vùng miền núi phía tây xứ Nghệ An xưa, nay gồm 3 huyện rộng lớn Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Đây là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em gồm Thái, Mông, Tày Poọng, Ơ Đu, Khơ Mú... Mặc dù là dòng họ lớn, tuy nhiên phải đến thời nhà Nguyễn, trong một lần giết giặc lập công, thì dòng họ Lang Vi mới chính thức được bổ nhiệm làm Tri phủ. Theo ông Nguyệt, năm xưa, giặc Phò Khăm bất ngờ xông vào vùng biên giới của phủ Tương.
Thời điểm này Tri phủ sợ quá bỏ chạy, khiến cho giặc càng thêm hung dữ quấy phá, cướp bóc và giết hại dân bản. Vua nhà Nguyễn ra chiếu viết rằng nếu ai diệt được giặc Phò Khăm, làm lợi cho dân sẽ được trọng thưởng. Lúc này, ông Lang Vi Bằng nhận trọng trách đánh giặc Phò Khăm.
“Ông về huy động anh em họ hàng tham gia, rất nhiều người dân cũng tin tưởng quy tụ dưới trướng. Bằng tài năng, ông nhanh chóng đại bại và bắt sống thủ lĩnh của giặc. Trước công trạng trên, triều Nguyễn quyết định đặc cách bổ nhiệm ông làm Tri phủ. Đó cũng là tri phủ đầu tiên của dòng họ Lang Vi, mở ra thời kỳ 3 đời làm quan Thổ tri phủ của dòng họ”, ông Nguyệt kể.
Trong khoảng thời gian đương nhiệm chức Thổ tri phủ phủ Tương Dương, ông rất quan tâm đến đời sống nhân dân và đứng ra tổ chức nhiều cuộc khai phá đất hoang hóa, mở mang thêm đất đai để canh tác sản xuất nông nghiệp cũng như thành lập các bản làng mới. Ông Bằng còn dạy người dân ở đây cách trồng lúa nước và cho mở những con đường vào những khu vực sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó mà cuộc sống nhân dân ở đây ngày càng khấm khá và ổn định hơn trước. Vì vậy ông được người dân mến yêu, cảm phục.
Chính việc làm đức độ này, ông được các đời vua Thành Thái và Khải Định ban tặng nhiều lần. Trong đó, năm Thành Thái thứ 19 (1907), ông Lang Văn Bằng được thăng chức “Thừa vụ lang, Đồng tri phủ, lãnh Cai phủ thổ tri phủ”; năm Khải Định thứ 5 (1920), ông được thăng chức “Triều liệt đai phu, Quang lộc tự thiếu khanh”.
Đặc biệt, dòng họ Lang Vi còn lưu giữ đạo chế ghi lại sự kiện khi Lang Vi Bằng nghỉ hưu vì tài năng, chính trực nên được triều đình phong “Trung Thuận đại phụ, Hồng Lô tự khanh”. Sau khi Lang Vi Bằng nghỉ hưu, ông truyền chức vụ lại cho người anh họ là Lang Vi Tài. Sau khi ông Tài nghỉ, người Pháp dù xâm lược nước ta nhưng vẫn nể sợ uy tín của dòng họ Lang Vi. Vì vậy, người Pháp thống nhất với triều Nguyễn tiếp tục bổ nhiệm ông Lang Vi Năng là con trai của Lang Vi Bằng kế vị.
Trong thời kỳ này, ông Lang Vi Năng kế tục sự nghiệp của cha cai quản vùng miền núi phía tây Nghệ An và có nhiều công lao với nhân dân. Đặc biệt, vào những năm 1941, ông được Quốc vương nước Triệu Voi (Lào) là Si Sa Vang Vông tặng bằng khen vì có công lao trong việc phân định biên giới hai nước. Ông Lang Vi Năng giữ chức Tri phủ Tương Dương cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nhiều đời nối tiếp cống hiến cho đất nước
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, dòng họ Lang Vi cũng có nhiều đóng góp cho nước nhà. Trong đó, tiêu biểu là ông Lang Vi Tào, cháu họ ông Lang Vi Năng giữ chức Chủ tịch lâm thời Ủy ban Kháng chiến huyện Tương Dương, rồi chuyển về giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện Con Cuông, đến năm 1953. Trong sách Lịch sử Đảng bộ, huyện Con Cuông, tập 1 (1931 - 2003) ghi nhận ông Lang Vi Tào là Chủ tịch UBND huyện, thời kỳ 1947 - 1953.
Ngày nay, Lang Vi vẫn là một dòng họ lớn và có nhiều đóng góp vào bản sắc văn hóa chung các dân tộc nơi đây. Người trong dòng họ sống đoàn kết, yêu thương nhau và đặc biệt có truyền thống khuyến học... Đây cũng được xem là một trong những dòng họ có số lượng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Họ Lang Vi xã Đôn Phục hiện nay có gần 20 người vào đại học, 30 người học cao đẳng, lập nghiệp nhiều vùng miền cả nước.
Ông Lang Vi Nguyệt hào hứng cho biết: “Từ năm 2010, họ Lang Vi đã xây dựng được quy chế hoạt động nhằm thắt chặt mối đoàn kết dòng họ, đặc biệt là việc khuyến học được chú trọng. Hàng năm, con em trong họ đỗ đạt hoặc có thành tích cao trong học tập đều được động viên khen thưởng kịp thời. Cũng vì vậy mỗi năm có rất nhiều cháu đỗ đại học và hiện đang công tác ở khắp cả nước”.
Một điều đáng mừng là cụ Lữ Thị Quyết, người vợ của Tri phủ cuối cùng Lang Vi Năng hiện nay vẫn còn sống. Buổi sang tuổi 100, tóc cụ đã bạc trắng, mắt mờ, nhưng cụ vẫn nói tiếng Kinh rõ ràng, trí nhớ tốt và là “kho tàng sống về văn hóa” không những của dòng họ Lang Vi mà của cộng đồng dân tộc nơi đây.
Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết ngoài những văn bản của triều đình Huế ban tặng, dòng họ Lang Vi còn lưu giữ 2 tập chữ Thái cổ chép tay sao lại trên giấy về sự tích, văn hóa, lịch sử dân tộc Thái. Đây là những tài sản vô cùng quý giá của dân tộc vì vậy cần được bảo tồn.
“Những đóng góp của dòng họ Lang Vi thời phong kiến cho đến nay là điều không thể nào phủ nhận. Họ đã tạo nên một cộng đồng mang bản sắc riêng ở Nghệ An. Điều đáng quý, truyền thống này vẫn được tiếp nối đến ngày nay. Họ sống đoàn kết, yêu thương nhau và đặc biệt ai cũng ham học. Nhiều người trong dòng họ đỗ đạt, thành tài”, ông Hải nói.
Điều đáng tiếc, nhà thờ tự của dòng họ đã bị phá từ những năm 1960, trong đó nhiều hiện vật cổ xưa cũng bị thất lạc và phá hủy. Những năm gần đây, những người đứng đầu dòng họ đang có kế hoạch xây dựng lại nhà thờ họ, phục chế lại một số sắc phong và tài sản mang dấu ấn của lịch sử dòng họ.
Dòng họ có truyền thống cách mạng Ông Vi Thanh Hải, Chủ tịch xã Đôn Phục, huyện Con Cuông xác nhận, theo tài liệu lịch sử từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến nay, nhiều người trong dòng họ Lang Vi đã có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. “Dòng họ này có 3 đời làm Tri phủ phủ Tương Dương thời phong kiến và có nhiều công lao trong việc khai hoang, ổn định cuộc sống của người dân địa phương. Ngay sau khi cách mạng thành công, những người trong dòng họ nhanh chóng đi theo đường lối của Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp cho xã hội”, ông Hải nói. Trao đổi thêm về việc này, ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch huyện Con Cuông xác nhận, theo các tài liệu thì từ khi làm tri phủ các đời dòng họ Lang Vi luôn vì người dân, đóng góp nhiều cho sự phát triển chung tại địa phương. |
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 15+16+17+số 4(Tháng)