+Aa-
    Zalo

    “Vua gạo” miền Tây đưa “hạt ngọc trời” vươn xa thế giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau thời gian nghiên cứu, cải tiến ứng dụng công nghệ mới, từ một dây chuyền sản xuất gạo thô sơ, doanh nhân Nguyễn Văn Thành đã đưa sản phẩm lên tầm quốc tế...

    Sau thời gian nghiên cứu, cải tiến ứng dụng công nghệ mới, từ một dây chuyền sản xuất gạo thô sơ, doanh nhân Nguyễn Văn Thành đã đưa sản phẩm lên tầm quốc tế khi xuất khẩu ra nước ngoài, đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhân dịp trước thềm năm mới 2020, PV báo ĐS&PL có buổi trò chuyện với vị doanh nhân này, người được mệnh danh là “vua gạo” miền Tây, là 1 trong 70 gương điển hình trong cả nước, theo lời kêu gọi Thi đua ái quốc.

    Anh Thành tại công ty của mình. Ảnh: Thanh Lâm

    Khởi nghiệp từ niềm đam mê

    Vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ngay từ bé anh Nguyễn Văn Thành (SN 1970) đã cảm nhận được nỗi vất vả, cơ cực của bà con nông dân nơi đây. Nhằm thay đổi số phận, năm 18 tuổi, anh quyết định rời quê nghèo đến TP.HCM học tập và tìm cơ hội khởi nghiệp.

    Anh Thành cho biết, khoảng năm 1990, anh được gia đình cho theo học ngành cơ khí chế tạo máy tại một trường Cao đẳng nghề ở TP.HCM. Thời gian đầu học tập, anh Thành gặp không ít khó khăn, xen lẫn nỗi nhớ quê, nhớ gia đình. Tuy nhiên, chính từ những khó khăn ban đầu đã giúp anh có nhiều ý tưởng trong việc khởi nghiệp.

    Anh Thành bộc bạch: “Đôi khi, mình học ngành này mà lại kinh doanh, thành công ở lĩnh vực khác, đến với nghề mới được xem là một cơ duyên. Khoảng thời gian học tập tại trường, tôi cũng tranh thủ thu xếp về quê thăm gia đình vào những ngày cuối tháng. Để tiết kiệm chi phí, cứ sau mỗi lần về quê, tôi thường mua vài chục kg gạo rồi mang lên dự trữ dùng cho thời gian dài học tập. Từ việc mang gạo ở quê lên đã giúp tôi hàng tháng tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể”.

    Theo anh Thành, khoảng cách từ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đến TP.HCM không mấy xa, thế nhưng tại thời điểm này giá gạo ở hai nơi lại chênh lệch nhau khá cao. Chính vì thế, mỗi lần nghe anh về quê là một số người quen sinh sống nơi anh thuê trọ liền gửi tiền để mua gạo mang lên dùng. Từ đây, trong anh bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư kinh doanh lúa gạo, bởi sẽ mang lại lợi nhuận giúp anh trang trải cuộc sống.

    Hai năm sau, anh Thành tốt nghiệp ra trường nhưng anh không tìm việc đúng với chuyên ngành cơ khí mà anh theo học. Vừa trở về quê, anh lại bắt đầu thực hiện cho ý tưởng làm thương mại, kinh doanh lúa gạo mà anh đã từ lâu ấp ủ.

    “Việc kinh doanh ban đầu cũng gặp lắm gian nan vì trái ngành mình theo học, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là về nguồn vốn. Tuy nhiên, thấy tôi quá đam mê kinh doanh nên dù gia đình rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng chạy vay vốn từ bà con, họ hàng để tôi làm ăn. Lúc đó, gia đình tôi chỉ vay được 1 lượng vàng”, anh Thành nhớ lại.

    Bằng uy tín và sự quyết tâm, miệt mài trong kinh doanh nên chỉ vài năm sau, anh Thành đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo với một số đối tác lớn. Có đà phát triển, anh Thành liền dốc hết vốn liếng để mở rộng nhà máy lau bóng gạo đầu tiên tại chợ gạo Bà Đắc (xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Nhận thấy việc kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL tiềm năng, anh Thành đã tận dụng và nắm bắt thời cơ. Sau đó, anh đã chuyển giao nhà máy này cho gia đình rồi sang tỉnh bạn tiếp tục phát triển. Tháng 10/1994, công ty chuyên kinh doanh về lúa gạo tại tỉnh Vĩnh Long mang tên Phước Thành IV được thành lập do anh đứng tên giám đốc.

    Từ một dây chuyền sản xuất gạo thô sơ, ngày đêm nhà máy luôn hoạt động hết công suất nhưng cũng không đủ cung ứng cho khách hàng khiến anh Thành nhiều đêm phải trăn trở. Nhất là quy trình chế biến gạo nhà máy lúc bấy giờ còn gặp một số nhược điểm như: Gạo còn bị gãy nhiều, còn lẫn hạt có màu, bị sâu mọt khi chứa trong kho và thời gian bảo quản ngắn. Để loại bỏ những nhược điểm trên, anh Thành quyết xây dựng thương hiệu vừa chất lượng, giá cạnh tranh, giảm thiểu chi phí trong sản xuất. Đặc biệt, sản phẩm đầu ra phải đạt chuẩn sản xuất sạch, an toàn thực phẩm, đạt chuẩn ISO 22000.

    Đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

    Năm 2014, công trình “Cải tiến, ứng dụng công nghệ chế biến gạo 72 giờ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và sản xuất sạch hơn” được công ty anh nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Cũng chính công trình cải tiến này đã giúp công ty Phước Thành IV đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ IV (năm 2016 – 2017) tỉnh Vĩnh Long.

    Ngày 3/6/2018, anh Thành vinh dự được chọn ra Hà Nội dự “Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 – 11/6/2018) tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ. Anh là 1 trong 70 gương điển hình trong cả nước, là người tiêu biểu, duy nhất của tỉnh Vĩnh Long.

    Từ những hạn chế tồn tại, anh Thành cùng với các cộng sự của mình nghiên cứu giải pháp chế biến gạo tốt hơn để khắc phục các khuyết điểm nhằm tạo ra sản phẩm gạo tốt và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Quy trình chế biến theo công nghệ 72 giờ của công ty có tổng thời gian sản xuất là 72 giờ so với công nghệ cũ 36 giờ.

    Theo anh Thành, do đưa công nghệ ủ làm nguội gạo (cysclone ủ nguội). Điểm đổi mới của công nghệ này là trước đây dung hóa chất để hun diệt côn trùng, nay được cải tiến là lắp thêm máy hút để loại trừ hoàn toàn trứng mọt. Do vậy, gạo thành phẩm không có mối mọt, sẽ bảo quản hạt gạo lâu dài từ 9 – 12 tháng.

    Để hiểu rõ hơn sự nghịch lý vì sao công nghệ sản xuất gạo 72 giờ nhiều gấp đôi công nghệ cũ nhưng lại có lợi hơn, anh Thành giải thích: “Thời gian sản xuất chế biến kéo dài nhằm làm cho kết cấu hạt gạo không thay đổi (không bị nứt) giữa công đoạn xát trắng và lau bóng. Đặc biệt, trong quá trình làm nguội tận dụng gió tự nhiên đưa không khí vào làm mát hạt gạo nên tiết kiệm năng lượng.

    Vì vậy, công nghệ chế biến gạo 72 giờ của công ty đã đáp ứng yêu cầu là giảm tổn thất sau thu hoạch, tỉ lệ gạo thành phẩm đạt trên 69% đến 70% so với 62% đến 65% của quy trình cũ, sản xuất gạo sách hơn, tỉ lệ gạo đồng nhất đạt trên 98% và không có lẫn hạt màu, không sử dụng hóa chất bảo quản".

    Anh Thành cho biết, hệ thống cysclone ủ nguội, băng chuyền đều do công ty tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, trên thị trường chưa có đơn vị sản xuất. Nếu mỗi dây chuyền sản xuất thành phẩm có giá khoảng 25 tỷ đồng, tự làm nhà sẽ giảm khoảng 30% chi phí. Hiện, công ty đã lắp đặt và đưa vào sử dụng ba dây chuyền. Mỗi dây chuyền sản xuất hơn 300 tấn/ngày đêm, ba dây chuyền sẽ cho ra thành phẩm gần 1.000 tấn/ngày đêm.
    Với dây chuyền này sẽ làm giảm tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch do nâng cao tỉ lệ thành phẩm lên từ 4% đến 5%. Quy trình chế biến gạo 72 giờ làm tăng thêm lợi nhuận 300 đồng/kg, với sản lượng hàng năm 100.000 tấn, lợi nhuận mang lại cho công ty 30 tỷ đồng. Nhờ áp dụng công nghệ 72 giờ, trong năm những năm qua, công ty sản xuất trên 50 ngàn tấn, đạt doanh thu khoảng 500 tỷ đồng.

    Tấm gương điển hình

    Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Lữ Quang Ngời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhận xét: “Trong năm qua, công ty Phước Thành IV có bước phát triển và đạt được giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa, mang lại hiệu quả tốt trong sản xuất kinh doanh lúa gạo. Công ty Phước Thành IV là tấm gương điển hình 70 năm thi đua ái quốc được chọn tuyên dương. Về công tác xã hội, công ty Phước Thành IV tham gia các hoạt động địa phương tích cực”.

    THANH LÂM

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in số 11+12+13+14+ Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vua-gao-mien-tay-dua-hat-ngoc-troi-vuon-xa-the-gioi-a308497.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan