(ĐSPL) - Hôm nay (28/11), tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử “đại án bầu Kiên” và đồng phạm bị truy tố về 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.
Trước đó, luật sư của “bầu” Kiên đã tiết lộ với PV báo Đời sống và Pháp luật về bản khiếu nại dài 118 trang viết tay của thân chủ mình trong trại giam.
Đơn khiếu nại viết tay dài bất ngờ
Trong phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Nguyễn Đức Kiên và gia đình không ngại chi phí đã mời tới 4 luật sư khá danh tiếng bào chữa cho mình gồm: Luật sư Vũ Xuân Nam, Ngô Huy Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) và luật sư Bùi Quang Nghiêm (đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh). Được biết, trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm mấy ngày, 4 luật sư nói trên luân phiên nhau gặp bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong trại tạm giam.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sơ thẩm. |
Hôm qua (27/11), trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một trong 4 luật sư nói trên (xin được giấu tên) cho biết: Hiện nay sức khỏe của Nguyễn Đức Kiên không được tốt. Điều này thể hiện rõ qua cái bắt tay xã giao, luật sư cảm thấy bàn tay Kiên khá lạnh, thần sắc không được tốt cho lắm.
Xem video:
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên ôm tập hồ sơ tới phiên phúc thẩm
“Bầu” Kiên cho hay, mình đang bị huyết áp cao vì tập trung suy nghĩ, lo lắng nhiều đến phiên tòa phúc thẩm. Cũng theo vị luật sư này, sau phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP. Hà Nội, trong trại giam T16 Bộ Công an, Nguyễn Đức Kiên đã viết đơn khiếu nại dài tới 118 trang giấy nói chi tiết về 4 tội danh bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt cách đây hơn 5 tháng (ngày 9/6/2014). Tính ra, trung bình mỗi ngày “bầu” Kiên dành khoảng 30 phút để viết đơn khiếu nại. Theo đánh giá chung, về cơ bản, bị cáo Nguyễn Đức Kiên vẫn “kêu oan”, tập trung ở hai khía cạnh, đó là quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng trong “đại án” này. Sau khi hoàn thành đơn khiếu nại, “bầu” Kiên gửi đến tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội.
Luật sư bào chữa đã phải đến TAND Tối cao sao chụp lại đơn khiếu nại của Nguyễn Đức Kiên. Bầu Kiên nhờ luật sư kiểm tra lại, đơn khiếu nại của mình về câu chữ và hiệu đính xem phần trích dẫn văn bản pháp luật. Từ tập đơn dày viết tay của “bầu” Kiên viết trong trại giam, vị luật sư bào chữa nói trên đã cho đánh máy lại cẩn thận và in ra trên khổ giấy A4 được 90 trang gửi đến các cơ quan pháp luật và cơ quan hữu quan.
Trong đơn khiếu nại, bị cáo Nguyễn Đức Kiên về cơ bản vẫn “kêu oan”(?). Để phiên tòa được diễn ra một cách công tâm, đúng pháp luật, bị cáo Nguyễn Đức Kiên yêu cầu tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội triệu tập một số tổ chức, cá nhân liên quan đến Tòa để đối chất, làm rõ nhiều tình tiết pháp lý. Trong phiên sơ thẩm, HĐXX chỉ mời hai đại diện phòng Đăng ký kinh doanh thuộc sở Kế hoạch & Đầu tư TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị Tòa mời 7 đại diện phòng Đăng ký kinh doanh thuộc sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương..., đại diện Bộ Công Thương và một số cá nhân trong ngân hàng ACB để đối chất tại phiên toà.
Luật sư sẽ bào chữa như thế nào?
Theo nguồn tin riêng của PV, trước phiên toà diễn ra, các luật sư đã cắt cử người đến gặp “bầu” Kiên trong trại giam. Mỗi người đưa ra phương án bào chữa cho “bầu” Kiên theo cách riêng của mình. Phải thừa nhận một điều, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên khá kín đáo trước các cơ quan thông tin đại chúng. Mỗi luật sư đều giữ “miếng” riêng cho mình và ai cũng đề cao bí mật đến phút chót trước phiên tòa phúc thẩm.
Tuy nhiên, bằng sự chân tình, cởi mở, PV cũng tiếp cận được một luật sư bào chữa cho “bầu” Kiên. Vị luật sư này thẳng thắn chia sẻ thông tin với PV rằng, ông sẽ có phương án bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên khác với phiên tòa sơ thẩm.
Về nguyên tắc, Tòa phúc thẩm chỉ xem xét nội dung kháng cáo của bị cáo. ở đây, bị cáo Nguyễn Đức Kiên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm liên quan đến 4 tội danh bị tòa sơ thẩm tuyên án. Do vậy, tòa phúc thẩm sẽ phải xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
“Ở phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi tập trung phân tích bản kết luận điều tra, cáo trạng. Trong phiên tòa phúc thẩm, tôi tập trung phân tích bản án sơ thẩm. Tuy cả 3 văn bản này có mẫu số chung là quy kết về 4 tội danh truy tố “bầu” Kiên, nhưng vẫn có nhiều chỗ khác nhau. Chúng tôi sẽ đi sâu phân tích vào những điểm khác nhau đó và không bào chữa dàn trải như ở phiên tòa sơ thẩm”, vị luật sư bào chữa cho biết.
Đánh giá một cách khách quan, không riêng gì luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên, mà luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo khác trong vụ án đều mong muốn việc nhận định pháp luật và áp dụng điều luật sẽ được tuân thủ triệt để trong phiên tòa phúc thẩm. Theo nhận định chủ quan của các luật sư nói chung và luật sư tham gia phiên tòa “bầu” Kiên nói riêng, việc áp dụng pháp luật đúng đắn tại Tòa sẽ gây hiệu ứng tốt cho dư luận xã hội.
Theo lời luật sư bào chữa, kể từ khi bị bắt giam đến nay, Nguyễn Đức Kiên chưa được gặp gỡ vợ con và người thân. Thông qua luật sư bào chữa, người đàn ông tóc bạc này nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ tình cảm kịp thời từ phía gia đình. Đặc biệt, người vợ trẻ và 3 cậu con trai luôn dành tình yêu thương cho Nguyễn Đức Kiên. Cậu con trai lớn của “bầu” Kiên đã viết thư động viên bố và hứa cố gắng chăm sóc 2 em trai nhỏ đã làm “bầu” Kiên phần nào an tâm về gia đình khi thiếu vắng mình trong một thời gian dài. Lúc này đây, đại gia “bầu” Kiên từng sở hữu cả nghìn tỉ đồng trong tay mới thấm thía giá trị của hai từ tự do, đôi khi có nhiều tiền cũng không thể mua được.
Tội danh, mức án của bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn sẽ được định đoạt trong phiên tòa phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ lúc tuyên án.
Ngày 9/6/2014, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù về 4 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Trốn thuế và Kinh doanh trái phép. Cựu Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội Trần Ngọc Thanh lĩnh án 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Hải Yến- nguyên Kế toán trưởng công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội nhận mức án 5 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gồm nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng ACB lĩnh án 8 năm tù; Trịnh Kim Quang- nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ACB nhận mức án 4 năm tù giam; Phạm Trung Cang- nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB lĩnh án 3 năm tù; Huỳnh Quang Tuấn- cựu thành viên HĐQT ngân hàng ACB chịu mức án 2 năm tù và Lê Vũ Kỳ- nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB lĩnh án 5 năm tù. |