Lợi thế của ông Trump
Kết quả cuộc thăm dò mới nhất tại 7 bang chiến trường của WSJ cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump có lợi thế hơn Phó Tổng thống Kamala Harris trong vấn đề đối ngoại, đặc biệt là liên quan tới các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông hiện nay.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 28/9 đến 8/10 và khảo sát tổng cộng 2.100 cử tri, với biên độ sai số là 2,1 điểm phần trăm.
Kêt quả cho thấy, với câu hỏi ai có khả năng giải quyết xung đột Nga-Ukraine tốt hơn, tỷ lệ cử tri lựa chọn ông Trump là 50% và bà Harris là 39%. Với câu hỏi tương tự về xung đột Israel-Hamas, tỷ lệ ủng hộ lần lượt với ông Trump và bà Harris là 48% và 33%, cách biệt tới 15 điểm phần trăm.
Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa- ông Donald Trump nhấn mạnh, nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng là thời kỳ tương đối hòa bình trên toàn thế giới. Cựu Tổng thống nhiều lần tuyên bố rằng ông có thể giải quyết cả 2 cuộc xung đột một cách nhanh chóng nếu ông giành chiến thắng vào tháng 11 tới.
Sự ủng hộ đối với ông Trump cả trong vấn đề Ukraine và Trung Đông một phần là nhờ vào các cử tri độc lập. Gần một nửa trong số họ cho rằng cựu Tổng thống sẽ xử lý tốt hơn cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong khi chỉ khoảng 1/3 ủng hộ bà Harris. Về cuộc chiến Israel-Hamas, 43% cử tri độc lập đánh giá ông Trump tốt hơn trong khi chỉ 26% ủng hộ bà Harris.
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể tác động sâu sắc đến 2 cuộc xung đột nói trên do những khác biệt lớn giữa ông Trump và bà Harris về cách giải quyết.
Cả bà Harris và ông Trump đều ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Hamas. Tuy nhiên, 2 ứng cử viên có cách tiếp cận khác nhau đối với cuộc xung đột đang leo thang ở Trung Đông.
Ông Trump không nói nhiều về quan điểm của ông với cuộc chiến ở Trung Đông nhưng cựu Tổng thống kêu gọi Israel “kết thúc những gì họ đã bắt đầu”.
Trong khi đó, ngoài việc ủng hộ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Israel, bà Harris cũng nhấn mạnh đến việc cần phải ngừng bắn ở Gaza và Lebanon.
Tuy nhiên, ông Michael Bocian, nhà thăm dò dư luận cho đảng Dân chủ cho biết mặc dù các cuộc xung đột thường “chiếm sóng” trên các bản tin, nhưng đó không phải là những gì cử tri Mỹ quan tâm nhất.
“Cuộc bầu cử này không thể được xác định theo lập trường chính sách đối ngoại của mỗi ứng viên”, ông Bocian nói.
Kết quả thăm dò của WSJ công bố ngày 11/10 cho thấy cử tri Mỹ vẫn coi kinh tế là vấn đề quan trọng nhất khi họ lựa chọn ứng cử viên tổng thống, tiếp theo là nhập cư và an ninh biên giới. Nhiều cử tri ủng hộ ông Trump về kinh tế và nhập cư, trong khi nhiều người tin tưởng bà Harris sẽ làm tốt hơn trong vấn đề nhà ở, chăm sóc sức khỏe.
Dù chính sách đối ngoại không phải là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ, nhưng tổng thống tiếp theo vẫn phải thừa hưởng các cuộc xung đột chưa có hồi kết rõ ràng trong khi cử tri Mỹ hiện chia rẽ quan điểm về sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột đó. Do vậy, câu hỏi ứng cử viên nào có thể giải quyết tốt hơn các cuộc xung đột trên thế giới vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cuộc đua nước rút gay cấn từng giờ
Cuộc khảo sát, được thực hiện trên 4.200 cử tri, được Wall Street Journal công bố vào ngày 11/10 cho thấy ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris dẫn trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump rất sít sao ở các bang Arizona, Georgia, Michigan và Wisconsin, trong khi ông Trump nắm giữ lợi thế nhỏ ở các bang Nevada, North Carolina và Pennsylvania.
Tuy nhiên, Wall Street Journal lưu ý rằng không có khoảng cách nào lớn hơn 2% giữa hai ứng viên, ngoại trừ ở Nevada, nơi ông Trump dẫn trước 5 điểm phần trăm.
Theo kết quả cuộc khảo sát, 7 bang chiến trường, ông Trump dẫn trước bà Harris với tỷ lệ 46% so với 45%. Khoảng 93% thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump, trong khi 93% thành viên đảng Dân chủ ủng hộ bà Harris, đồng thời cho biết những cử tri độc lập ủng hộ bà Harris với tỷ lệ sít sao 40% so với 39% ủng hộ ông Trump.
"Đây là một cuộc đua cân sức và sẽ diễn ra đến phút chót. 3 tuần cuối cùng này rất quan trọng", chuyên gia thăm dò ý kiến của đảng Cộng hòa David Lee, người đã làm việc trong cuộc khảo sát, nói với Wall Street Journal.
"Thực sự không thể có cuộc đua nào sít sao hơn. Đây là một cuộc đua cân sức, sít sao", chuyên gia thăm dò ý kiến của đảng Dân chủ Michael Bocian cho biết.
Ngày 13/10, nhiều nhân vật có ảnh hưởng của đảng Dân chủ cũng thể hiện sự “đồng hành” với bà Harris.
Đương kim Tổng thống Joe Biden đã có mặt ở bang Florida để đánh giá những thiệt hại do cơn bão Milton gây ra gần đây và khẳng định cam kết của chính quyền liên bang đối với các nỗ lực cứu hộ và phục hồi sau thảm họa.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đã có mặt tại bang Georgia để tranh thủ lôi kéo thêm sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Phi cho ứng cử viên Harris.