(ĐSPL) - PV báo Đời sống và Pháp luật đã khám phá thêm nhiều tình tiết bất ngờ về sai phạm của ông Phan Minh Nguyệt khi điều hành Hadico.
Sau khi loạt bài phản ánh về sai phạm của ông Phan Minh Nguyệt, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khi điều hành Hadico và những băn khoăn về việc bổ nhiệm ông này được đăng tải, báo Đời sống và Pháp luật đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả cả nước mong muốn PV tiếp tục làm rõ những sai phạm của ông Nguyệt. Lần theo những thông tin trên, PV đã khám phá thêm nhiều tình tiết bất ngờ khác.
Chợ đầu mối Minh Khai – Một trong những dự án sa lầy của ông Nguyệt. |
“Vết đen” trong dự án chợ Cầu Diễn
Một trong những dự án mà Hadico dưới thời ông Phan Minh Nguyệt bị “sa lầy” chính là dự án chợ Cầu Diễn (phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm).
Theo tìm hiểu của PV, trước đây, khu vực này được quy hoạch làm chợ của thị trấn Cầu Diễn (nay là phường Cầu Diễn) nhưng sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động đã có nhiều bất cập về giá thuê. Vì thế, ít tiểu thương thuê để kinh doanh tại chợ mà vẫn hoạt động ngoài đường.
Có mặt tại khu vực trên, trò chuyện với PV báo Đời sống và Pháp luật, một tiểu thương cho biết, vào năm 2009, Công ty THHH Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội – Hadico được giao quản lý chợ Cầu Diễn.
Từ năm 2010 đến 2011, theo quyết định, chợ này phải nâng cấp, tu sửa nhưng cho đến tận bây giờ, công ty vẫn lặng thinh. Theo lời kể của tiểu thương trên, sau khi tiếp quản, công ty này bắt đầu “ép” người dân đóng tiền thuê mặt bằng với giá cao hơn những chủ đầu tư trước đó.
“Trong khi giá thuê đất của công ty với UBND huyện chỉ gần 200.000 đồng/m2/ cho một năm nhưng công ty lại thu của chúng tôi 60 – 70.000 đồng/m2/ cho một tháng, cao gấp nhiều lần, chưa kể các khoản phụ thu khác”, chị Nguyễn Thị B. – một tiểu thương kinh doanh tại đây bức xúc.
Chưa dừng lại ở đó, khi tiểu thương đặt hòm thư góp ý để phát giác hành vi buôn gian, bán lận hoặc góp ý các vấn đề của chợ liền bị người của công ty bắt tháo gỡ. Bức xúc trước cách làm ăn của Hadico, các hộ kinh doanh đã đệ đơn gửi lên UBND huyện Từ Liêm (cũ), lãnh đạo TP. Hà Nội và một số cơ quan khác tố cáo công ty đầu tư làm trái quy định pháp luật nhưng thời điểm đó, các tiểu thương không nhận được trả lời thỏa đáng.
Đến 7/2013, công ty bắt đầu khởi kiện 2 hộ dân kinh doanh ở đây ra tòa vì không nộp thuế đất kinh doanh nhưng sau khi ra tòa, công ty này đã thua kiện trong lần kháng án lên TAND TP.Hà Nội. Sau lần thua kiện nói trên, công ty đã rút đơn khởi kiện cho đến bây giờ.
Trong quá trình tìm hiểu tại dự án này, PV cũng chứng kiến sự bức xúc và ghi nhận được những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Hơn 400 tiểu thương kinh doanh ở đây cũng gửi đi nguyện vọng tha thiết, mong muốn được kinh doanh ở chợ như thời kỳ trước khi công ty vào khai thác. Họ cho biết, nếu UBND quận “nắm lại” chợ như trước, người dân nơi đây sẽ rất ủng hộ và làm theo mọi quy định đề ra.
“Nếu cứ để cho công ty này quản lý thì không biết rồi khu chợ này có được đưa vào kinh doanh hay không, mà khi kinh doanh thì chúng tôi còn bị “hành” như thế nào nữa”, một người dân chua xót.
Trên thực tế, những sai phạm của Hadico tại dự án chợ Cầu Diễn cũng đã được các ngành chức năng của thành phố chỉ ra. Trong một diễn biến khác PV báo Đời sống và Pháp luật đã tiếp cận được bản thông báo số 39/TB của UBND TP. Hà Nội kết luận đơn tố cáo của đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Cầu Diễn.
Bản thông báo ban hành ngày 13/3/2014 do Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Văn Sửu ký, đã chỉ ra nhiều sai phạm của Hadico trong việc đấu thầu, khai thác chợ Cầu Diễn. Trong đó chỉ rõ: “Công ty chưa hoàn thiện thủ tục để trình UBND TP. ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất; chưa được sở TN&MT ký hợp đồng cho thuê đất; chưa nộp số tiền 1.493.900.000 đồng trong tổng số 2.493.900.000 đồng tiền hoàn trả giá trị tài sản còn lại của chợ Cầu Diễn. Trách nhiệm thuộc UBND huyện Từ Liêm (cũ); Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý chợ huyện Từ Liêm; phòng Kinh tế, Tài chính huyện Từ Liêm (cũ)”.
UBND TP. cũng chỉ rõ những sai phạm của Hadico trong việc nâng mức giá thuê ki ốt tại chợ Cầu Diễn lên gấp nhiều lần so với quy định khi chưa được cơ quan quản lý phê duyệt...
Cũng giống như dự án chợ Cầu Diễn, dự án chợ đầu mối Minh Khai (đóng trên địa bàn phường Minh Khai, thuộc quận Bắc Từ Liêm) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tuy nằm trên địa bàn phường Minh Khai nhưng hiện tại khu chợ này do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hà Nội quản lý (nơi ông Phan Minh Nguyệt làm PGĐ trước khi bị bắt–PV).
Đại diện phường Minh Khai cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, họ không biết gì thêm. Theo ghi nhận của PV, khu chợ này từng bị bỏ hoang một thời gian dài, sau đó được xây lại các ki ốt cho các tiểu thương thuê để bán hàng nhỏ lẻ. Khu chợ hiện tại chỉ được họp vào ban đêm, chủ yếu phục vụ sinh viên một số trường đại học trên địa bàn quận.
Quá khứ có tròn trịa như “tô vẽ”?
Trong một động thái liên quan, theo một số nguồn tin mà PV tiếp cận được, đường quan lộ của ông Phan Minh Nguyệt cũng còn một số điểm cần làm rõ. Nguồn tin này khẳng định, biết rất rõ về quá khứ của vị cựu doanh nhân này, đặc biệt là giai đoạn sau khi rời quân ngũ.
Theo nguồn tin nói trên, đầu những năm 1990, ông Nguyệt làm tại một công ty tư nhân đóng trên địa bàn TP.Hà Nội chuyên buôn bán tinh dầu. Công ty này là sản phẩm hợp tác giữa ông Nguyệt và 2 người khác(?!). Sau đó ít lâu, công ty có nhiều sai phạm và người chủ tên Nguyễn V.T. bị bắt vì tội lừa đảo(?!).
Lần đó, Nguyệt chuyển sang công ty khác và phát triển đến địa vị như ngày hôm nay. Nguồn tin cũng cho biết, khi trở thành lãnh đạo của Hadico tức người có quyền lực cao nhất trong Hadico thời điểm đó, ông này đã đưa anh em thân thích trong gia đình về làm việc tại công ty(?!).
Nếu như những thông tin trên là đúng thì quả thực, quá khứ của cựu doanh nhân Phan Minh Nguyệt rất có thể sẽ không được tròn trịa như "tô vẽ"? Sau khi nhận được phản ánh này, PV tiếp tục xác minh để làm rõ.
Ở một diễn biến khác, tại cuộc họp báo Thành ủy vừa diễn ra cách đây ít ngày, ông Phan Đăng Long – Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đã chính thức thông tin với báo giới về vụ bắt ông Phan Minh Nguyệt.
Ông Long cho biết, ông Phan Minh Nguyệt được bổ nhiệm làm PGĐ sở vào năm 2014. Trước đó, ông Nguyệt giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội. Được biết, ông Nguyệt đã sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, sau đó xây nhà, bán và cho thuê để ngoài sổ sách, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Lý giải ý kiến tại sao ông Nguyệt vẫn được bổ nhiệm vào chức danh PGĐ sở NN&PTNT, ông Long cho hay: “Do chưa phát hiện được sai phạm nên vẫn bổ nhiệm. Ông Nguyệt cũng là tiến sỹ về trồng trọt - chuyên môn tương đối hiếm, được bổ nhiệm vì có nhiều thành tích”.
Thành ủy đề nghị, hết sức nghiêm khắc xử lý và tạo điều kiện để cơ quan thẩm quyền xử lý đúng người đúng tội. Hiện nay, sở NN&PTNT cũng như thành phố đã có chỉ đạo đình chỉ sinh hoạt đảng viên, đình chỉ chức vụ với ông Nguyệt. Ngoài ra, những công việc ông Nguyệt đảm nhiệm đã được Giám đốc sở phân công cho các cán bộ khác thực hiện bình thường.
Lịch sử hình thành và phát triển của Hadico Theo thông tin chính thức trên trang web của công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội – Hadico, công ty có lịch sử hình thành và phát triển gần 40 năm. Theo đó, công ty có tiền thân từ Trạm nghiên cứu nông nghiệp trực thuộc sở Nông nghiệp, được thành lập ngày 29/1/1977. Qua nhiều lần sáp nhập và phát triển, ngày 23/12/2005, UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 8354/QĐ-UB đổi tên thành công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, nay là công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội. Hiện nay, công ty có 3 công ty con, 4 công ty liên kết, 16 xí nghiệp trực thuộc, 1 trung tâm nghiên cứu và 1 đơn vị sự nghiệp là trường Cao đẳng nghề công nghệ và kinh tế Hà Nội. Công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con với vốn chủ sở hữu hoàn toàn thuộc về Nhà nước – UBND TP. Hà Nội là chủ sở hữu của công ty. Hadico hoạt động đa ngành nghề, trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, xây dựng và kinh doanh bất động sản. UBND TP.Hà Nội từng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại trong việc bàn giao, quản lý chợ Cầu Diễn Cũng tại thông báo số 39 ngày 13/3/2014, UBND TP. Hà Nội cũng giao UBND huyện Từ Liêm (cũ) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại trong việc bàn giao, quản lý chợ Cầu Diễn. UBND TP. cũng yêu cầu công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc nâng mức thu phí chợ Cầu Diễn khi UBND huyện Từ Liêm (cũ) chưa có quyết định phê duyệt. Đồng thời, tổ chức xin ý kiến các hộ kinh doanh tại chợ để xử lý số tiền 826.478.001 đồng thu tăng phí chợ khi chưa được UBND huyện Từ Liêm (cũ) quyết định. |