+Aa-
    Zalo

    Vụ bắt PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội: Hé lộ nhiều tình tiết mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nguyên PGĐ Sở NN&PTNN Hà Nội bị bắt đã làm dày thêm danh sách quan chức “sa lầy” từ khi còn “chèo lái” DNNN, lộ ra những “lỗ hổng chết người” trong bổ nhiệm cán bộ.

    (ĐSPL) - Nguyên PGĐ Sở NN&PTNN Hà Nội bị bắt đã làm dày thêm danh sách quan chức “sa lầy” từ khi còn “chèo lái” DNNN, lộ ra những “lỗ hổng chết người” trong bổ nhiệm cán bộ. 

    Tiếp tục diễn biến xung quanh vụ Bộ Công an bắt ông Phan Minh Nguyệt, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội, PV báo Đời sống và Pháp luật đã khám phá ra nhiều tình tiết mới. Từ thực trạng những dự án tai tiếng của Hadico dưới thời ông Phan Minh Nguyệt đến bảng thành tích “đẹp như mơ” của vị nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên cho đến quá trình bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở còn nhiều dấu hỏi?

    Vụ việc một lần nữa làm dày thêm bản danh sách quan chức bị bắt vì “sa lầy” từ khi còn “chèo lái” doanh nghiệp Nhà nước và lộ ra những “lỗ hổng chết người” trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Và câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu còn bao nhiêu lãnh đạo DNNN “dính phốt” vẫn được đề bạt cho thăng quan tiến chức?

    Bảng thành tích đẹp như mơ...

    Như báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải, thông tin về việc bắt tạm giam ông Phan Minh Nguyệt được cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an chính thức phát đi vào ngày 27/2. Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với ông Nguyệt còn có bà Nguyễn Thị Huyền Hảo, Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (Hadico). Ông Nguyệt và bà Hảo cùng bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 281, Bộ luật Hình sự. Cơ quan CSĐT cho biết, các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Vụ 1B) phê chuẩn.

    Căn biệt thự sang trọng của gia đình ông Phan Minh Nguyệt. 

    Trước đó, ngày 24/2, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra Quyết định số 14/C48(P6) quyết định khởi tố vụ án hình sự tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (trụ sở ở đường Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội).

    Theo nguồn tin của PV báo Đời sống và Pháp luật, thời gian vừa qua đã có rất nhiều đơn thư tố giác gửi tới Cơ quan điều tra tố cáo những hoạt động sai phạm của Hadico trong lĩnh vực quản lý đất đai do một số cán bộ có vai trò lãnh đạo chỉ đạo. Và, sau một thời gian củng cố chứng cứ, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công an đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của ông Phan Minh Nguyệt trong thời gian công tác tại Hadico.

    Theo tìm hiểu của PV, ông Phan Minh Nguyệt (SN 1962), được UBND TP.Hà Nội bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc sở NN&PTNT từ trung tuần tháng 1/2014 theo Quyết định số 298/QĐ – UBND ngày 15/1/2014 của UBND TP.Hà Nội. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. Buổi công bố quyết định điều động, bổ nhiệm được diễn ra tại trụ sở Hadico dưới sự chủ trì của Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt.

    Thời điểm đó, phát biểu tại buổi công bố, ông Nguyễn Ngọc Việt cho rằng, đây là nhiệm vụ mới, với trách nhiệm mới, nặng nề và vinh quang, là sự tin tưởng rất lớn của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội với ông Phan Minh Nguyệt.

    Tại thời khắc được bổ nhiệm, ông Phan Minh Nguyệt cũng tuyên bố, sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị mới. Được biết, trước đó, ông Nguyệt giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHHNN MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (viết tắt là Hadico). Đây là doanh nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp thành phố, nay trực thuộc UBND TP.Hà Nội. Với những đặc thù riêng của ngành nghề, Hadico đã được giao thực hiện nhiều dự án có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên toàn địa bàn TP.Hà Nội.

    Ít người biết rằng, trước khi bị “dính chàm”, ông Phan Minh Nguyệt có học vị tiến sỹ với một lý lịch “đẹp như mơ”. Sinh năm 1962 tại một vùng quê nghèo thuộc xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1980, ông Nguyệt tốt nghiệp cấp 3 tại Quảng Bình, sau đó nhập ngũ.

    Năm 1981, ông thi đại học và được cử sang Liên Xô (cũ) học. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong quân ngũ. Đến năm 1991, do bị nấm ăn tay và dị ứng xăng dầu nên ông Nguyệt quyết định xin ra ngoài lập nghiệp. Ông tham gia chiết xuất tinh dầu, hương liệu, phân bón... để xuất khẩu. Năm 1998 – 2002, giữ chức Giám đốc xí nghiệp Rau quả sạch và Phân bón Hà Nội. Từ năm 2002 – 2004 làm Phó Giám đốc, Giám đốc trung tâm Rau hoa quả. Từ năm 2004 – 11/2005 giữ chức Giám đốc công ty Giống cây trồng Hà Nội, sau đó trở thành lãnh đạo điều hành “con tàu” Hadico.

    Cũng theo tìm hiểu của PV, ông Nguyệt còn có bảng “thành tích vàng” với hàng loạt danh hiệu. Có thể kể đến là danh hiệu Doanh nhân Hà Nội giỏi năm 2005; Chiến sỹ thi đua cấp thành phố năm 2006.

    Ông này cũng nổi tiếng với tuyên bố: “Tương lai, thế giới sẽ cạnh tranh khốc liệt về lương thực. Chúng ta đang có lợi thế trong việc lo cho “cái dạ dày” nhân loại”.

    ... đến những dự án khủng bị “sa lầy”

    Thông tin ông Nguyệt bị bắt khiến dư luận vô cùng sửng sốt, thế nhưng từ trước đó khá lâu, giới thạo tin đã dự đoán, việc bắt giữ quan chức này là điều sớm muộn. Bởi, trong khoảng thời gian điều hành Hadico, ông Nguyệt đã làm không ít dự án khủng của đơn vị này bị “sa lầy”, khiến dư luận bức xúc.

    Ngay sau khi thông tin ông Nguyệt bị bắt được phát đi, PV đã tìm đến những dự án bị “sa lầy” của Hadico dưới thời ông Phan Minh Nguyệt. Danh sách đầu tiên được kể đến là dự án vườn hoa Tây Tựu (Từ Liêm) được đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Dự án từng được kỳ vọng trở thành “công viên hoa” giữa lòng thành phố, hứa hẹn sẽ cung cấp hoa và giống cây trồng cho toàn Thủ đô, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ là một bãi đất bỏ hoang. Theo quan sát của PV, dự án được bao quanh bởi một hàng rào quây khá cẩn thận, đường sá làm rất khang trang nhưng phía bên trong chỉ là những lùm cỏ mọc um tùm.

    Thâm nhập vào khu vực bên trong, PV mới mục sở thị chi tiết sự hoang tàn của dự án trên. Từ thời điểm bị bỏ hoang, phần đất trong dự án được chia thành hai khu tách biệt nhưng vẫn nằm trong khu dự án. Một bảo vệ quê Quảng Bình cho biết, hiện tại khu đất được cho một công ty phân bón thuê để làm công ty và hoàn toàn tách biệt với cổng riêng vào công ty. Một phần đất được công ty sử dụng trồng hoa để bán ra thị trường.

    Tìm hiểu được biết, số lượng công nhân làm hoa cho công ty cũng chỉ có vài ba người, hàng ngày trồng hoa rồi đưa ra các chợ đầu mối để bán. Còn lại hơn 7ha bỏ hoang, cây cối um tùm, cổng chính bị bịt kín.

    Trao đổi với PV, đại diện quản lý địa chính của phường sở tại cho biết: “Kể từ khi thành phố chỉ đạo bàn giao đất để triển khai dự án, chúng tôi tiến hành giải tỏa mặt bằng vào năm 2004, còn lại từ đó đến nay không có quyền hạn quản lý phần đất này. Nói đến việc dự án bị bỏ hoang chúng tôi chưa đủ thẩm quyền để trả lời vấn đề này, hiện chúng tôi là người dân ở đây nhưng để vào đó cũng khó vì không có quyền hạn gì.

    Theo tôi quan sát, từ khi dự án này được bàn giao cho doanh nghiệp thì hầu như bỏ không, nếu có trồng hoa thì cũng chỉ có một phần đất được công ty trồng hoa để bán ra các chợ và một phần đất cho công ty phân bón thuê để sản xuất”.

    Để tìm hiểu thêm về dự án mà ông Nguyệt là người đứng ra xin quy hoạch, PV tìm về khu chợ Diễn (tại địa chỉ 202 Hồ Tùng Mậu) nằm cạnh công ty Hadico. Được biết, trước đây, khu vực này được quy hoạch làm chợ mới của thị trấn Cầu Diễn, nay là phường Cầu Diễn nhưng sau khi hoàn thành, người dân nơi đây không ai chịu chuyển về.

    Qua thời gian, dự án này đã bỏ hoang một thời gian dài. Hiện tại, theo quan sát của PV, khu này được xây lên một số ki-ốt, sân chơi tenis... Trong vai một người đi thuê đất ở khu vực này, PV đã chứng kiến sự bức xúc của người dân. Theo đó, một lý do khiến họ không chuyển về đây họp chợ là do tiền thuê ki-ốt cao và địa điểm này, người đi lại nhiều nên không hợp lý cho việc giao lưu hàng hóa. Từ khi dự án này không được triển khai, một số cá nhân đã góp vốn thuê lại địa điểm để kinh doanh.

    Đáng chú ý nhất trong số những dự án “sa lầy” của Hadico là dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại xã Minh Khai, nay là phường Minh Khai, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội; dự án chợ đầu mối Minh Khai...

    Theo tìm hiểu của PV, việc sử dụng hơn 4ha đất tại khu chợ đầu mối Minh Khai, nơi khánh thành dây chuyền giết mổ gia cầm lớn nhất Hà Nội của Hadico là vô cùng lãng phí. Khu chợ này gần như bỏ không nhiều năm nay, từng được cho thuê để làm chợ đêm sinh viên. Đây là những minh chứng điển hình về những dự án từng được đặt nhiều kỳ vọng nhưng đã gây lãng phí tiền tỉ của vị cựu doanh nhân họ Phan.

    Gia cảnh của cựu “sếp” Hadico

    Trong một diễn biến liên quan, để tìm hiểu về gia đình ông Phan Minh Nguyệt, PV đã tìm đến nơi ông Nguyệt và gia đình sinh sống tại Hà Nội. Hiện tại, gia đình ông đang sống trong một khu biệt thự rất lớn, tổng diện tích được người dân ước chừng hàng ngàn m2 tại số nhà 396, tổ 9, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo một số người dân sống ở khu vực này, kể từ khi ông Nguyệt bị bắt, căn biệt thự này hầu như đóng kín cửa, trong nhà thỉnh thoảng có người làm vườn xuất hiện.

    Chiều 2/3, trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Mùi, Tổ trưởng tổ dân phố số 9, nơi ông Nguyệt sinh sống cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ khi ông Nguyệt bị bắt. Vào hôm 26/2 vừa rồi, lúc đó vào 17h, tôi được công an khu vực điện thông báo đến chứng kiến khám nhà và đưa ông Nguyệt đi.

    Cũng theo bà Mùi, gia đình ông Nguyệt sinh sống ở đây vào năm 2011, vợ ông Nguyệt là bà T. (SN 1963) hiện đang là giáo viên một trường đại học. Ông Nguyệt có hai người con, đứa con trai đầu là B. (SN 1989, từ khi đi du học ở Mỹ về cũng đang làm ở Hà Nội), còn cháu nhỏ là N. (SN 1997, hiện cũng đang đi du học).

    Gia đình ông Nguyệt sinh sống ở địa phương không có biểu hiện gì khác thường. “Tôi không nghĩ rằng, ông ấy lại phạm tội như vậy đâu. Sống ở địa phương ông Nguyệt không chỉ hòa đồng với mọi người mà còn có nhiều việc làm từ thiện cho tổ. Không ngờ, người ta không biết đâu mà lần...”, bà Mùi phân trần.

    Phải thay đổi tư duy “bảo trợ công chức”

    Lý giải về việc bổ nhiệm trên, TS. Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) đánh giá: “Tôi cho rằng kỷ luật, kỷ cương của công chức chưa nghiêm là do tư tưởng dù thế nào cũng không sa thải được. Đã vào công chức là ở hết đời…”.

    Theo TS. Can, “cái dở” hệ thống của chúng ta là vào, ra, khen thưởng, kỷ luật đều rất khó. Đó là do đặc điểm của hệ thống nhân sự của ta – hệ thống chức nghiệp. Hệ thống này “bảo trợ” công chức làm việc suốt đời, các đoàn thể, cá nhân bênh nhau. Chính vì thế rất khó để kỷ luật “thẳng tay” đối với một cá nhân cụ thể. Chuyên gia này cũng cho rằng, thi lãnh đạo là một cái hay. Việc một người giỏi hay kém đều được công khai, yếu tố may mắn ít, phần nào hạn chế được những tiêu cực trong điều động, bổ nhiệm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-bat-pgd-so-nnptnt-ha-noi-he-lo-nhieu-tinh-tiet-moi-a86136.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Phó Tổng giám đốc Agribank bị bắt tạm giam

    Phó Tổng giám đốc Agribank bị bắt tạm giam

    Nguồn tin từ Bộ Công an cho biết ngày 9/1 vừa qua, ông Kiều Trọng Tuyến, Phó Tổng giám đốcbắt Agribanhk bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.