Trong một phòng thí nghiệm ở Tbilisi của Gruzia, các nhà nghiên cứu đã theo dõi "cuộc chiến" vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và một loại virus "thân thiện". Được biết, quốc gia nhỏ bé ở Kavkaz này là người đi tiên phong trong nghiên cứu về một phương pháp đột phá nhằm tìm cách giải quyết cơn "ác mộng" đang rình rập về việc vi khuẩn có thể kháng thuốc kháng sinh.
Được biết, tình trạng kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng trong việc điều trị bệnh nhiễm trùng. Điều này sẽ khiến bệnh có nguy cơ tiến triển nặng, kéo dài thời gian điều trị, chi phí chữa trị tốn kém, và thậm chí có thể tử vong.
Được biết, các nhà nghiên cứu Gruzia đã sử dụng "virus thực khuẩn" (bacteriophages) trong việc điều trị những ca bệnh nặng. Trong đó, một phụ nữ Bỉ bị nhiễm trùng nguy hiểm cũng đã được điều trị bằng phương pháp này sau khi bị thương trong vụ đánh bom sân bay Brussels năm 2016.
Người này từng được điều trị bằng kháng sinh trong 2 năm nhưng tình hình không cải thiện. Theo đó, Tbilisi đã gửi virus thực khuẩn tới Bỉ để hỗ trợ điều trị cho người phụ nữ và cô đã khỏi bệnh sau khoảng 3 tháng.
Chia sẻ về phương pháp điều trị này, bà Mzia Kutateladze đến từ Viện vi khuẩn Eliava nói: "Chúng tôi sử dụng những virus thực khuẩn tiêu diệt vi khuẩn có hại để cứu chữa bệnh nhân khi thuốc kháng sinh không có tác dụng".
Nhà nghiên cứu nhận định ngay cả một bệnh nhiễm trùng tầm thường cũng có thể "giết chết một bệnh nhân khi mầm bệnh đã phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh". Bà khẳng định: "Trong những trường hợp như vậy, liệu pháp phage là một trong những lựa chọn thay thế tốt nhất".
Tuy phương pháp điều trị dựa trên "virus thực khuẩn" sẽ không thể thay thế hoàn toàn thuốc kháng sinh. Nhưng phương pháp này vẫn có điểm cộng lớn là giá thành rẻ, không có tác dụng phụ cũng như không gây hại cho các cơ quan hoặc hệ đường ruột của con người.
Bác sĩ Lia Nadareishvili, đến từ Viện Eliava, nhận xét: "Chúng tôi sản xuất 6 phage tiêu chuẩn có phổ rộng và có thể chữa lành nhiều bệnh truyền nhiễm".
Bà nói thêm, ở khoảng 10-15% bệnh nhân, các phage tiêu chuẩn không hoạt động, do đó họ "phải tìm ra loại phage có khả năng tiêu diệt dòng vi khuẩn cụ thể".
Bà Kutateladze cho biết các "virus thực khuẩn" được điều chỉnh để nhắm mục tiêu các bệnh nhiễm trùng hiếm gặp, có thể được chọn từ bộ sưu tập khổng lồ của viện hoặc được tìm thấy trong nước thải, nước ô nhiễm hoặc đất.
Viện Eliva thậm chí có thể "đào tạo" các phage để "chúng có thể tiêu diệt ngày càng nhiều vi khuẩn có hại khác nhau". Bà khẳng định: "Đó là một liệu pháp rẻ tiền và dễ tiếp cận".
Được biết, các "virus thực khuẩn" vốn đã được biết đến từ 1 thế kỷ trước. Nhưng phần lớn thế giới đã lãng quên phương pháp này khi thuốc kháng sinh tạo ra một cuộc cách mạng y học vào những năm 1930.
Với việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện tuyên bố tình trạng kháng thuốc có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, các biện pháp điều trị bằng "virus thực khuẩn" đang được đưa trở lại, đặc biệt là vì chúng có thể tiêu diệt vi khuẩn trong khi vẫn giữ nguyên các tế bào của con người.
Một nghiên cứu gần đây đã cảnh báo rằng siêu vi khuẩn có thể giết chết 10 triệu người mỗi năm khi tình trạng kháng thuốc do lạm dụng thuốc kháng sinh đạt đến đỉnh điểm. Nghiên cứu dự đoán, điều này sẽ thành hiện thực trong 3 thập kỷ nữa.
Minh Hạnh