Trong bài báo này Đại sứ Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên án hành động khiêu khích của phía Trung Quốc.
Báo The Australia ngày 17/6 đã đăng tải bài viết của Đại sứ Việt Nam Lương Thanh Nghị liên quan đến quan điểm của phía Việt Nam về những hành động sai trái làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc.
VOV xin dẫn nguyên văn bài báo:
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam thể hiện một hành động khiêu khích và leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông.
|
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam |
Hành động này của Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), cũng như Tuyên bố của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết vào năm 2002, cản trở tự do hàng hải và gây bất ổn về an ninh và hòa bình trong khu vực.
Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc và Việt Nam là các bên tham gia ký kết, các quốc gia ven biển chỉ được phép có vùng đặc quyền kinh tế nhỏ hơn 200 hải lý tính từ đường cơ sở căn cứ vào chiều rộng của lãnh hải của quốc gia đó.
Trong vùng đặc quyền kinh tế này, các quốc gia ven biển có quyền thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng nước trên đáy biển cũng như của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.
Chính vì thế, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng biển cách đường cơ sở của Việt Nam từ 120 đến 150 hải lý là một hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và thách thức những quy định của luật pháp quốc tế.
Phía Trung Quốc cho rằng khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc quản lý và chỉ cách đảo Tri Tôn 17 hải lý. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã không hề đề cập tới 3 sự thật rất quan trọng.
Đầu tiên, Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử đáng tin cậy và những chứng cứ pháp lý vững chắc để khẳng định việc chiếm giữ các hòn đảo này một cách hòa bình và liên tục quản lý một cách hiệu quả quần đảo Hoàng Sa qua nhiều thế hệ kể từ thế kỷ 17.
Ngoài ra, quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực vào năm 1974. Việt Nam chưa bao giờ chấp thuận hành động chiếm đóng trái phép của Trung Quốc và đã liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Cuối cùng, một tuyên bố chủ quyền dựa trên lịch sử là không hề phù hợp với quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Như Giáo sư Carlyle A. Thayer đã nêu rõ, việc Trung Quốc nói rằng khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc là hoàn toàn không phù hợp.
Chính vì vậy, những lý lẽ mà Trung Quốc đưa ra cho việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là không đáng tin cậy cả về mặt pháp lý và cả trên thực tế.
Lấy lý do bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981, Bắc Kinh đã điều hơn 120 tàu lớn nhỏ khác nhau, bao gồm 6 tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tấn công nhanh và tàu dò mìn cùng với nhiều máy bay chiến đấu đến khu vực nói trên. Các tàu Trung Quốc đã cố tình đâm va và phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam.
Cả thế giới đều sững sờ trước hình ảnh tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm nhiều tàu cá của Việt Nam- vốn nhỏ hơn tàu Trung Quốc rất nhiều, khiến hàng chục ngư dân trôi nổi trên biển. Những hành vi nguy hiểm đến tính mạng con người như vậy là không thể chấp nhận được và đi ngược lại các chuẩn mực về quan hệ quốc tế trong thời hiện đại.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã tùy tiện cấm tàu của các nước khác tiến vào khu vực cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 3 hải lý. Các tàu Trung Quốc còn ngăn chặn các tàu của Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 ở khoảng cách 17 hải lý.
Đây cũng là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển chỉ cho phép thiết lập vùng an toàn cách bất kỳ một kết cấu được thiết lập trên biển nào khoảng 500m.
Những hành động của phía Trung Quốc đã ngăn cản tự do hàng hải và đe dọa đến an toàn của các tàu thương mại và tàu cá đi lại trên Biển Đông.
Việt Nam cam kết giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình. Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tái khẳng định.
Không hề có tàu chiến nào của Việt Namd được điều đến khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương-981. Các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam cũng được lệnh tránh những va chạm nguy hiểm trên biển.
Việt Nam cũng đã cố liên lạc trực tiếp với Trung Quốc hơn 30 lần nhưng không được hồi đáp thỏa đáng.
Bởi Trung Quốc dường như ngoảnh mặt lại vơi những thiện chí của Việt Nam, Việt Nam phải tiến hành các biện pháp hòa bình tiếp theo, bao gồm việc đưa vấn đề này lên các diễn đàn của ASEAN và Liên Hợp Quốc.
Việt Nam luôn sẵn sàng chấp thuận mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ lợi ích hòa bình trong khi vẫn đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đại sứ Trung Quốc tại Australia Mã Triều Húc đã có lý khi nói rằng: “Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước láng giềng. Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là vì lợi ích của nhân dân 2 nước”.
Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác với Trung Quốc nhằm giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình và công bằng dự trên luật pháp quốc tế. Việt Nam hoan nghênh cam kết “hợp tác với nhau” của Đại sứ Mã Triều Húc.
Link bài gốc Lấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-australia-dang-bai-cua-dai-su-viet-nam-ve-bien-dong-a37244.html