+Aa-
    Zalo

    Bàn về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Không có chuyện, ông chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiều 20/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tiếp tục với phiên thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

    Trong phiên thảo luận, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, dù đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp nhưng tuyệt đối không có chuyện “qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp phở”.

    Chiều 20/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tiếp tục với phiên thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, vấn đề có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp hay không vẫn tiếp tục ghi nhận các ý kiến trái chiều của ĐBQH.

    PV VTC News dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc – ĐBQH đoàn Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, bộ Luật lao động và Luật doanh nghiệp được sửa đổi theo quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

    Trước đây, Việt Nam có 2 Luật doanh nghiệp: Luật Công ty (1990) điều chỉnh các chủ thể có tư cách pháp nhân và Luật về cá nhân kinh doanh không có tư cách pháp nhân với tên gọi Luật Doanh nghiệp tư nhân (1991). Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay thì hai Luật này được tích hợp thành một gọi là Luật doanh nghiệp. ‘Đây là một quyết định đúng đắn của Quốc hội’, ông Lộc nói.

    TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: VOV

    Vì vậy, theo Chủ tịch VCCI, suốt 30 năm qua, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp được quan niệm bao gồm cả 2 loại hình: loại hình công ty (có tư cách pháp nhân) như công ty TNHH, công ty Cổ phần .v.v. và cá nhân kinh doanh (không có tư cách pháp nhân), được đặt tên riêng là Doanh nghiệp tư nhân.

    Giải nghĩa về hộ kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đây thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình: cá nhân kinh doanh (như doanh nghiệp tư nhân) và nhóm người kinh doanh (tương tự như công ty, nhưng với cơ cấu sơ khai nhất).

    Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, chủ tịch VCCI cho rằng, các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành, theo ông Vũ Tiến Lộc.

    Từ đây, ông Lộc cho rằng, việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp sẽ để lại một hậu quả pháp lý: Trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, thì được quy định trong Luật doanh nghiệp còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, thì chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành.

    Ông Lộc nhấn mạnh, khi tham gia Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động. Hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách khác có liên quan.

    Cũng theo đại biều này, việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để chính danh hộ kinh doanh trong Luật, “không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau”, để bảo vệ hộ kinh doanh, minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh.

    Chủ tịch VCCI khẳng định, nếu ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp sẽ không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và cho nhà nước. Tên của hộ kinh doanh vẫn là hộ kinh doanh.

    "Tuyệt đối không có chuyện, qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

    Tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, những điều Chủ tịch VCCI cho là giúp hộ kinh doanh phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, kỳ vọng Nhà nước phát triển tốt hơn, thu được nhiều thuế hơn là không mới và thiếu tính thực tế.

    “5 điều đưa vào trong dự thảo luật tôi thấy rất đơn giản, chưa rõ ràng và không có gì mới mẻ so với hiện hành. Do đó, cũng chưa phải là “cứu cánh” cho hộ kinh doanh như kỳ vọng nêu ra là mở rộng được thị trường, kinh doanh tốt hơn, thuế Nhà nước tăng thu, Nhà nước quản lý tốt hơn…”, PV VOV dẫn lời đại biểu đoàn Nam Định.

    Theo đại biểu Trần Quang Chiểu, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, có chăng chỉ thu được lợi đầu tiên là mở mắt hôm trước, hôm sau là từ 700.000 doanh nghiệp, chúng ta có thêm được 5 triệu doanh nghiệp.

    “Trong khi chưa đánh giá được tác động cụ thể của việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì chưa nên đưa vào, hoặc có một Nghị định để rồi sau này đưa thành luật”, đại biểu Trần Quang Chiểu nhấn mạnh.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-ve-luat-doanh-nghiep-sua-doi-khong-co-chuyen-ong-chu-quan-pho-thanh-giam-doc-doanh-nghiep-a301602.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan