+Aa-
    Zalo

    Bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ bản đồ cổ do Bỉ sản xuất năm 1827 được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

    Bộ bản đồ cổ do Bỉ sản xuất năm 1827 được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
    Cùng với hàng trăm tư liệu, chứng cứ khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trong những ngày giữa tháng 5, giới lịch sử và khoa học nước nhà vinh dự và vui mừng tiếp nhận bộ bản đồ thế giới do Bỉ xuất bản từ năm 1827. Bộ bản đồ này thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từng nghiên cứu nhiều bản đồ cổ nhưng ông vẫn rất ngạc nhiên về tính chính xác, khoa học của bộ bản đồ (gồm 6 tập) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen (1795-1869)- người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ xuất bản năm 1827.
    Bản đồ cổ thế giới khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

    Để kiểm chứng nguồn gốc và độ chính xác của bộ bản đồ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã phải đến tận nơi nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen vẽ và tổ chức in bản đồ.
    Nước Bỉ có nền địa lý và bản đồ học phát triển hàng đầu thế giới. Nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen là người rất say mê nghiên cứu vẽ bản đồ. Ông là người đầu tiên đưa kỹ thuật in li-tô vào nước Bỉ. Để thực hiện niềm đam mê vẽ bản đồ, nhà Địa lý học nổi tiếng của nước này đã mua hàng nghìn phiến đá lớn từ Đức đưa sang Bỉ để in li-tô. Bản đồ do ông vẽ được Bỉ đánh giá là đạt đến trình độ khoa học công nghệ của vẽ và in bản đồ vào đầu thế kỷ 19.
    GS.TS Quang Ngọc phải khẳng định rằng, tấm bản đồ do một Nhà Địa lý học đến từ một đất nước cách rất xa Việt Nam đã vẽ một cách khách quan thực tế lãnh thổ, lãnh hải của đất nước ta ở vào những năm 1800. Tấm bản đồ đã trở nên nổi tiếng, được nhiều nước trên thế giới sử dụng, ghi nhận và đánh giá cao. Điều này cho thấy, thế giới thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Được biết, công cuộc sưu tầm bộ bản đồ này rất đặc biệt và công phu. Bộ bản đồ được một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp phát hiện tại hiệu sách cổ Sanderus, số 32 Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ.
    Năm 2013, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc được nghiên cứu sinh này gửi tặng bộ bản đồ này để nghiên cứu. Khi cầm trên tay bộ bản đồ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã rất sửng sốt vì trong hàng chục năm nghiên cứu về lịch sử bản đồ mà ông lại chưa nhìn thấy bộ bản đồ nào được vẽ một cách khoa học, chính xác như vậy.
    Bản đồ cổ thế giới khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

    Bộ bản đồ thế giới gồm 6 tập xuất bản tại Bỉ năm 1827 khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam

    Sau đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã gửi bộ bản đồ lên Bộ Thông tin-Truyền thông kiểm tra, xác minh thông tin. Rất may mắn là sau khi kiểm chứng độ chính xác của bộ bản đồ, Bộ Thông tin-Truyền thông đã tiến hành các thủ tục mua lại bộ bản đồ gốc này.
    Trong quá trình nghiên cứu về bộ bản đồ của Philippe Vandemaelen, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã được các thư viện, trường ĐH của Pháp và Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ tạo điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với những tài liệu cũng như bộ bản đồ gốc.
    Khi nghiên cứu ở Pháp, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc ngạc nhiên là trong thư viện trường ĐH Y thành phố Paris (Pháp) cũng sở hữu bộ bản đồ này. Khi tìm hiểu thì GS được biết, vào thời điểm đầu thế kỷ thứ 19, nhiều thành tựu khoa học của thế giới, trong đó có khoa học vẽ bản đồ của Bỉ rất phát triển nên được nhà trường lưu giữ và bảo quản, đóng dấu cẩn thận.
    Đến Thư viện quốc gia Pháp, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc đã rất sửng sốt khi thấy ở đây có hai bộ bản đồ thế giới. Một bộ rời chỉ có 99 tờ, nhưng trong đó 4 tờ về Việt Nam thì vẫn còn nguyên vẹn. Bộ thứ 2 đầy đủ 6 tập của Hoàng tử là cháu ruột Hoàng đế Napoleon Bonapart, vẫn còn dấu từng tờ bản đồ từ ngày xưa. 
    Trong quá trình nghiên cứu về bộ bản đồ gốc ở Bỉ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã được gặp gỡ, tiếp xúc với những nhà địa lý học, học giả, luật gia nổi tiếng và họ đều đánh giá cao tính chính xác, khoa học của bộ bản đồ do Philippe Vandemaelen vẽ.
    Trong quá trình nghiên cứu bản đồ tại các thư viện Bỉ, ông Quang Ngọc nhận thấy, bộ bản đồ cổ thế giới ở Bỉ và ở Pháp đều giống nhau. 
    Những chứng cứ không thể chối cãi
    Trong thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam, việc công bố tấm bản đồ do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen xuất bản năm 1827 là chứng cứ rất quan trọng, góp phần chứng minh rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ rất xa xưa.
    Bản đồ cổ thế giới khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

    GS.TS Nguyễn Quang Ngọc- người trực tiếp nghiên cứu về bộ bản đồ

    Bộ bản đồ do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen được hoàn chỉnh trên cơ sở những tấm bản đồ tốt nhất thế giới ở thời điểm năm 1827, cùng những thông tin từ quan sát thiên văn hay những chuyến du hành ở nhiều nơi trên trái đất.
    GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết, theo bộ bản đồ này, phần Partie de la Cochinchine, Việt Nam được giới thiệu trong các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 đều có ghi chú rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) thuộc chủ quyền của Đế chế An Nam (Empire d’An-nam). Và Partie de la Cochinchine là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.
    Bản đồ đặt khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được quốc tế ghi nhận.
    Tấm bản đồ số 106 vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 16 (thuộc khu vực Trung kỳ, Đàng Trong của Việt Nam lúc bấy giờ). Tấm 110 thể hiện khu vực Nam kỳ của Việt Nam.
    Trong đó tấm bản đồ 106, có tên “Bản đồ xứ Đàng Trong” có vẽ quần đảo Hoàng Sa cụ thể, chi tiết và chính xác. Tấm bản đồ này còn đặt trong mối tương quan với các đảo và khu vực ven bờ như Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Quy Nhơn, Nha Trang.
    Hơn nữa, tại phần chú thích trên tấm bản đồ 106, Philippe Vandermaelen còn ghi rõ “Đế chế An Nam” với thông tin về địa lý, chính trị, địa hình… rất đầy đủ và chi tiết.
    Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, với cách làm khoa học, nhà Địa lý học Vandermaelen thể hiện rất rõ chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
    GS.TS Nguyễn Quang Ngọc còn chỉ ra cùng trong bộ bản đồ cổ thế giới, nhà địa lý học Philippe Vandermaelen cũng thể hiện rõ ràng đường biên giới của Trung Quốc. Cụ thể, tấm số 97 vẽ đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc và điểm cực Nam của Trung Quốc kết thúc ở vĩ độ 22. Còn đường biên giới biển của Trung Quốc chỉ đến phía trên vĩ tuyến thứ 18.
    Tất cả các bản đồ của Trung Quốc và các bản đồ phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước đều cho thấy cực Nam của Trung Quốc là ở đảo Hải Nam, không hề vẽ lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18. Và cách thể hiện biên giới của Trung Quốc tại bộ bản đồ của nhà Địa lý học Philippe Vandermaelen cũng trùng với bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (1904). Hai bản đồ này đều thể hiện cực Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Còn khu vực quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
    GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định, bộ bản đồ này có thể được coi là một tài liệu vô giá, là bằng chứng hùng hồn, có giá trị pháp lý cao khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974.
    Giáo sư Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, bộ bản đồ của Bỉ đã bổ sung thêm vào kho bằng chứng khổng lồ, khẳng định quyền chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tấm bản đồ này cũng đã khẳng định, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là ngang ngược, đi ngược lại luật pháp quốc tế và xâm phạm nghiêm trọng tới quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-do-co-khang-dinh-hoang-sa-va-truong-sa-la-cua-viet-nam-a33608.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan