+Aa-
    Zalo

    Ba người đàn bà không chồng và nỗi buồn mang tên "hủ tục"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Người chồng đã bỏ rơi chị 7 năm, nhưng chị vẫn chờ đợi. Đơn giản, chị có đi bước nữa vẫn không được phép lấy chồng nơi khác.

    (ĐSPL) - Giữa Thủ đô, nơi phố phường phồn hoa, ba phận đàn bà không chồng ở với đứa con ngoài giá thú trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng không có tài sản gì đáng giá. Chuyện riêng của mỗi người khác nhau nhưng họ đều là những người đàn bà cô đơn, khao khát mái ấm gia đình.

    Ngôi nhà nghèo không bóng đàn ông

    "Hoa tiêu" của PV báo Đời sống và Pháp luật trong chuyến thăm ngôi nhà ba người đàn bà không chồng và cháu bé thiểu năng 16 tuổi ở Phú Lãm (Hà Đông- Hà Nội) là chị Nguyễn Thị Oanh, cựu nữ thanh niên xung phong, chủ nhiệm câu lạc bộ Vầng trăng khuyết. 16 tuổi với những đứa trẻ khác đã mang vóc dáng và tính cách của thiếu nữ, nhưng cô bé Đào Thị Thảo con gái của chị Đào Thị Gang, cũng là một cựu thanh niên xung phong vẫn chỉ là đứa trẻ. Thảo là đứa bé không đầy đủ nhận thức, ngẩn ngơ giống nhiều nạn nhân di chứng chất độc da cam. Ba chị em Đào Thị Bình, Đào Thị Gang và Đào Thị Sắt không có chồng là con của một gia đình có bảy chị em gái sống trong cảnh nghèo nơi ngôi nhà bố mẹ để lại.

    Tôi đến ngôi nhà không đàn ông ấy vào đúng bữa cơm trưa. Hai người đàn bà và cháu gái ngồi ăn cơm trưa thấy khách bỗng ngại ngùng. Mâm cơm có mấy ngọn rau cải luộc, đĩa muối và ba miếng thịt mỏng đựng trong chiếc bát con. Chị Oanh nói: "Hôm nay ăn cơm vậy là khá lắm rồi đấy. Mấy chị, gạo ăn còn thiếu nói gì đến cơm thịt. Mà mấy miếng thịt để người lớn ăn cơm "ngon mắt" thôi, còn để dành hết cho cháu bé".

    Chị Bình đặt bát cơm xuống mâm mời tôi vào nhà. Tôi hỏi thăm chị Đào Thị Gang, mẹ cháu Thảo, chị Bình cho biết: "Sau những ngày ốm triền miên, Gang đã gượng dậy đi bán chổi chít. Cố một ngày đi khắp các ngõ ngách của Hà Nội cũng có thu nhập vài chục ngàn đồng, đủ tiền đong gạo ăn. Dì ấy bị tai biến nhiều lần rồi, số buổi đi chợ trong một tháng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi".

    Ngôi nhà cấp bốn đã có tuổi thọ lên tới 50 năm, nay nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà kiên cố, cao tầng của hàng xóm. Vì quá khó khăn, đến cái bàn thờ bố mẹ cũng tạm bợ. Thấy vậy, đầu năm những anh em rể đã góp tiền mua ban thờ, và cho bộ bàn ghế cũ. Ngay cả những chiếc ghế nhựa cũng mới được cho. "Hôm nay, đến nhà ba chị em họ còn có ghế để ngồi, chứ những lần trước chúng tôi chỉ biết đứng ngoài sân. Trong nhà có cái giường để mấy người nằm ngủ nên có mời cũng chẳng ai nỡ ngồi. Mâm cơm cũng không có chiếc bàn nhựa cũ này để bày, bốn người kê mâm cơm lên ghế đẩu rồi ngồi xúm vào ăn, tội lắm", chị Oanh nói.

    Sau nhiều năm mơ ước, mới đây mấy người đàn bà cũng được cho một cái ti vi cũ. Có ti vi, con bé Thảo cứ mở xem suốt ngày. PV báo ĐS&PL hỏi về chuyện đi bán chổi thu nhập như thế nào, chị Bình nói: "Bán được 20 cái chổi thì lãi được 100 ngàn đồng. Nhưng mỗi ngày chỉ bán được vài chiếc thôi. Cứ đi vài ngày thì được hơn 100 ngàn mua được yến gạo ăn là may rồi". Nguồn sống của cả nhà bốn người chỉ trông vào việc bán mấy chiếc chổi. Họ là những người làm nông nghiệp, nhưng ruộng không còn cấy được nữa khi các công ty đã lấy đất xây dựng khu đô thị hết. Số ruộng còn lại thì sâu hoắm không cấy được, có tiếc của người dân lấy túi ni-lon vây vào trồng rau, lúa thì chuột cũng phá hết.

    Cả nhà bốn người, có đến ba người không bình thường (chị Sắt và cháu Thảo ngớ ngẩn, chị Gang sau nhiều lần tai biến cũng không còn thật tính) gánh nặng cơm áo dồn cả lên vai chị Bình. Thương em, thương cháu chị Bình lại mòn chân gánh chổi đi bán khắp Hà Nội kiếm tiền mua gạo. "Tiền thuốc của Gang toàn đi vay chị em, người thân. Hơn 10 năm nay đi vay tiền mua thuốc, có bao giờ chúng tôi trả được đâu. Có khi hết tiền mua gạo chị em tôi đành nhịn chứ chẳng dám vay tiền để ăn", chị Bình nghẹn ngào nói.

    Ba người đàn bà không chồng - nỗi buồn nặng trĩu mang tên: Hủ tục
    Bữa cơm đơn sơ của những phận đời khốn khổ.

    Hủ tục và nỗi đau nhân tình

    Rào trước đón sau, ngập ngừng tôi cũng gợi lại câu chuyện tình yêu của các chị. Chị Bình nói: "Chuyện của chúng tôi dài lắm, nói ra thì xấu hổ". Tôi động viên chị Bình cho rằng đó là số phận của mỗi người. Sau một hồi ngại ngùng, chị Bình kể: "Năm 1974, khi tôi 19 tuổi đã được bố mẹ hai bên dựng vợ, gả chồng. Lấy chồng một tháng, chưa kịp có con thì chồng đi bộ đội vào Nam. Sau ngày thống nhất, chồng tôi đã lấy vợ trong đó và không về. Tôi vẫn ở nhà chồng kiên trì chờ đợi nhưng anh vẫn không một dòng tin nhắn về nhà. Sau hơn bảy năm ở nhà chồng chờ đợi, tôi đã quyết định về nhà mình".

    Ngày xưa ấy, làng Phú Lãm có nghề đan sọt bán cho nhà máy rượu Hà Nội. Nhiều gia đình nhờ thế mà kinh tế khá hơn các làng khác. Vì sợ mất nghề, vì sợ con gái đi lấy chồng sang nơi khác nghèo không có cái ăn nên Phú Lãm có lệ không gả con gái cho trai làng khác. Thậm chí những cô bị chồng chê, chồng bỏ có đi làm lẽ vẫn phải lấy chồng làng. Sự ngăn sông, cấm chợ quyết liệt khiến nhiều chàng trai làng khác bị trai Phú Lãm đánh không dám đến tán gái làng. Điều này đã tạo ra nhiều bi kịch cho các cô gái. Họ lấy chồng làng chấp nhận cảnh sống cam chịu, chồng có đi ngoại tình, có bị ruồng rẫy cũng không dám bỏ.

    Có lẽ vì thế, người chồng đã bỏ rơi chị Bình hơn bảy năm nhưng chị vẫn chờ đợi. Đơn giản, chị có đi bước nữa vẫn không được phép lấy chồng nơi khác. Chờ đợi, hy vọng để rồi... thất vọng, thời gian xoá đi tuổi trẻ, xuân sắc của người phụ nữ. Chị Bình trở về căn nhà bố mẹ với nỗi cô đơn, sự đau khổ. Nỗi lòng của người phụ nữ cũng xuất phát từ chuyện, trai gái trong làng dựng vợ gả chồng đều do bố mẹ quyết định. Người Phú Lãm gọi là "hỏi quạ", nghĩa là một cô gái chưa lớn đã được một nhà người con trai nào đó dạm hỏi. Nếu không có bậc phụ huynh nào "dấm" trước thì sẽ thành gái ế. Vì thế, trai gái lấy nhau không cần tình yêu, phải chăng sau này đi chiến đấu, chồng chị Bình đã gặp tình yêu và ở lại trong Nam?! Cho đến bây giờ thắc mắc trong lòng chị vẫn chưa được giải đáp.

    Bi kịch phải lấy chồng làng cũng là oan tình với chị Gang. Ngày trẻ, khi đi thanh niên xung phong chị cũng có người yêu. Nhưng tình yêu ấy đâu có sâu nặng gì để họ vượt qua những thử thách? Chị Gang thời con gái hay bị đau bụng, rồi một lần bị giun chui ống mật, đau bụng phải đi cấp cứu. Sợ lấy người bệnh, người yêu chị Gang chạy mất luôn. Và sau đó, chẳng có ai hỏi cưới chị Gang nữa. Mãi về sau, khi tuổi đã xế bóng hoàng hôn chị Gang mới mạnh dạn xin một đứa con của người không quen biết. Ngỡ được an ủi khi có tuổi nhưng con gái chị Gang, cháu Thảo lại không lành lặn. 16 tuổi cháu vẫn ngây ngô như đứa trẻ lên ba. Gánh nặng con cái lại chất lên vai những người phụ nữ bất hạnh.

    Gần bốn mươi năm, chị Bình sống trong cảnh chăn đơn gối chiếc, sự lạnh lùng cũng đã quen, bóng dáng người đàn ông xưa không còn hiện hữu. Năm 2011, người chồng ngày xưa ấy cũng trở về quê thăm gia đình và có ghé thăm chị Bình. "Ông ấy về quê đúng mùa vải thiều và mua chùm vải sang thắp hương cho bố mẹ tôi. Ngồi nói chuyện dăm ba câu, ông ấy chỉ nói xin lỗi".

    Ba người đàn bà không chồng - nỗi buồn nặng trĩu mang tên: Hủ tục
    Bà Đào Thị Bình buồn hơn khi nhận lời... xin lỗi.

    Bốn mươi năm, một nửa đời người, cả thời tuổi trẻ chị Bình đã chờ đợi, hy vọng để nhận được một câu "xin lỗi". Mà lời xin lỗi có ích gì khi chị đã thành gái không chồng, nếm trải nỗi cô đơn đến tận cùng. Điều ấy, có lẽ người đàn ông kia đã sống trong hạnh phúc không thể hiểu được.    

    Cần lắm những tấm lòng

    Chị Đào Thị Bình là dân quân hoả tuyến đi lấp hố bom nhưng không có đơn vị xác nhận nên không thể làm được chính sách. Chị Đào Thị Gang là thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới về nhà với bệnh tật, khó khăn cũng không được hỗ trợ trong cuộc sống. Gia đình chị Gang không được hỗ trợ tiền hộ nghèo vì tính cách bất bình thường chị không tham gia hội Phụ nữ chỉ vì... sợ phải đi họp, sợ ra đám đông. Cuộc sống của những người phụ nữ luôn thiếu đói khiến người chứng kiến phải chạnh lòng. Mong rằng "những người sống quanh ta", các cấp chính quyền hãy quan tâm đến những phận người thiếu may mắn...

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-nguoi-dan-ba-khong-chong-va-noi-buon-mang-ten-hu-tuc-a35272.html
    Cô đơn đời mẫu vẽ

    Cô đơn đời mẫu vẽ

    Họ ngồi đó, suốt mấy mươi năm để dành, mòn vẹt ký ức của không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên trường họa để rồi phần nhiều trong số họ giờ đây tóc đã muối tiêu....

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Cô đơn đời mẫu vẽ

    Cô đơn đời mẫu vẽ

    Họ ngồi đó, suốt mấy mươi năm để dành, mòn vẹt ký ức của không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên trường họa để rồi phần nhiều trong số họ giờ đây tóc đã muối tiêu....

    Trạng Lường xử án “không chồng mà chửa mới ngoan”

    Trạng Lường xử án “không chồng mà chửa mới ngoan”

    Sinh thời, bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã phẩy quạt mà tếu táo với thiên hạ rằng: “Không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian cũng thường”, phàm là để nói về chuyện chửa hoang trong thiên hạ lúc bấy giờ...