1.000 tấn rác thải nhập lậu vào Ba Lan từ Anh Quốc đang bị gửi trả lại, làm dấy lên lo ngại về cách xử lý rác ở xứ sở sương mù.
Một lô hàng lớn các chất thải được vận chuyển bất hợp pháp đến Ba Lan từ Vương quốc Anh và gắn nhãn nhựa tái chế đang bị gửi trả lại. 3 công ty liên quan phải đối mặt với cơ quan chức năng và quá trình điều tra trong tháng tới.
Cơ quan Môi trường Anh (EA) đã xác nhận họ đang làm việc với chính quyền Ba Lan để nhận lại 1.000 tấn hộp, hộp thiếc, bao bì chất tẩy rửa và dầu động cơ ở bờ biển Anh.
Cơ quan thương mại chất thải và tái chế thuộc Hiệp hội Dịch vụ Môi trường (ESA) cảnh báo các công ty và hội đồng cần tìm ra người chịu trách nhiệm việc xuất khẩu trái phép số chất thải khổng lồ này.
1.000 tấn rác thải đang trở thành vấn đề lớn với chính phủ Anh - Ảnh: Getty |
"Nếu cáo buộc trên báo về một đường dây có tổ chức là đúng thì điều đó rất nghiêm trọng và chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng, đảm bảo nắm rõ trách nhiệm của mình", Jakob Rindegren, nhà tư vấn chính sách tái chế cho ESA, nói với Unearthed - cơ quan phát ngôn của tổ chức Hòa Bình Xanh.
Tin tức được đưa ra trong bối cảnh các Cơ quan Kiểm toán Quốc gia báo cáo rằng vật liệu đóng gói “tái chế” được gửi ra nước ngoài thực sự có thể bị bán phá giá hoặc gửi đến bãi rác do biện pháp kiểm soát lỏng lẻo và quản lý yếu kém.
Trước đây Chủ tịch EA James Bevan đã cảnh báo nạn xuất khẩu trái phép chất thải là "tội phạm ma túy mới", gây thất thoát ngân sách hơn 1 tỷ USD mỗi năm nhưng chính quyền vẫn chưa đánh giá đúng quy mô của vấn đề.
Kể từ khi Trung Quốc quyết định cấm nhập khẩu "rác thải nước ngoài", Vương quốc Anh đã phải tìm kiếm các điểm đến thay thế cho số lượng rác ngày càng lớn.
Thái Lan và Malaysia đã giới thiệu lệnh cấm tạm thời của họ về nhập khẩu nhựa và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki gần đây đã tuyên bố nghiêm cấm nhận rác thải không rõ nguồn gốc sau khi xảy ra một số vụ nổ tại các bãi tập kết rác.
“Ngày càng có nhiều quốc gia từ chối nhận chất thải nhựa của Anh. Đây là một hồi chuông cảnh báo với thái độ “không nhìn, không biết” của các cơ quan chức năng và yêu cầu giải pháp khả thi để đối phó với việc sản xuất thừa nhựa dẻo”, nhà hoạt động bảo vệ đại dương cao cấp của Greenpeace, Louise Edge, nói.
Nhiều quốc gia không có khả năng xử lý chất thải nhựa hiện đang dựa vào xuất khẩu để giải quyết vấn đề này.
Có những lo ngại rằng tình trạng sẽ trầm trọng hơn nếu việc sửa đổi quy ước Basel về vận chuyển phế liệu được phê duyệt, hạn chế xuất khẩu chất thải công nghiệp sang nhiều nước châu Á.
Thu Phương(Theo Independence)