Không được hưởng hơi ấm của tình mẫu tử, lại bị đặt trước lằn ranh sinh – tử ngay khi mới lọt lòng nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, bé trai bị bỏ rơi ở Hải Phòng như được sinh ra lần thứ hai trong vòng tay thương yêu của dân làng, đặc biệt những người đàn bà nghèo khó nhưng giàu tình cảm.
Tưởng vật bọc trong túi là... lợn con
Một buổi sáng đầu tháng Tám, bà Nguyễn Thị Hóa (SN 1965, trú tại thôn Phương Tường, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) lại dậy sớm, lo cơm nước cho gia đình như thường lệ. Trông trời quang mây tạnh, bà dự định hôm nay sẽ ra đồng chăm lúa.
Đến 7h sáng, bà Hóa bước chân ra khỏi nhà. Đến lối rẽ xuống con đường đất dẫn ra đồng, bà trông thấy một bọc nilon màu đen để ở nơi mà người ta hay tập kết rác; xung quanh cỏ cây mọc um tùm, bên cạnh là một mương nước với bèo tây và khoai nước chen nhau mọc. Ban đầu, bà Hóa chẳng hề để tâm đến nó, bởi người ta thường xuyên vứt rác tại đây và vì nhìn bên ngoài, bọc nilon kia cũng chẳng có gì đặc biệt.
Nhưng những tiếng động lạ phát ra từ đó đã kéo bà lại. Bà Hóa tiến lại gần bụi cỏ, thấy có thứ gì đó đang động đậy bên trong. Đoán rằng lợn nhà ai đẻ nhiều nên đã đem vứt bỏ những con còi cọc, bà không biết có nên mở ra hay không. Phân vân một hồi, bà đánh liều mở chiếc bọc rồi té ngửa khi phát hiện ra bên trong là một bé trai sơ sinh đỏ hỏn, vẫn còn nguyên dây rốn, trên cơ thể vẫn còn dính đầy nhớt và máu. Bà Hóa cố gắng quan sát xung quanh, nhưng không có bất kỳ một đồ vật nào khác ngoài 2 lớp túi nilon đen trước mắt.
Khu vực nơi bà Hoá phát hiện bé trai sơ sinh. |
Bà Hóa kể lại: “Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi hốt hoảng tột độ nhưng cũng không suy nghĩ được gì nhiều, vội vàng bế cháu về nhà lau mặt, mũi để nhớt không làm cháu khó thở. Sau đó, tôi cứ để nguyên như vậy rồi nhờ người đưa tôi và cháu ra thẳng trạm Y tế của xã Hùng Tiến”. Tại đây, cháu bé được các bác sĩ, y tá tiến hành cắt dây rốn và tắm rửa, vệ sinh toàn bộ cơ thể. Sau khi được chăm sóc, sức khỏe cháu đã dần hồi phục, tốt hơn rất nhiều so với thời điểm phát hiện.
Hay tin bà Hóa nhặt được trẻ sơ sinh, rất đông người dân đã tới trạm Y tế để thăm hỏi, theo dõi sự việc. Ai cũng phải thừa nhận rằng bé trai sơ sinh rất may mắn. Và có lẽ, bà Hóa cũng phải có duyên nên mới “gặp” được đứa trẻ. Dân làng kể lại, gần 1 tháng nay trời liên tục đổ mưa, có hôm mưa suốt cả ngày không ngớt, đường trong xóm lụt lội. Nhưng buổi sáng hôm bà Hóa phát hiện ra cháu bé, thời tiết rất đẹp. Nếu trời mưa to, không được người dân phát hiện kịp thời, có thể cháu đã nguy hiểm đến tính mạng.
Vòng tay ấm áp của những “người dưng”
Bà Đỗ Thị Lý (SN 1969, trú tại thôn Phương Tường) cho hay, thời điểm bà Hóa mang bé trai sơ sinh đến trạm Y tế xã, trên cơ thể của bé vẫn còn có những cọng cỏ và đất cát bám vào. Bởi vậy nên, rất có thể người mẹ đã tự mình vượt cạn rồi gói cháu bé vào túi nilon, bỏ lại gần cánh đồng.
Khi PV báo ĐS&PL có mặt tại trạm Y tế xã Hùng Tiến, có rất đông các bà, các mẹ thay nhau chăm sóc bé. Bà Lý vừa ôm bé vừa ngậm ngùi: “Số phận của bé không được như những đứa trẻ khác. Nó không được bố mẹ thừa nhận mà bỏ rơi. Nhưng từ đó mới thấy tình cảm của tất cả mọi người dành cho bé. Suốt nhiều ngày nay, trạm Y tế của xã không ngớt người ra người vào thăm nom cháu. Ai cũng muốn được bế ẵm, cưng nựng cháu. Buổi tối, có khoảng 3-4 người phụ nữ ngủ lại để thay nhau chăm sóc bé”.
Theo y tá của trạm Y tế, hiện sức khỏe của bé trai đã trở về trạng thái bình thường, bé ăn khỏe, ngủ khỏe. Trong địa bàn xã có nhiều sản phụ nên người ta thay nhau đến để cho bé bú; vì không gì tốt bằng sữa mẹ. Ngoài ra, người ta còn mang đến cho cháu rất nhiều bỉm, sữa bột và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Ông Nguyễn Đình Dũng – Phó trưởng Công an xã Hùng Tiến, người đã lập biên bản sự việc nhận định rằng, nhiều khả năng thân nhân của bé không phải là người ở địa phương. Theo ông Dũng, có rất nhiều gia đình đang ở trạm Y tế của xã mong muốn được nhận cháu bé về làm con nuôi. Thống kê của Công an xã cho thấy, hiện có khoảng hơn 50 người đã gặp trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại.
“Việc này chúng tôi rất ủng hộ, nhưng chúng tôi phải giải quyết theo quy trình. Cha hoặc mẹ của cháu bỏ rơi cháu tức người ta không còn muốn nuôi cháu nữa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải lập biên bản sự việc với sự chứng kiến của các bộ phận tư pháp, chính sách xã hội, người làm chứng... Cũng mong cha mẹ cháu suy nghĩ lại mà nhận cháu về chăm sóc. Trong thời hạn quy định của pháp luật, nếu không có người thân đến nhận, chúng tôi sẽ giải quyết để cho một hộ gia đình đủ điều kiện chăm sóc cháu bé nên người”, ông Dũng thông tin thêm.