Các ngoại trưởng ASEAN và 17 nước châu Á sẽ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Thông tin trên VnEpress cho hay, Ngoại trưởng 10 nước ASEAN và 17 nước đối tác tham gia đối thoại, bao gồm Mỹ và Nhật Bản, sẽ cùng bàn thảo thiết lập một cơ chế khu vực nhằm giải quyết mối đe dọa an ninh từ chủ nghĩa khủng bố trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 diễn ra tại Manila, Philippines, Reuters đưa tin.
"Các bộ trưởng lên án mạnh mẽ những hành động khủng bố gần đây dưới mọi hình thái và cách thức", bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) dự kiến được đem ra bàn bạc vào ngày 7/8 có đoạn.
"Các bộ trưởng cũng đã ghi nhận sự cần thiết của việc tận dụng mạng xã hội một cách tối đa và hiệu quả nhằm ngăn chặn thông điệp và tư tưởng của những kẻ khủng bố lan truyền trên mạng", theo dự thảo tuyên bố.
Các ngoại trưởng ASEAN sẵn sàng hành động sau khi chứng kiến những phần tử cực đoan tận dụng mạng xã hội để truyền bá tư tưởng, chiêu mộ các tay súng và kích động các vụ tấn công, một quan chức ngoại giao cấp cao của Philippines cho biết.
Quân đội Philippines đang thu giữ một lá cờ đen, biểu tượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do nhóm phiến quân cắm trong thành phố Marawi. Ảnh: AFP. |
"Bọn chúng phát tán các video bạo lực trên Twitter và Facebook, đồng thời liên lạc với nhau qua các ứng dụng tin nhắn", quan chức này nói.
Tướng Restituto Padilla, phát ngôn viên của quân đội Philippines, nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác giữa các nước ASEAN trong vấn đề này.
"Chúng ta có thể làm nhiều hơn ngoài việc hợp tác quân sự", ông Padilla nói và lấy ví dụ Indonesia và Malaysia đang hỗ trợ Philippines thông qua việc chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác tuần tra trên biển.
Tri thức trực tuyến thông tin thêm, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan được tổ chức từ ngày 4 đến 8/8 dưới sự kiểm soát an ninh chặt chẽ tại Manila trong bối cảnh quân đội Philippines đang nỗ lực giành lại thành phố Marawi từ tay các nhóm phiến quân Hồi giáo thân IS. Cuộc chiến chống khủng bố ở miền Nam nước này kéo dài hơn 2 tháng qua và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Cuộc khủng hoảng tại miền Nam Philippines khiến gần 700 người, trong đó có hơn 520 phiến quân và gần 200 dân thường thiệt mạng. 400.000 người trong thành phố Marawi đã phải di tản.
Cuộc chiến ở Marawi làm dấy lên lo ngại IS có thể giành được chỗ đứng ở Đông Nam Á thông qua các phiến quân địa phương có liên kết với nhóm khủng bố này, trong bối cảnh chúng đang đối mặt với thất bại lớn ở Syria và Iraq.
(Tổng hợp)