+Aa-
    Zalo

    Anh nông dân mỗi năm kiếm bạc tỷ nhờ nuôi loài "trung thành", không biết đốt chỉ cắn

    (ĐS&PL) - Với mô hình nuôi lài được mệnh danh là "trung thành", đặc tính không biết đốt chỉ cắn nhẹ, anh nông dân ở Ninh Thuận kiếm bạc tỷ mỗi năm.

    Anh nông dân nói trên là Nguyễn Hữu Trực (khu phố 3 phường Bảo An, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Anh Trực thành công trong việc nuôi loài ong dú, không có nọc đốt, cắn nhẹ hơn kiến, không bỏ tổ đi dù có động. Việc nuôi ong đặc biệt này đang mang lại giá trị kinh tế.

    Bỏ việc ngân hàng theo đuổi đam mê nuôi ong

    Thông tin từ Trang thông tin điện tử TP.Phan Rang - Tháp Chàm, anh nông dân Nguyễn Hữu Trực ngay từ nhỏ đã đuợc gần gũi và rất yêu thích thế giới tự nhiên, yêu thích động vật và đặc biệt là loài ong.

    Anh Trực rất muốn tìm hiểu đời sống của những loài ong. Nên thay vì vui chơi các trò chơi trẻ con cùng với bạn bè cùng trang lứa thì chàng trai trẻ lại say mê quan sát, ngắm nhìn, tìm hiểu và muốn thuần phục loài ong.

    Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Hữu Trực có công việc ổn định tại ngân hàng quê nhà. Tuy nhiên, niềm đam mê với loài ong thôi thúc anh vừa làm việc vừa thử nghiệm nuôi ong mật. Dù nỗ lực hết mình, mô hình này không thành công do điều kiện khí hậu Ninh Thuận không phù hợp.

    Anh nông dân mỗi năm kiếm bạc tỷ nhờ nuôi ong dú. Ảnh: Trang thông tin điện tử TP.Phan Rang - Tháp Chàm

    Anh nông dân mỗi năm kiếm bạc tỷ nhờ nuôi ong dú. Ảnh: Trang thông tin điện tử TP.Phan Rang - Tháp Chàm

    Không nản lòng, anh chuyển sang kinh doanh trà sữa nhưng cũng không đạt được kết quả như mong đợi. Thất bại liên tiếp cộng thêm việc không tìm thấy đam mê trong công việc ngân hàng khiến anh quyết định nghỉ việc.

    Trong khoảng thời gian khó khăn, gần như mất phương hướng, một cơ duyên bất ngờ đã đến với anh. Vào một ngày đẹp trời, anh Trực phát hiện một bày ong dú bay ra từ những chiếc thùng nuôi ong mật cũ bỏ không ở góc vườn. Tò mò quan sát, anh thấy chúng đã làm tổ và tạo mật trong đó. Thử nếm mật, anh ngạc nhiên bởi vị ngọt thanh kèm chút chua độc đáo.

    Vô cùng phấn khởi, anh Trực quyết định dồn tâm huyết để gây dựng và phát triển đàn ong dú quý hiếm này. Điều thú vị là nguồn gốc của chúng lại đến từ chính ngôi nhà cổ gần 100 năm của gia đình anh.

    Kiếm bạc tỷ mỗi năm

    Cuối năm 2018, anh Trực bắt đầu thương mại hóa giống ong dú và sau 3 năm nghiên cứu, anh đã hoàn thiện quy trình nuôi bài bản. Đây là cơ sở duy nhất trên cả nước áp dụng quy trình nuôi ong dú chuyên nghiệp. Từ 400 tổ ong được bán ra năm 2021, con số này đã tăng lên 800-900 tổ vào năm 2022.

    Theo anh Trực, giá bán hiện tại của mỗi tổ ong là 2 triệu đồng, với mật độ khoảng 1.000 con ong/tổ và trọng lượng hơn 2kg, bao gồm hộp tổ, trứng ong và thức ăn dự trữ.

    Các tổ ong dú được nuôi ngoài vườn nhà. Ảnh: VietNamnet

    Các tổ ong dú được nuôi ngoài vườn nhà. Ảnh: VietNamnet

    “Doanh thu từ bán tổ ong trong năm qua là 1,2-1,3 tỷ đồng. Khách hàng chủ yếu ở phía Nam do ong hợp khí hậu ấm. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng... là các địa phương phát triển đàn ong mạnh”, anh nói trên báo VietNamnet

    Không chỉ dừng lại ở việc bán tổ ong, anh Trực còn đưa ong dú về huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận (nơi có diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn, đa dạng cây cho ong lấy mật) để triển khai mô hình nuôi vệ tinh liên kết.

    Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, 20 hộ dân, bao gồm cả người Khmer bản địa, đã hợp tác với cơ sở nuôi của anh Trực. Anh cung cấp tổ ong, cử nhân viên chăm sóc và thu hoạch mật khi cần thiết. Một số hộ thậm chí còn tự chăm sóc tổ ong thông qua hướng dẫn trực tuyến qua Zalo hoặc video.

    Trung bình, mỗi hộ gia đình tham gia mô hình có thể thu nhập thêm 4-5 triệu đồng/tháng từ khoảng 20 tổ ong. Tuy nhiên, việc thuyết phục người dân tham gia vẫn còn khó khăn do tập quán chăn nuôi bò, dê, cừu truyền thống và thói quen đi rừng của người dân địa phương.

    Nuôi ong dú có khó không?

    Theo anh Nguyễn Văn Trực, nuôi ong dú rất đơn giản và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Loài ong này dễ nuôi, dễ nhân đàn và không bao giờ bỏ tổ. Người nuôi chỉ cần chú ý bảo vệ chúng khỏi các loài thiên địch như thằn lằn, nhện và tránh khai thác mật trước mùa mưa, rét để tránh làm đàn ong bị đói, chết hàng loạt.

    "Từ khi ong dú chúa đẻ trứng đến khi phát triển thành ong trưởng thành khoảng 50 ngày. Mỗi tổ ong 1 tháng có thể nhân đàn một lần, mỗi đàn sẽ "bầu" ra ong chúa mới và sinh sôi nảy nở rất nhanh, cho mật sau 3-6 tháng", báo Dân trí dẫn lời anh Trực nói.

    Việc ong dú rất đơn giản và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Ảnh: VietNamnet

    Việc ong dú rất đơn giản và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Ảnh: VietNamnet

    Việc nhân giống ong dú cũng vô cùng dễ dàng, thậm chí trẻ em lên ba cũng có thể làm được. Anh Trực đã sáng chế ra tổ ong đa tầng gồm 2 hoặc 3 khung gỗ xếp chồng lên nhau. Khi tổ ong đủ điều kiện tách đàn, người nuôi chỉ cần tách một tầng có chứa tổ ong và ghép với khung gỗ khác để tạo thành một đàn ong mới.

    Tổ ong đa tầng này còn giúp việc khai thác mật trở nên dễ dàng hơn. Người nuôi có thể tách riêng tầng chứa mật, đóng gói và bán, để người mua tự tách mật, thưởng thức keo ong thô ngay trong tổ.

    Để tạo ra mô hình tổ ong với kích thước phù hợp, anh Trực đã trải qua quá trình quan sát và đúc rút kinh nghiệm lâu dài. Nếu hộp quá lớn hoặc quá nhỏ, đàn ong sẽ phát triển chậm và thời gian tách đàn sẽ kéo dài.

    Anh Nguyễn Hữu Trực chia sẻ tất cả kiến thức về nuôi ong, lấy mật, làm tổ, tách đàn... trên các diễn đàn và tư vấn trực tiếp cho bà con quan tâm đến mô hình này.

    Mô hình này đặc biệt thuận lợi khi kết hợp nuôi ở các trại hoa, farm, vườn cây trái. Ảnh: Dân trí

    Mô hình này đặc biệt thuận lợi khi kết hợp nuôi ở các trại hoa, farm, vườn cây trái. Ảnh: Dân trí

    Anh Trực mong muốn mô hình nuôi ong dú sẽ được nhân rộng, trở thành một hướng đi kinh tế hiệu quả cho người dân nông thôn, tận dụng lợi thế về nguồn hoa cỏ tự nhiên và lao động nhàn rỗi, đặc biệt là người già và trẻ em.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-moi-nam-kiem-bac-ty-nho-nuoi-loai-trung-thanh-khong-biet-ot-chi-can-a448626.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan