+Aa-
    Zalo

    Ăn xin Sài Thành: “Chăn dắt” người nước ngoài ăn xin, né cơ quan chức năng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỗi lần chính quyền truy quét, kẻ chăn dắt, cầm đầu đường dây lập tức lùa nạn nhân về nước để rồi lại trở về hoạt động trên các địa bàn mới sau đó.

    Trong số những thành phần đi ăn xin, không ít trẻ em, phụ nữ nuôi con nhỏ là người gốc Campuchia. Mỗi lần chính quyền truy quét, vận động đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội, kẻ chăn dắt, cầm đầu đường dây lập tức lùa nạn nhân về nước. Sau đợt truy quét, các đối tượng này tiếp tục gọi “công cụ” ăn xin trở về hoạt động trên các địa bàn mới.

    Mánh khóe xin tiền tinh vi đến bất ngờ

    Ngoài những nhóm ăn xin là người Việt Nam, trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều trẻ em, phụ nữ nuôi con nhỏ đi ăn xin mang quốc tịch Campuchia. Họ được kẻ chăn dắt tập hợp từ các tỉnh vùng biên giới như: Sóc Trăng, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Thuận...

    Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng những người này được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản về các chiêu thức ăn xin khi ra đường hành nghề. Thậm chí, những người này cũng được kẻ chăn dắt chỉ dạy cách phản ứng với người lạ, đối phó với cơ quan chức năng trên địa bàn hoạt động.

    Người Việt Nam giả danh người Campuchia để thoát sự truy quét.

    Theo chân một cậu bé ăn xin (khoảng 5 tuổi) tại cây xăng trên đường 3/2 đoạn giao với đường Lê Đại Hành (quận 11, TP.HCM), tôi phát hiện những mánh khóe xin tiền tinh vi đến bất ngờ. Ban đầu, cậu bé cầm chiếc nón vây lấy khách hàng đến đổ xăng xin tiền. Tuy nhiên, cách này không mấy hiệu quả. Không ai cho cậu bé một đồng nào. Khoảng 15 phút sau, cậu bé tiếp tục vây khách, xin lần thứ hai. Tương tự lần đầu, cậu bé không nhận được tiền từ khách.

    Lần này, cậu bé lầm lũi đi vào một con hẻm nhỏ. Sau ít phút cậu quay lại với một chân đi khập khiễng. Quan sát, tôi thấy cậu bé có dán miếng bông y tế dưới mắt cá chân. Không quan sát kỹ, ai cũng nghĩ cậu bị thương nặng. Lần này, thấy dáng đi tội nghiệp của cậu bé, vài vị khách đổ xăng đã cho tiền.

    Thông qua nhân viên bán xăng, tôi được biết, cậu bé là người gốc Campuchia, chuyên ăn xin ở các cây xăng. Cậu được một người đàn ông Việt Nam chở đi “hành nghề” xoay vòng liên tục tại các địa bàn khác như: Quận 10, quận Tân Bình, quận 6 và quận 11 (TP.HCM).

    Dù lành lặn, nhưng khi không xin được tiền, những đứa trẻ này sẽ được đối tượng chăn dắt “đạo diễn” trở thành người thương tật. Không những thế, mỗi khi các nhân viên tại cây xăng hỏi chuyện, những đứa trẻ này đều nói tiếng Campuchia.

    Anh T. bán hàng rong quanh cây xăng cho biết: “Ở đây, phần lớn những người gốc Campuchia đi ăn xin, chỉ nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Mỗi lần gặp khách, đám trẻ thường cúi rạp người, tay vái lạy xin tiền”.

    Để phân biệt người ăn xin gốc Campuchia và gốc Việt Nam đang hành nghề trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi đã làm một phép thử đơn giản. Theo đó, tôi đi cùng một người bạn biết nói tiếng Campuchia và sử dụng tiền Riel (tiền Campuchia – PV) để tiếp cận người phụ nữ bế con nhỏ ngồi ven đường 3/2 cắt Nguyễn Tri Phương (quận 10). Khi thấy chúng tôi chào hỏi bằng tiếng Campuchia, đồng thời đưa đồng 5 Riel ra trước mặt, chị này tỏ vẻ rất ngạc nhiên.

    Sau đó, chị giới thiệu tên Kim (30 tuổi), người gốc Campuchia nhưng lấy chồng Việt Nam. Cả hai vợ chồng Kim mang con nhỏ tham gia vào đường dây chăn dắt ăn xin của người đàn ông tên M. (45 tuổi, tạm trú xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Kim thú thật, mình đã sống bằng việc ăn xin nhiều năm nay. Chị cho biết, được người tên M. đưa đi xin ăn khắp các tỉnh miền Nam chứ không riêng TP.HCM.

    Hàng ngày, tiền xin được, Kim phải giao nộp cho ông chủ. Cuối tháng, Kim được lĩnh lương. Kim cho biết, ông M. có vợ là người Campuchia nên rất rành tiếng bản địa. Mỗi tháng, ông M. sẽ đưa nhóm người ăn xin về nước nghỉ ngơi vài ngày. Sau đó, ông ta lại đưa một nhóm người mới sang Việt Nam đi xin. Trong tay ông này có khoảng 2-3 nhóm người như thế “để làm việc luôn ca”.

    Núp bóng người nước ngoài để tránh bị xử lý

    Khoảng 2-3 năm trước, TP.HCM đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng người ăn xin xuống đường làm mất an ninh trật tự, thiếu văn minh đô thị. Đồng thời những kẻ chăn dắt cũng bị xử lý nghiêm khi biến phụ nữ, trẻ em, người già thành công cụ kiếm tiền. Tuy nhiên, mỗi khi cơ quan chức năng tiến hành truy quét, các đường dây chăn dắt ăn xin người Campuchia đều lẳng lặng thu quân, đưa họ về nước.

    Số còn lại, khi được mời lên trụ sở UBND các quận, huyện làm việc, họ đều không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, không biết giao tiếp bằng tiếng Việt. Do vậy, cơ quan chức năng Việt Nam phải làm việc với đại diện chính quyền Campuchia để trao trả những người này về nước.

    Lợi dụng chính sách này, nhiều đường dây chăn dắt ăn xin đã dạy trẻ em, phụ nữ người Việt học nói, đếm tiền bằng ngôn ngữ Campuchia. Đến khi bị truy quét, những người này sẽ giả nói tiếng Campuchia với mục đích qua mặt chính quyền. Khi được tự do, những người này tiếp tục tái xuất, gia nhập đường dây ăn xin có bảo kê khác để hành nghề ở các địa bàn mới.

    Để hiểu thêm, chúng tôi đã thâm nhập, vạch trần nhóm ăn xin người Việt Nam giả Campuchia tại đường 3/2 cắt Nguyễn Tri Phương (quận 10). Theo đó, chúng tôi tìm cách tiếp cận với 2 đứa trẻ khoảng 7 tuổi đang ngồi bên vệ đường. Thấy khách lạ tiến tới, bọn trẻ lập tức cầm nón đến xin tiền. Tôi chủ động đọc những tiếng đếm bằng tiếng Campuchia như: Muôi (số 1), Đốp (số 10 - PV)... Tiếp đó, tôi cầm đồng 20.000 và nói: “Ai đọc được tiếng Campuchia sẽ cho tiền”. Ngay lập tức, một cô bé lắp bắp đọc ngay: “Muôi phây” (số 20 - PV).

    Nhận được tiền, cô bé nói “Okun” (cảm ơn - PV) rồi nhanh chân chạy đến chỗ nhóm bạn ven đường dùng những mảnh gạch vẽ trò chơi dân gian. Ít phút sau, chúng tôi nghe nhóm trẻ, có cả cô bé vừa xin tiền nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt rất sõi.

    Tìm hiểu, PV phát hiện, một số tộc người có ngoại hình giống người Campuchia. Do đó, họ bị lầm tưởng là người gốc Campuchia. Nhờ đó, họ dễ dàng di chuyển, mở rộng địa bàn ăn xin tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

    Ông Võ Anh Thành, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 10, TP.HCM chia sẻ: “Địa bàn quận 10 nói riêng và TP.HCM nói chung tập trung nhiều trẻ ăn xin cả người Việt lẫn người Campuchia. Họ được các đối tượng chăn dắt đưa về từ các tỉnh miền Tây, vùng biên giới hai nước. Tình trạng này có từ lâu, nhưng mỗi lần phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND quận, các phường đi truy quét, đối tượng chăn dắt đều chở người ăn xin đi “lánh nạn” sang các quận khác, hoặc đưa về nước”.

    “Ngoài ra, nếu đưa họ vào các trung tâm bảo trợ xã hội, sẽ có tình trạng người nhà tới bảo lãnh đưa về Campuchia. Có những trường hợp chúng tôi xử lý, vận động vào trung tâm xã hội 2-3 lần. Nhưng khi được tự do, họ lại tiếp tục đi xin ăn trở lại. Do sự việc có yếu tố người nước ngoài nên việc xử lý đôi khi còn gặp khó khăn”, ông Thành cho biết thêm. 

    Sẵn sàng di chuyển khỏi địa bàn khi “có động”

    Ông Võ Anh Thành, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 10, TP.HCM cho biết: “Tính từ Tết Nguyên đán năm 2017 tới nay, phía cơ quan chức năng quận 10 đã xử lý nhiều trường hợp liên quan đến vấn nạn ăn xin. Số lượng người gốc Campuchia khá đông. Họ thường tham gia vào các đường dây chăn dắt ăn xin và di chuyển khỏi địa bàn khi có động. Do vậy, phía lãnh đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận vẫn tiếp tục đề ra những kế hoạch với các quận lân cận để phối hợp vận động, dẹp bỏ tình trạng ăn xin để không còn ảnh hưởng tới an ninh xã hội”.

    (Còn nữa...)


    Huệ Trần

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-xin-sai-thanh-chan-dat-nguoi-nuoc-ngoai-an-xin-ne-co-quan-chuc-nang-a201209.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan