Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, thông tin đã tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, theo Tri thức trực tuyến.
Bệnh nhân thứ nhất là anh Đ.T.D. (51 tuổi, trú tại Vụ Bản, Nam Định) có tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm (~300-500 ml/ngày), nhập viện ngày 3/3. Sau một ngày ăn tiết canh và tham gia thái thịt lợn hộ tại đám cưới, người này có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run, nhiệt độ lên đến 39-40 độ C.
Bệnh nhân được nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định trong tình trạng khó thở, thở nhanh, tụt huyết áp. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, xơ gan, truyền dịch, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao. Tình trạng ít cải thiện nên bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc, viêm phổi, được điều trị kháng sinh tĩnh mạch liều cao, giảm đau, chống viêm, hạ sốt. Hiện tại, sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.
Cũng đến từ Nam Định là nữ bệnh nhân thứ 2 là Đ.T.C. (nữ, 44 tuổi, trú tại Giao Thủy, Nam Định) nhập viện ngày 26/2 vì giảm ý thức. Người phụ nữ này làm nghề giết mổ lợn.
Theo người nhà bệnh nhân, chị C. sốt không rõ nhiệt độ, kích thích, vật vã, gọi hỏi không trả lời, sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê, suy hô hấp. 3h cùng ngày, người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não và chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, người bệnh nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ban xuất huyết dạng đám, dải vùng cẳng bàn tay, bàn chân 2 bên, phổi có tình trạng viêm. Người phụ nữ được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm phổi.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chọc dịch não tủy để đánh giá. Dịch não tủy chảy ra đục mủ như nước vo gạo. Hiện chị C. đã tỉnh và được rút ống nội khí quản, qua cơn nguy kịch, thở khí phòng bình thường, huyết động ổn định.
Theo các bác sĩ, liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người dân còn rất chủ quan với bệnh này.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp, mọi người thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào, thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, theo báo Giao thông.
Thông thường, vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, mà không gây bệnh cho con vật. Do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu.
Cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là nên phòng bệnh. Bởi, khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.
Hiện chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.
Linh Chi(T/h)