+Aa-
    Zalo

    Ăn bánh mì cũng bị say sỉn, vì sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trước đây, các bác sĩ đã từng ghi nhận có người chỉ ăn cơm hoặc ăn bánh mỳ cũng có thể dẫn đến say xỉn. Vì sao vậy? Mời các bạn cùng tìm hiểu.

    Trước đây, các bác sĩ đã từng ghi nhận có người chỉ ăn cơm hoặc ăn bánh mỳ cũng có thể dẫn đến say xỉn. Vì sao vậy? Mời các bạn cùng tìm hiểu.

    Chuyện lạ có thật: ăn bánh mỳ cũng bị say rượu

    Có người chỉ ăn bánh mì đã bị say như say rượu

    Bạn hãy hình dung vào một ngày đẹp trời bạn ăn sáng với một chiếc bánh mỳ nhưng sau đó bỗng cảm thấy chóng mặt như say rượu. Nói trường hợp không may, bạn cố gắng lái xe nhưng lại gặp cảnh sát giao thông tuýt còi, họ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của bạn. Khi đó có thể bạn rất tự tin vì không hề uống rượu. Thế nhưng kết quả kiểm tra làm bạn bị sốc: nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Khi đó, bạn và không một ai có thể giải thích ngay được hiện tượng vô lý này.

    Ở nước Mỹ có chuyện tương tự: đó là vào năm 2009, một người đàn ông 61 tuổi người Mỹ đã phải cấp cứu tại bệnh viện vì dấu hiệu ngộ độc rượu. Điều đáng nói là ông không uống bất kể một đồ uống có cồn nào trong suốt cả ngày. Vậy mà nồng độ cồn trong máu đo được tới mức 0,37%. Với nồng độ này, hệ thần kinh trung ương của ông ta đã bị ức chế và khả năng tử vong đã bắt đầu xuất hiện. Bạn nhớ rằng, với một người bình thường, nồng độ cồn trong máu chỉ ở mức 0,001-0, 03% thôi nhé.

    Lỗi là tại uống nhiều kháng sinh

    Trên thực tế, những triệu chứng mà người đàn ông này gặp phải đã kéo dài suốt 5 năm ( 2004-2009) mà không thể giải thích. Nồng độ cồn trong máu của ông thường cao tới 0,4, trong khi giới hạn pháp lý đối với rượu tại Mỹ chỉ là 0,08. Vì vậy các bác sĩ đã cho rằng ông này là một kẻ nghiện rượu và có biệt tài uống vụng rượu.

    Nghi ngờ đó đã được họ kiểm chứng: họ đã đưa ông này vào một phòng cách ly của bệnh viện trong 24 giờ để theo dõi. Trong khi họ chỉ cho ông ta ăn những bữa nhẹ giàu carbohydrate và định kỳ đo nồng độ đường trong máu của ông. Cuối cùng, các bác sĩ cũng bị thuyết phục bởi: rõ ràng, ông này không hề uống rượu, nhưng nồng độ cồn trong máu ông vẫn tăng đến mức 0,12%. Lúc này, không một ai có thể giải thích ngay được hiện tượng kì lạ đó. Nhưng thật may mắn, vợ ông lại là một y tá. Những lúc chồng mình có những biểu hiện bất thường, bà đã bắt đầu theo dõi và ghi lại những triệu chứng. Bà nói rằng những biểu hiện nhiễm độc rượu kì lạ bắt đầu xuất hiện vào năm 2004. Đó là khoảng thời gian sau khi ông trải qua một đợt điều trị kháng sinh nặng.

    Uống nhiều kháng sinh tiêu diệt hết vi khuẩn đường ruột.

    Thế là nguyên nhân được chỉ ra: lỗi là tại uống nhiều kháng sinh. Các bác sĩ giải thích: khi uống quá nhiều kháng sinh đã khiến cho các vi khuẩn đường ruột của người đàn ông này bị tiêu diệt hoàn toàn. Thay vào đó, nấm men và nấm đường ruột đã có cơ hội phát triển mạnh. Bởi vậy dù ông này chỉ ăn bánh mỳ hay một loại thực phẩm chứa chất bột đường khác, nấm men dư thừa trong hệ tiêu hóa sẽ lên men chất đường bột thành rượu. Lượng rượu này được hấp thu vào máu của ông ta và khiến ông say xỉn, mặc dù ông ý chẳng uống một giọt rượu nào.

    Hệ vi khuẩn có trong ruột có thể bị kháng sinh tiêu diệt hết, thay vào đó là nấm men phát triển.

    “Hội chứng nhà máy bia tự động”

    Các bác sĩ đã gọi “căn bệnh” mà người đàn ông này gặp phải là “Hội chứng nhà máy bia tự động”. Trên thực tế, đúng như tên gọi của nó, toàn bộ đường tiêu hóa của ông ta đã biến thành một nơi sản xuất cồn cho cơ thể, khi mà nấm men chiếm ưu thế so với các vi sinh vật đường ruột. Để điều trị “Hội chứng nhà máy bia tự động”, các bác sĩ đã phải đưa người đàn ông này theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt chất bột đường và dĩ nhiên là phải kiêng cả rượu trong vòng 6 tuần. Ông ta cũng phải sử dụng thuốc để tái sinh lại hệ vi khuẩn đường ruột đã bị tiêu diệt bởi một đợt kháng sinh dùng quá nhiều trước đó ( năm 2004) .

    Ruột là nơi “Hội chứng nhà máy bia tự động” hoạt động sản xuất ra rượu bia

    Trong lịch sử y học, các nhà khoa học cũng đã từng ghi nhận được những trường hợp tương tự. Bệnh nhân nhỏ tuối nhất là một bé gái 3 tuổi có biểu hiện say mỗi khi uống nước trái cây có đường.

    Đến đây bạn đã biết: “Hội chứng nhà máy bia tự động” chỉ là một trong những hội chứng lên men bất thường có thể là hậu quả của việc dùng kháng sinh quá nhiều. Vì thế từ nay, bạn và tất cả người thân trong gia đình và bạn bè: không bao giờ sử dụng kháng sinh tùy tiện kéo dài nếu không muốn trở thành một trong số những người chỉ ăn cơm hay bánh mỳ cũng có thể say xỉn. Tệ hơn nữa, dùng nhiều kháng sinh một cách tùy tiện, còn gây tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, rất nguy hiểm cho bạn và toàn xã hội.

    Nấm men - biến bánh mì, cơm cháo... thành bia rượu trong ruột

    Theo Bs. Ninh Hồng

    Nguồn: Sức khỏe & Đời sống

    Xem thêm video:

    [mecloud]ucPCzm76oj[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-banh-mi-cung-bi-say-sin-vi-sao-a165979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan