(ĐSPL)- Những “ông chủ” là người đã có thâm niên kinh doanh tại các chợ, có thể thao túng cả thị trường. Các “ông chủ” này có thể nhập được hàng tận gốc, “làm luật” với hải quan và có rất nhiều chiêu trò.
Như Đời sống và Pháp luật số 80 đã đăng tải bài viết “Thâm nhập “thủ phủ gia vị Tàu” ở vùng biên: Kinh hoàng “viên bún mắm” 5.000 đồng để pha nước dùng cho hàng trăm bát phở”, trên số báo này, chúng tôi gửi đến bạn đọc “đường đi” của những gia vị không rõ nguồn gốc, phẩm màu độc hại, hóa chất gây ung thư.
Sau khi được vận chuyển qua biên giới sẽ được “phù phép”, hợp thức hóa để vận chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Chúng tôi đã lần theo các đầu mối cung cấp thực phẩm lớn ở Hà Nội để tìm hiểu xem những gia vị độc hại được tiêu thụ như thế nào?
|
Gia vị để nấu nước phở bán tại các chợ ở Hà Nội. |
Thâm nhập đầu mối tiêu thụ gia vị bẩn
Lần theo “đường đi” của “gia vị Tàu” không nguồn gốc, PV đến các chợ đầu mối, chợ trung tâm lớn ở Hà Nội như chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng); chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân), chợ Thành Công (quận Ba Đình)... được coi là đầu mối cung cấp các loại gia vị không rõ nguồn gốc, có chứa các chất độc hại tại Hà Nội. Chúng tôi nhập vai là chủ quán cơm bình dân, đi tìm các loại gia vị rẻ nhất để chế biến thức ăn. Tại chợ Phùng Khoang, tôi không khó khăn để tìm mua những củ gừng, tỏi, hành, hành tây, gia vị được nhập từ Trung Quốc. Theo một số khách hàng thì các loại củ của Trung Quốc thường to và mập hơn bình thường, nhiều người nghi ngờ rằng, các sản phẩm này đã được tẩm ướp các chất bảo quản và hương vị cũng không được như ý.
Khi biết chúng tôi tìm mua phẩm màu, gia vị, chị V. chủ gian hàng bán các loại mặt hàng khô cho biết, cửa hàng chị có bán các loại phẩm màu như phẩm hoa hiên và các loại phẩm hóa học khác. Vừa nói xong, chị V. bốc ngay trong một cái thùng hàng tạp hóa, chị bốc xuống đáy lấy ra một túi phẩm màu. Chị bảo rằng, đó là phẩm hoa hiên, bán với giá 15.000 đồng/gói. Được biết, phẩm màu này đã được các cơ quan chức năng cấm bán từ rất lâu. Thế nhưng, không hiểu lý do gì mà bây giờ nó lại xuất hiện ngang nhiên tại các chợ.
Đến chợ Hôm, chúng tôi hỏi mua những gia vị rẻ nhất, các tiểu thương đều hiểu ý đó là “gia vị Tàu”. Họ bảo rằng, gia vị này không còn được bày bán công khai như trước. Chị L. chủ gian hàng B.L. cho biết: “Ngày trước, chị vẫn bán các loại gia vị để nấu thịt kho tàu, bò kho, gia vị lẩu thái, canh chua, hủ tiếu, nước phở. Bây giờ, các cơ quan quản lý thị trường quản lý rất gắt, chị không dám bày ra sạp, vì nếu bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện sẽ bị phạt 5 – 6 triệu đồng. Nếu em mua, chị sẽ bảo người nhà chở đến tận nơi”. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua để bán lại tại các vùng ngoại thành Hà Nội, chị L. khẳng định: “Vậy thì em đặt cọc đi. Em muốn nhập bao nhiêu chị cũng đáp ứng được. Em yên tâm, chỗ chị làm ăn uy tín lắm. Nếu mua nhiều, chị sẽ bao tiêu hàng đến tận nhà”.
|
“Gia vị bẩn” được bán lẫn lộn trong các loại hàng khô (ảnh cắt từ clip quay tại chợ Đồng Xuân). |
Bí mật sau mặt tiền gian hàng
Để tìm hiểu sâu hơn về cách thức “tuồn” các loại gia vị không rõ nguồn gốc, gia vị độc hại vào Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã vào vai một con buôn, đi tìm hiểu thị trường. Tôi mua phẩm màu hoa hiên và một số gia vị được bán ở chợ Phùng Khoang, sau đó đem vật phẩm này đi làm mẫu rao tại các quầy ở chợ Đồng Xuân. Trong vai một dân buôn, nhà cạnh cửa khẩu, có thể nhập được các loại mặt hàng này tận gốc, giá rẻ hơn rất nhiều so với giá bán rao trên thị trường, chúng tôi mới được các chủ gian hàng tiếp đón khá niềm nở.
Và thế là tôi được những tiểu thương tiết lộ rất nhiều bí mật về góc khuất của việc buôn gian bán lận “gia vị Tàu” không nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ này. Chị P.H., chuyên bán các loại mặt hàng khô - đỗ - lạc - vừng tại chợ Đồng Xuân cho biết: “Chú đi rao những mặt hàng gia vị này sẽ không ai mua. Bởi, hầu hết những mối hàng đều là chỗ quen biết, làm ăn lâu năm với nhau và nó là mặt hàng bán không hết thì có thể trả lại. Việc bao tiêu sản phẩm đã có các “ông chủ lớn” đứng ra lo hết rồi. Tất cả các tiểu thương ở đây cũng có những mối hàng thân thiết. Vì vậy, “ma mới” mà nhảy vào thị trường của “ma cũ” thì sẽ bị “dằn mặt” đấy”.
Theo chị P.H. thì, những “ông chủ” này là người đã có thâm niên kinh doanh tại các chợ, đó là các ông chủ lớn, có thể thao túng cả thị trường. Các “ông chủ” này có thể nhập được hàng tận gốc, “làm luật” với hải quan và có rất nhiều chiêu trò “phù phép giấy vận chuyển” rồi ngang nhiên vận chuyển hàng về Hà Nội tiêu thụ mà không gặp bất cứ “phản ứng” nào từ cơ quan chức năng. Việc tiêu thụ các loại mặt hàng này cũng được các “ông trùm” bao hết, bởi họ có những tấm “bùa hộ mệnh”.
Để hiểu về những tấm “bùa hộ mệnh” này, chúng tôi hỏi rất nhiều hộ kinh doanh khác. Họ không ngần ngại bảo rằng, muốn bày bán sản phẩm nào thì phải có giấy chứng nhận xuất xứ hoặc giấy phép nhập khẩu mới không bị các lực lượng chức năng xử phạt.
Các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cũng thừa nhận rằng, bây giờ muốn bán các loại mặt hàng “gia vị Tàu” ở trong gian hàng rất khó. Những gia vị đã bị cấm thì họ phải cất vào gian hàng bên trong, khi khách hỏi mua thì họ mới bán, nhưng đó chỉ là số lượng ít. Trong thời gian gần đây, khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra gắt gao, các tiểu thương cũng hết sức cẩn thận. Họ bảo rằng, khi khách hàng hỏi mua với số lượng nhiều thì phải đặt tiền trước, sau đó họ mới về kho lấy hàng.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phát hiện ra những mặt hàng cấm này ngang nhiên bày bán tại các sạp tạm sát chợ Đồng Xuân. Một chị tên Thu, người bán hàng ở sát chợ Đồng Xuân nói: “Chợ Đồng Xuân được coi là đầu mối cung cấp các loại gia vị, đặc biệt là “gia vị Tàu” cho người dân Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi ít bán lẻ mà chỉ toàn giao buôn. Muốn mua loại nào chúng tôi cũng có, từ gia vị pha chế nước trà chanh, sữa đậu, sữa ngô, trà sữa, nước chanh dây, cam, ổi, dâu, bí đao, hương cúc, mía lau, trà xanh... cho đến các phụ gia thịt lợn, bò, gà vịt, cừu và dầu hào hay gia vị lẩu”. Theo bật mí của chị Thu, đối tượng tiêu thụ nhiều nhất vẫn là những chủ quán cơm bình dân, quán nhậu vỉa hè, quán giải khát, trà chanh...
Mặc dù các lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra nhưng những mặt hàng này rất nhỏ gọn nên chỉ cần thấy bóng dáng của lực lượng quản lý thị trường xuất hiện là người bán sẽ nhanh chóng “tẩu tán” và sau khi quản lý thị trường đi khỏi thì họ lại chào khách như thường.
Bằng rất nhiều khâu “phù phép”, vận chuyển và chế biến, các loại “gia vị Tàu” đã len lỏi đến khắp các ngóc ngách của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Gia vị độc hại được gắn mác và bày bán song song với các loại gia vị khác nên rất khó xử lý. Và, người tiêu dùng vẫn “vô tình” sử dụng các loại gia vị độc hại này.
Hàng ngàn hộp “gia vị bẩn” bị bắt Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ rất nhiều “thực phẩm bẩn”. Điển hình là vụ triệt phá hàng ngàn hộp “gia vị bẩn” nhập vào Hà Nội. Tổ công tác quản lý thị trường thuộc đội Quản lý thị trường số 11 (chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với đội 6, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.Hà Nội) phát hiện chiếc xe mang BKS 30P – 6353 chở 200 hộp mù tạt; 600 hộp gia vị lẩu; 320 hộp dầu hào; 120 hộp sốt cà chua. Hầu hết số hàng này đều không có nguồn gốc xuất xứ, nghi là nhập từ Trung Quốc. Lái xe là Nguyễn Trọng Tâm (SN 1977, trú tại Công Đình, Gia Lâm, Hà Nội) khai nhận rằng, được một ông chủ thuê chở. Lực lượng chức năng gọi lại cho ông chủ theo số anh Tâm cung cấp nhưng không thể liên lạc được. Sau sự vụ này, nhiều người nghi ngại rằng, không biết bao nhiêu vụ buôn lậu “gia vị bẩn” thẩm thấu vào Hà Nội đã trót lọt, số lượng lớn như thế nào? |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-tiep-tay-cho-gia-vi-ban-phu-song-toan-quoc-a41531.html