+Aa-
    Zalo

    Ai còn dám tố cáo nếu bị công khai danh tính?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo ông Đinh Văn Minh, nếu không có cơ chế bảo vệ hữu hiệu thì người dân sẽ rất e dè trong việc tố cáo.

    Theo ông Đinh Văn Minh, nếu không có cơ chế bảo vệ hữu hiệu thì người dân sẽ rất e dè trong việc tố cáo.

    Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và một trong những nội dung được rất nhiều người quan tâm chính là vấn đề bảo vệ người tố cáo. Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ.

    ai con dam to cao neu bi cong khai danh tinh hinh 1
    Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ trao đổi với phóng viên VOV.

    PV: Một câu chuyện khá ồn ào mới diễn ra gần đây đó là việc ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định thụ lý giải quyết đơn tố cáo của một công dân nhưng lại nêu rõ tên, địa chỉ người đứng đơn. Mặc dù quyết định này sau đó đã được thu hồi, ông Chủ tịch cũng đã nhận sai, nhưng chắc chắn nó đã để lại những hệ lụy. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?

    Ông Đinh Văn Minh: Sự việc xảy ra rất đáng tiếc, thể hiện một sự nhận thức không đầy đủ, thậm chí cẩu thả, thiếu trách nhiệm đối với vấn đề xử lý đơn thư tố cáo. Một trong những yêu cầu đầu tiên của quá trình xử lý và giải quyết tố cáo là vấn đề bảo vệ bí mật cho người tố cáo. Bởi vì tố cáo là hướng đến sự phát hiện cho cơ quan nhà nước những hành vi vi phạm và xử lý những hành vi vi phạm đó, cho nên việc để lộ tên người tố cáo một mặt sẽ gây khó khăn cho quá trình giải quyết tố cáo, mặt khác cũng có thể làm cho người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập. Đây là điều chúng ta phải tránh.

    Dù có thu hồi lại quyết định đó thì tên của người tố cáo mọi người đều đã biết, và có những việc chúng ta không thể khắc phục được.

    PV: Tố cáo mà không được bảo vệ thì ai dám tố cáo, thưa ông?

    Ông Đinh Văn Minh: Cùng với quyền khiếu nại, quyến tố cáo là một trong những quyền được Hiến định. Tố cáo giúp các cơ quan nhà nước phát hiện các hành vi vi phạm, loại trừ khỏi bộ máy những người không trong sạch, ngăn chặn những thiệt hại xảy ra. Điều đó rất đáng trân trọng.

    Chúng ta cũng đã có những quy định về khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với người tố cáo. Mặc dù có sự động viên, nhìn nhận như vậy, nhưng một điều rất quan trọng đối với người tố cáo là các tố cáo của họ phải được tiếp nhận và giải quyết một cách thấu đáo, hiệu quả để họ thấy rằng việc làm của họ có ý nghĩa; mặt khác cũng cần có biện pháp bảo vệ người tố cáo. Bởi việc tố cáo liên quan đến việc xử lý những hành vi vi phạm và những người vi phạm nên rất dễ họ có những phản ứng, thậm chí trả thù. Nếu không có cơ chế hữu hiệu, kể cả các quy định về pháp luật, thực hiện của cơ quan nhà nước thì người ta sẽ rất e dè việc tố cáo.

    Thực tế cho thấy, tỷ lệ người sẵn sàng tố cáo không nhiều, chỉ khoảng 40%, đó là con số rất đáng suy nghĩ, mặc dù quyền đó rất đáng tôn trọng và nhà nước cũng tạo điều kiện nhưng tại sao người dân vẫn không dám tố cáo. Điều đó phản ánh thực tế cơ chế của chúng ta chưa hiệu quả.

    PV: Trên thực tế có nhiều câu chuyện người tố cáo bị trù dập với những biểu hiện như hạ lương, kỷ luật, cắt thưởng, cho chuyển công tác khác hoặc buộc thôi việc…Người bị trù dập thường rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán nản, mất niềm tin. Thưa ông, những trường hợp này thì ai bảo vệ họ?

    Ông Đinh Văn Minh: Đó là thực tế rất đáng lo ngại, cần có các biện pháp để khắc phục. Các hình thức trả thù, trù dập người tố cáo rất đa dạng, có thể đụng chạm đến lợi ích, uy tín chính trị… của họ. Việc bảo vệ người tố cáo phải căn cứ vào các hình thức mà họ có nguy cơ bị trả thù, trù dập. Ví dụ, ảnh hưởng đến công việc hay tiền lương của người tố cáo thì trách nhiệm bảo vệ họ chính là những người quản lý, sử dụng họ; hoặc ở địa phương họ bị cản trở trong việc làm giấy tờ do có tố cáo thì làm sao các cơ quan nhà nước cấp trên bảo vệ được lợi ích của họ.

    Đã có trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập bằng những biện pháp bạo lực thì trách nhiệm đó thuộc về cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an.

    Do tính chất đa dạng, phức tạp của hành vi trả thù, trù dập cho nên tương xứng với nó thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, có trách nhiệm trong từng lĩnh vực để chúng ta bảo vệ họ một cách hiệu quả nhất.

    PV: Bị trả thù vì tố cáo cũng đã xảy ra nhiều. Đặc biệt là tố cáo hành vi tham nhũng. Cũng có những vụ được làm rõ, nhưng phần nhiều là người tố cáo phải nhận thiệt thòi về mình. Liệu đây có phải là do người tố cáo chưa được bảo vệ thưa ông?

    Ông Đinh Văn Minh: Đó là một sự thật, đặc biệt trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Thực tiễn cho thấy tỷ lệ tố cáo tham nhũng trong số tố cáo nói chung rất nhiều, thậm chí 70-80%. Đây là những vụ việc tố cáo rất phức tạp, nguy cơ bị trả thù đối với người tố cáo cũng lớn hơn.

    Bởi vì tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn nên họ có phương tiện, công cụ và nhiều thứ để tìm cách này, cách khác, thậm chí việc trả thù đó rất tinh vi. Nên việc chúng ta chưa bảo vệ được người tố cáo thể hiện sự phức tạp của vấn đề tố cáo đối với tham nhũng.

    Ngoài các quy định chung bảo vệ người tố cáo, tôi nghĩ riêng với tố cáo tham nhũng cần có những quy định tương đối đặc biệt.

    PV: Theo ông, cách nào để người tố cáo được bảo vệ thực sự?

    Ông Đinh Văn Minh: Nguyên nhân người tố cáo chưa được bảo vệ có nhiều khía cạnh, thứ nhất: pháp luật cũng có những vấn đề cần phải sửa đổi. Ví dụ, muốn được bảo vệ, anh phải trình bày yêu cầu, và yêu cầu này phải có căn cứ, nhưng đối với người tố cáo việc này không dễ dàng. Bên cạnh đó là các khía cạnh khác liên quan như sự phối hợp giữa các cơ quan. Vì tố cáo có rất nhiều lĩnh vực, cấp độ khác nhau và thuộc về thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan. Hiện nay, có nhiều vụ việc không biết cơ quan nào là cơ quan chính để bảo vệ. Vì vậy, thiết chế của chúng ta cũng cần xem lại để người tố cáo có đầu mối đến trình bày.

    Tố cáo, đặc biệt là tố cáo tham nhũng liên quan nhiều đến những người có chức vụ, quyền hạn, đôi khi những người có trách nhiệm cũng e ngại, thậm chí né tránh. Đó cũng là lý do khiến cho việc bảo vệ người tố cáo chưa hiệu quả.

    Để người tố cáo được bảo vệ một cách thực sự, theo tôi, một mặt xem xét lại các quy định của Luật tố cáo hiện hành, qua tổng kết hơn 5 năm thực hiện có vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung kịp thời; Mặt khác, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết tố cáo.

    Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để làm sao người dân thấy được ý nghĩa của việc tố cáo để họ thấy xã hội ủng hộ về mặt tinh thần, vật chất và những yêu cầu khác nữa. Nhiều biện pháp phối hợp với nhau thì chúng ta mới hy vọng việc bảo vệ người tố cáo hiệu quả và động viên người tố cáo tích cực hơn nữa trong việc cùng với nhà nước phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

    PV: Xin cảm ơn ông.

    Ngọc Chi- K.Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-con-dam-to-cao-neu-bi-cong-khai-danh-tinh-a193588.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan