Thận có vai trò lọc máu, giúp cân bằng điện giải, cân bằng nội môi, điều hòa áp suất thẩm thấu, chuyển hóa trong cơ thể. Thận còn là "nhà máy" đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể.
Một khi thận suy yếu, khả năng thanh lọc và đào thải kém, thì chất độc tích tụ trong người, rối loạn điện giải, rối loạn toàn bộ hoạt động của các cơ quan tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp… thậm chí đe dọa sự sống của cơ thể.
Bệnh thận có diễn tiến âm thầm nên người bệnh khó phát hiện bệnh sớm, nhiều người chỉ phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, tức giai đoạn cuối của suy thận mạn, bắt buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Vì vậy, bạn cần biết các dấu hiệu cảnh báo sớm sau đây để điều trị kịp thời.
4 cơn đau "báo động đỏ" cho thấy thận đang gặp vấn đề
Đau nhức xương khớp
Quá trình chuyển hóa axit uric trong cơ thể không diễn ra bình thường do thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Axit uric dư thừa sẽ ảnh hưởng đến thận, cơ thể sẽ phát tín hiệu đau nhức xương khớp.
Những người có chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ cần chú ý nhiều hơn. Rất có thể cơn đau do axit uric tích tụ trong cơ thể sẽ tiếp tục phát triển. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tăng axit uric máu và tổn thương thận, gây bệnh thận, suy thận
Đau lưng hoặc đau vùng ngang thắt lưng
Thận có chức năng sàng lọc và đào thải tất cả các chất độc hại cũng như tạp chất ra ngoài cơ thể bằng đường nước tiểu. Khi chức năng thận suy giảm, sẽ làm mất cân bằng điện giải trong cơ thể, gây ra tình trạng ứ dịch dẫn đến đau vùng hố thận hay đau mỏi ngang thắt lưng.
Đau khi đi tiểu
Trong trường hợp bình thường, bạn sẽ không có nhiều cảm giác khi đi tiểu. Nhưng nếu đột nhiên thấy đau khi đi tiểu, khó tiểu, rất có thể hệ tiết niệu đã bị tổn thương do viêm nhiễm bởi một số vi khuẩn, virus xâm nhập từ bên ngoài.
Nếu không được điều trị và điều chỉnh kịp thời có thể gây viêm thận, dẫn đến suy thận nghiêm trọng. Vì vậy, bạn nên bổ sung nước kịp thời, chú ý giữ gìn vệ sinh cơ thể và vệ sinh cá nhân để bảo vệ thận, phòng tránh bệnh thận.
Đau tức ngực
Nếu bạn thường xuyên thấy phù nề vào buổi sáng, tức ngực và đau nhức trong một khoảng thời gian thì rất có thể chức năng thận đã bị suy giảm. Điều này dẫn đến khả năng lọc của thận giảm. Một lượng nước lớn không thể đào thải ra ngoài cơ thể. Theo thời gian. chúng tích tụ trong cơ thể gây phù nề.
Nếu bạn cảm thấy đau rõ rệt sau khi dùng ngón tay ấn vào kèm khó thở, đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm thận.
Những giải pháp giúp ngăn ngừa bệnh thận
Uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể, và đặc biệt với những người bị thận yếu thì cần đặc biệt lưu ý. Các bác sĩ khuyến cáo, người bị bệnh thận không nên uống quá nhiều hay quá ít nước, vì uống nhiều nước sẽ tạo áp lực lên cho thận. Song, cũng không được uống ít nước sẽ làm tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc, do thận sẽ không đủ nước để co bóp đẩy cặn bã và độc tố ra ngoài. Vì vậy, chỉ cần uống một lượng nước vừa đủ mỗi ngày.
Thường xuyên vận động vừa sức
Tập thể dục không chỉ cần thiết với những người bình thường, mà đối với những người bị bệnh thận cũng cần duy trì vận động. Việc luyện tập thể thao điều độ không những giúp tăng cường sự dẻo dai cho các cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch, giúp khí huyết được lưu thông tốt hơn mà còn giúp ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides), tăng cường sức khỏe tim mạch.
Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa sự tổn thương của thận. Vì vậy, thói quen tốt cho thận này cần được duy trì thường xuyên.
Tuy nhiên, đối với những người thận yếu cần chú ý: loại bài tập, thời gian tập luyện, cường độ và thời gian tập luyện. Với đối tượng này nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, earobic… Với những người mới tập luyện nên tập từ từ, rồi tăng dần thời gian lên, nên duy trì 30-45 phút/ngày, tập ít nhất 3 ngày/tuần.
Tùy vào sức khỏe mỗi người mà có cường độ tập khác nhau, tập vừa với sức của mình. Khi thấy mệt, khó thở, tim đập nhanh, đau bụng… thì cần dừng lại ngay.
Bỏ hút thuốc
Hút thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu, dẫn đến các vấn đề về tim và thận. Vì vậy, nếu bạn hút thuốc, hãy tìm cách để bỏ hút thuốc.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Béo phì là một yếu tố nguy cơ độc lập cho sự phát triển của bệnh thận. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy cố gắng giảm cân.
Tập thể dục thường xuyên và tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng, người có thể hướng dẫn bạn chế độ ăn kiêng để giảm cân.
Khám sức khỏe định kỳ
Nên kiểm tra sức khỏe hàng năm cho những người trên 40 tuổi. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh thận, bạn nên kiểm tra thận hàng năm.
Kiểm soát đường huyết
Với những người bị bệnh tiểu đường, hoặc có nguy cơ có lượng đường huyết cao là những đối tượng dễ làm tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này xảy ra trong thời gian dài có thể làm nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, nếu bản thân kiểm soát đường trong máu thì có thể giảm được nguy cơ gây hại cho thận. Bên cạnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý thì cần thăm khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, bác sĩ có cách để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở thận.
Theo dõi huyết áp
Huyết áp cao là yếu tố ảnh hưởng sẽ kéo theo các hệ lụy về sức khỏe như tiểu đường, tim mạch hoặc cholesterol tăng tăng cao, gây tổn thương đến thận. Khi huyết áp tăng cao sẽ làm dày các thành mạch và gây hẹp lòng mạch máu.
Quá trình lọc máu trở nên khó khăn hơn, các chất thải của cơ thể sẽ bị ứ đọng lại trong máu và theo thời gian sẽ gây hại cho thận. Chỉ số huyết áp bình thường là 120/80 mmHg.