Căng thẳng giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang leo thang và cuộc khủng hoảng dường như đang rơi vào thế bế tắc.
Hôm 7/8, Tổng thống Trump gửi “tối hậu thư” đến Bình Nhưỡng: "Triều Tiên tốt nhất là không nên có thêm đe doạ nào nữa với Mỹ. Họ sẽ vấp phải hoả lực, cơn thịnh nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng thấy". Đáp lại, các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên nói rằng họ đang cân nhắc kế hoạch tấn công đảo Guam.
Một bài phân tích trên CNN cho hay, nếu chính quyền Tổng thống Trump muốn hạn chế mối đe dọa từ phía Triều Tiên, họ cần phải hiểu 12 điểm chính sau đây:
1. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên đang tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân nhanh nhất có thể. Nguyên nhân là vì họ tin rằng vũ khí này là phương tiện hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí nhất để đảm bảo sự sống còn của họ cũng như tăng cường áp lực lên các nước khác.
Từ quan điểm của họ, vũ khí hạt nhân giúp ngăn chặn “sự bắt nạt” của các nước khác, như một công cụ bảo vệ đất nước, chống lại các loại can thiệp từ nước ngoài mà Libya và Ukraina phải đối mặt sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân cũng giúp nâng cao uy tín lãnh đạo và giảm nguy cơ của một cuộc đảo chính tiềm ẩn. Đạt được những mục đích này thông qua các phương tiện quân sự thông thường sẽ tốn kém hơn nhiều và một quốc gia khó khăn về kinh tế rất khó có thể chi trả.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cần phải hiểu rõ về Triều Tiên trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Ảnh: CNN |
2. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên có hệ tư tưởng luôn duy trì một trạng thái siêu chiến tranh hoang tưởng, họ sẽ an toàn hơn với vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng lịch sử lâu dài và nhất quán về việc không tuân thủ các thỏa thuận giảm vũ khí mà họ đã ký kết. Cách duy nhất khiến Triều Tiên sẽ từ bỏ có lẽ là chỉ khi các nhà lãnh đạo nước này tin rằng chi phí để duy trì vũ khí hạt nhân lớn hơn chi phí họ có thể gánh vác nổi.
3. Khác với việc thay đổi lãnh đạo ở Triều Tiên hoặc một cuộc tấn công quân sự cực kỳ không có hiệu quả. Phương tiện duy nhất có khả năng thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của chính phủ Triều Tiên là tăng cường các biện pháp chế tài và cưỡng chế phi quân sự đến mức có thể phá hoại quyền lực của họ nếu họ không phi hạt nhân hóa.
4. Mặc dù lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên đã được công bố từ hôm 5/8 vừa qua nhưng chắc chắn rằng cấm vận không thuyết phục được Triều Tiên thay đổi đường lối. Các biện pháp trừng phạt có thể có tác động tiêu cực. Những nhà lãnh đạo độc tài của Triều Tiên đã cho thấy rằng họ sẵn sàng để hàng trăm ngàn công dân của họ chết đói chứ không nhượng bộ.
Muốn lệnh trừng phạt có hiệu quả, Trung Quốc cần thể hiện rõ ràng mong muốn của họ, sẵn sàng cắt đứt đường dây buôn bán và nhập khẩu dầu khí với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không có phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, đây là điều mà dường như Trung Quốc chưa muốn làm.
Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp lệnh trừng phạt của LHQ. Ảnh: CNN |
5. Triều Tiên cung cấp cho Trung Quốc một vùng đệm giữa họ và và liên minh do Mỹ đứng đầu bằng một nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. Đổi lại, Trung Quốc cung cấp gần như toàn bộ dầu thô và hầu hết lương thực cho quân đội Triều Tiên. Thậm chí, nền kinh tế Triều Tiên phát triển được cũng là nhờ thông qua thương mại và tiếp cận thị trường Trung Quốc. Nếu không có sự hỗ trợ và sự bảo vệ này của Trung Quốc, Triều Tiên có thể sẽ sụp đổ trong một thời gian ngắn.
6. Tuy nhiên, bản thân sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng cũng có vấn đề. Triều Tiên ngày càng trở nên thù địch với Trung Quốc và chương trình vũ khí hạt nhân của họ làm suy yếu Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân – hiệp ước mà Trung Quốc hỗ trợ.
Những sự bất ổn định về công nghệ và căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có khả năng gây ra một vụ tai nạn hạt nhân trong tương lai. Nếu như vậy, cả khu vực Đông Bắc rộng lớn của Trung Quốc cũng sẽ bị ô nhiễm.
Tranh chấp Triều Tiên cũng minh chứng cho sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ tại Hàn Quốc. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và Nhật Bản đang làm Trung Quốc suy yếu trong việc ngăn chặn hạt nhân, tăng khả năng xảy ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á. Tất cả những điều này làm hại đến lợi ích của Trung Quốc nhiều hơn những quốc gia khác.
7. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể muốn Triều Tiên noi gương Trung Quốc và cải tổ từ bên trong. Thế nhưng, thực tế là lãnh đạo Triều Tiên, ngay cả khi nền kinh tế bị tàn phá cũng sẽ không thể có được những cải cách kinh tế đầy đủ nếu không tiến hành cải cách chính trị trước, nỗ lực thay đổi cơ cấu độc tài hiện tại.
Trung Quốc đóng vai trò tối quan trọng trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ảnh: IBTimes |
Tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa sẽ đòi hỏi mức độ thông tin thị trường và sự trao quyền cho người lao động nhưng điều đó không tương thích với hệ thống kiểm soát chặt chẽ của Triều Tiên. Ngoài ra, nếu chính quyền ông Kim Jong-un giảm bớt sự kiểm soát thì cả “đế chế” của ông có thể sụp đổ.
Với số lượng lớn người Triều Tiên bị giết hại, đói khát và bị cầm tù bởi chế độ hiện tại, thật khó tưởng tượng được người dân nước này phải làm gì để vượt qua khủng hoảng và được đợi được lúc chuyển sang sống ở một xã hội cởi mở hơn.
8. Vì những lý do này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt với một tình huống không mấy dễ dàng. Nếu Trung Quốc tin tưởng Triều Tiên thì họ có thể tiếp tục thể hiện sự không hài lòng, hỗ trợ một số biện pháp trừng phạt nhưng không gây áp lực lên Bình Nhưỡng.
Còn nếu Trung Quốc tin rằng họ không thể chịu nổi chương trình hạt nhân của Triều Tiên thêm nữa, Bắc Kinh phải làm những gì cần thiết để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc đối mặt với tình trạng mất ổn định và sụp đổ chế độ.
9. Tiếp tục theo con đường hiện nay, Bình Nhưỡng có thể sẽ buộc Bắc Kinh duy trì hoặc tăng mức độ hỗ trợ về mặt vật chất và chính trị cho dù Triều Tiên có thể làm tổn hại tới các lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Nếu tiếp tục như vậy, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không còn cách nào khác là gia tăng áp lực lên Trung Quốc để gây ảnh hưởng đến Triều Tiên.
10. Một cách khác nữa, Trung Quốc có thể quyết định trao cho Triều Tiên quyền lựa chọn giữa phi hạt nhân hoá và cắt đứt đường dây kinh tế và thương mại. Đây là một nguy cơ lớn đối với Bắc Kinh, nhưng phần thưởng mà họ có thể nhận được sau đó sẽ rất lớn.
11. Nếu Trung Quốc có thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực, đồng thời làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ cùng đồng minh trong việc chống lại mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Còn nếu Triều Tiên không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân cho dù Trung Quốc đã gây áp lực, Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc đẩy mạnh quá trình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Kế hoạch này có thể diễn ra bằng việc lực lượng Mỹ không đi về phía Bắc vĩ tuyến 38 nhưng quân đội Trung Quốc có thể đóng quân tại Triều Tiên dưới sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc. Hàn Quốc sẽ tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, mở ra một hành lang công nghệ cao từ nước này tới Đông Bắc Trung Quốc, loại bỏ mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân, giảm sự biện minh cho việc duy trì lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc. Điều này có thể giúp các bên liên quan đều có lợi.
12. Do Trung Quốc luôn nhìn nhận vấn đề Triều Tiên thông qua lăng kính đối lập chiến lược với Mỹ nên sự tin tưởng giữa Bắc Kinh và Washington không thực sự đảm bảo. Điểm mấu chốt là các biện pháp trừng phạt gây áp lực lên Bình Nhưỡng được thực thi cũng sẽ không có nhiều tác dụng nếu Trung Quốc không muốn đẩy mạnh hơn nữa tiến trình phi hạt nhân hóa.
Ngoài ra, bài viết trên CNN cũng nhấn mạnh rằng, Triều Tiên chắc chắn sẽ rất thận trọng khi quyết định phóng một vũ khí hạt nhân vì hành động đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự hủy diệt của đất nước họ.
(Theo CNN)