Tại sao da trẻ sơ sinh bong tróc?
Bề ngoài của trẻ sơ sinh, kể cả làn da, sẽ thay đổi rất nhiều trong vài tuần đầu đời. Tóc của bé có thể thay đổi màu sắc và da chuyển sang đậm hoặc nhạt màu hơn. Do đó, tình trạng bong tróc hoàn toàn bình thường. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, chẳng hạn như bàn tay, lòng bàn chân và mắt cá chân.
Khi vừa chào đời, da của con bao phủ một lớp sáp trắng giúp bảo vệ làn da con. Khi lớp sáp này biến mất, bé sẽ bắt đầu lột lớp da bên ngoài trong vòng 1 – 3 tuần. Lượng da bong ra phụ thuộc vào việc bé sinh non, sinh đúng tuổi thai hoặc lớn hơn.
Bé càng có nhiều lớp sáp trắng vernix trên da khi sinh thì càng ít bong tróc. Trẻ sinh non thường có nhiều sáp vernix nên da của trẻ bong ít hơn bé sinh ra sau 40 tuần. Hiện tượng trẻ sơ sinh bong da thường sẽ tự biến mất và không cần chăm sóc nhiều.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác gây nên hiện tượng bong tróc da ở trẻ sơ sinh như:
Bệnh chàm làm cho da trẻ sơ sinh bong tróc
Theo các chuyên gia nhi khoa, trong một số trường hợp, tình trạng da trẻ sơ sinh bong tróc có thể là do bị bệnh chàm. Chàm có thể gây ra trên da em bé các hiện tượng như vẩy, đỏ da, ngứa. Tình trạng này rất hiếm trong giai đoạn ngay sau khi sinh, nhưng có thể phát triển sau đó. Chàm ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm nhưng lại khiến bé yêu khó chịu.
Trẻ sơ sinh da bị bong tróc do bệnh vảy cá
Hiện tượng da trẻ sơ sinh bong tróc còn có thể đến từ một loại bệnh lạ là vảy cá. Bệnh này sẽ khiến da bé nổi vẩy, ngứa, bong ra. Để xác định được đúng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách khám lâm sàng và dựa vào bệnh sử của gia đình.
Tuy vẫn chưa có thuốc trị bệnh vảy cá nhưng việc sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên có thể làm giảm tình trạng da khô và cải thiện làn da của bé.
Trẻ sơ sinh được tắm quá lâu
Việc tắm quá lâu, có thể khiến các chất dầu tự nhiên trên da có xu hướng bị trôi đi và khiến da mất đi độ ẩm tự nhiên dẫn đến khô da và dễ bị bong tróc.
Trẻ sơ sinh bị tróc da đầu ngón tay do môi trường và các bệnh lý liên quan
Theo các chuyên gia, yếu tố môi trường khiến da đầu ngón tay trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị bong tróc thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do làn da của bé nhạy cảm nên việc bé tiếp xúc với các sản phẩm như sữa tắm, phấn rôm, quần áo giặt bằng xà phòng,… thậm chí là chất độc hại thì khả năng bị kích ứng da là rất cao có thể gây khô rát bong tróc da. Một số nguyên nhân khác như: tiếp xúc với chất tẩy rửa tồn dư trên bao tay – bao chân, sự thay đổi thời tiết, tác động tia cực tím có thể khiến da bé bị khô, bong tróc, thậm chí dẫn đến nứt nẻ da. Bên cạnh đó, thói quen mút ngón tay ở trẻ có thể dẫn đến tróc da đầu ngón tay hoặc lở loét da, đặc biệt là phần ngón cái.
Ngoài ra, một số các bệnh lý tự miễn như bệnh Kawasaki hay bệnh vảy nến có thể khiến da trẻ bị viêm, đỏ và bong tróc. Mặc dù các triệu chứng của bệnh xuất hiện phổ biến ở khuỷu tay và đầu gối, nhưng đôi khi vẫn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, kể cả đầu ngón tay.
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị tróc da đầu ngón tay có thể bắt nguồn từ các bệnh lý truyền nhiễm như: nhiễm nấm Candida, bệnh sởi, bệnh bạch cầu đơn nhân…
Do ảnh hưởng của thời tiết hoặc nhiệt độ phòng
Vào mùa đông, nhiệt độ giảm thấp, độ ẩm không khí thấp, dễ làm mất cân bằng độ ẩm trên làn da và gây bong tróc, khô rát da. Ngoài ra, việc bé ở phòng lạnh với nhiệt độ thấp thường xuyên cũng là nguyên nhân gây khô da dẫn đến bong tróc.
Do trẻ mất nước
Có thể do bé bú chưa đủ nhu cầu hằng ngày hoặc bé bị mất nước như đổ mồ hôi, bệnh lý như tiêu chảy kéo dài.
Những lưu ý khi chăm sóc da trẻ sơ sinh bị bong tróc
Hạn chế thời gian tắm cho trẻ
Các mẹ nên cắt giảm thời gian tắm của bé đi từ 5 tới 10 phút, vì tắm quá lâu sẽ khiến da của các bé mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ. Ngoài ra, các mẹ cũng nên chú ý, không nên dùng nước quá nóng tắm cho các bé.
Luôn giữ ẩm cho da trẻ sơ sinh
Các mẹ nên lưu ý, chọn dùng kem dưỡng ẩm có hàm lượng hóa chất thích hợp với da của các bé. Tốt nhất, nên bôi kem cho các bé 2 lần/ngày và nên bôi ngay sau khi tắm. Hơn nữa, phải luôn chú ý nhiệt độ không khí trong phòng, phòng không nên quá ẩm hay quá khô. Nếu phòng cho bé quá khô, các mẹ nên đặt khăn ướt trong phòng cho bé, hoặc mua máy tạo ẩm.
Không được để các bé bị mất nước
Cơ thể người có tới 75% là nước, với trẻ sơ sinh, thì các mẹ nên năng cho các bé bú sữa nhiều hơn. Không nên cho bé uống nước hay trái cây, vì có thể gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Không được cho bé tiếp xúc với không khí lạnh
Với trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn đang phát triển, để tránh làm cho da bé bị khô và những hệ lụy khác đi kèm, các mẹ nên chú ý đeo găng tay, đi tất và dùng khăn che mặt cho các bé khi đi ra ngoài.
XEM THÊM: 1001 câu hỏi lần đầu làm mẹ: Trẻ sơ sinh rất dễ mắc bệnh nhiễm trùng, cần làm gì để phòng bệnh cho con?
Không được để trẻ sơ sinh tiếp xúc với những chất có tính tẩy rửa mạnh
Da của trẻ sơ sinh vô cũng mẫn cảm, nên các mẹ nên chọn các sản phẩm sữa tắm phù hợp với bé. Thêm vào đó, quần áo của các bé cũng phải được giặt sạch sẽ, tránh dùng loại bột giặt có tính tẩy rửa cao như những loại bột giặt thông thường.
Nói tóm lại, da trẻ sơ sinh bị bong tróc là dấu hiệu bình thương, tuy nhiên, nếu sau vài tuần mà không có dấu hiệu cải thiện, thì các mẹ nên đưa trẻ đi khám để biết cách xử lý và phòng tránh.
Hoàng Yên (T/h)