Trong bài phát biểu Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Nghệ thuật Xòe Thái” đã vượt qua nét đẹp của nhân loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn truyền thống lịch sử của các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc”.
Đại diện thường trú Liên hợp Quốc tại Việt Nam Bà Pauline Tamesis, điều phối viên đánh giá: ““Nghệ thuật Xòe Thái” giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của mọi người. Đó là những bước nhảy nhẹ nhàng hòa quện với tiếng đàn, giọng hát, tiếng leng keng của những món trang sức bạc treo trên eo của những phụ nữ dân tộc Thái. “Nghệ thuật Xòe Thái” là một nghệ thuật mang tính xã hội tập trung vào mối quan hệ giữa người và người. “Xòe Thái” nhắc nhở chúng ta về những gì quan trọng trong cuộc sống của mình, đó là những mối quan hệ sâu sắc mà chúng ta thiết lập với gia đình, bạn bè, cộng đồng và hơn thế nữa. Bất kỳ ai cùng có thể tham gia vào điệu múa này bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội. Do đó, đây thực sự là một loại hình nghệ thuật mang tính hòa nhập cao. “Nghệ thuật Xòe Thái” mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam. Việt Nam với 54 dân tộc và mỗi dân tộc đều có những truyền thống và hình thức sinh hoạt văn hóa riêng. Sự kiện ngày hôm nay cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự đa dạng và tự do thực hành văn hóa của mỗi người dân trên đất nước Việt Nam. Chúng ta có thể coi sự ghi danh này là cơ hội để cập nhật các chính sách về biểu đạt văn hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Hôm nay chúng ta hãy cùng chia sẻ niềm tự hào rằng điệu múa này không chỉ được vinh danh vì những khán giả có mặt ở đây hoặc vì cộng đồng người Thái mà vì toàn thế giới bởi đây là một biểu hiện độc đáo của sự sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân loại…”.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đại diện lãnh đạo tỉnh, cùng toàn thể nhân dân 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên bày tỏ lòng cảm ơn, đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến. Ông Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh “Yên Bái cùng các tỉnh có di sản sẽ tiếp tục chung sức đồng lòng thực hiện hiệu quả chương trình Quốc gia bảo tồn phát huy giá trị di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” cùng các di sản khác. Tất cả sẽ thực hiện theo phương châm lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của các hoạt động. “Biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương và của đất nước, tạo sức sống mới hơn cho di sản…”.
Cũng tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái bày tỏ niềm xúc động khi “Nghệ Thuật Xòe Thái” trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Ông Tuấn cho biết: Xòe là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái, phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết, là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc. Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt, tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao quyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại”.
Sau nghi lễ trao, nhận Bằng của UNESCO là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”. Toàn bộ sân vận động thị xã Nghĩa Lộ trở thành một sân khấu biểu diễn ngay trên thực cảnh. Chương trình được diễn ra như một vở nhạc kịnh dân gian Tây Bắc, trong đó kể về câu chuyện cội nguồn của người Thái gắn với câu chuyện về cuộc đời của một cô gái Thái đầy sinh động và đặc sắc qua những màn trình diễn nghệ thuật dân gian sen kẽ với âm nhạc, bối cảnh, ánh sáng huyền ảo.
Việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào nhưng cũng là nhiệm vụ lơn lao của cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương và mỗi người dân trong công tác bảo tồn và tiếp tục nâng cao giá trị di sản “Nghệ thuật Xòe Thái”.
Minh Thu