Dự buổi Họp báo có các đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái - Lê Thị Thanh Bình; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái - Nguyễn Quốc Chiến; Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải - Lương Thị Xuyến; Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa lộ - Lương Mạnh Hà.
Xòe Thái là biểu tượng cho các hoạt động lễ hội bản mường truyền thống và được biểu diễn trong các cộng đồng tại bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và Tp. Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).
Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 24/9/2022 tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ.Với nhiều hoạt động văn hóa ấn tượng, hấp dẫn. Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản" có sự tham gia của trên 3.000 diễn viên, nghệ nhân, nhân dân, trong đó màn đại xòe quy mô 2.022 người. Hoạt động diễu diễn đường phố từ 17h00 - 19h30 ngày 24/9/2022 trên các tuyến đường của thị xã Nghĩa Lộ và khu vực sân khấu Lễ hội với quy mô trên 500 nghệ nhân, nhân dân tham gia. Nội dung chính của hoạt động diễu diễn là giới thiệu hình ảnh trang phục và những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Thái và một số dân tộc ở các địa phương. Ngoài ra chương trình diễu diễn vào tối 24/9, thị xã Nghĩa Lộ còn tổ chức thêm các đoàn diễu diễn vào buổi tối các ngày cuối tuần trong tháng 9/2022.
Cũng tại Lễ hội, thị xã Nghĩa Lộ còn có các hoạt động như: trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc; Hội chợ sản phẩm OCOP đặc sản các vùng, miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 với sự tham gia của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh; Triển lãm Ảnh Di sản nghệ thuật Xoè Thái và Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Lễ đón nhận Bằng sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Hoạt động biểu diễn đường phố (có sự tham gia của các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên) diễn ra ngày 24/9; Trưng bày triển lãm ảnh di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” và “Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” mở rộng diễn ra từ ngày 22 - 27/9; Không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc diễn ra từ ngày 22 - 26/9.
Hưởng ứng Lễ đón nhận và khai mạc lễ hội: Tại huyện Mù Cang Chải sẽ diễn ra các hoạt động: Festival dù lượn khai mạc vào ngày 25/9, tại điểm bay dù lượn đèo Khau Phạ; khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải bằng máy bay trực thăng sẽ phục vụ du khách từ 20/9, tại trụ sở Đội Dịch vụ công cộng, tổ 4, thị trấn Mù Cang Chải; giải chạy Marathon khai mạc vào ngày 23/9, cung đường chạy qua khu vực thị trấn và các xã vùng lõi của di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival Khèn Mông và chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Mù Cang Chải - Khát vọng vùng cao” được khai mạc vào ngày 30/9, tại Sân vận động trung tâm huyện. Huyện Trạm Tấu sẽ diễn ra các hoạt động: Khởi động hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa (khai mạc ngày 25/9); Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Trạm Tấu (ngày 1/10); Lễ hội Gầu Tào (trung tuần tháng 12/2022).Tại huyện Văn Chấn sẽ tổ chức Đêm tiệc Trà Suối Giàng (ngày 23/9); Lễ tôn vinh cây chè Suối Giàng (sáng 24/9); tổ chức Lễ hội giã Cốm (sáng 25/9) và Tp. Yên Bái sẽ tổ chức hoạt động múa Xòe tại quảng trường 19/8 (với quy mô 2.022 người) và nhảy sạp tại phố đi bộ Hào Gia (15 - 20 điểm nhảy sạp).
Trong buổi Họp báo, những vấn đề thắc mắc của các nhà báo, phóng viên được đặt ra như: Bảo đảm an ninh trật tự những ngày diễn ra Lễ đón nhận Bằng của UNESCO; Trang phục biểu diễn của các diễn viên tham gia màn đại xoè; việc phối hợp giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh bạn trong tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP; việc quản lý, sử dụng các thiết bị flycam trong đêm Lễ hội; bố trí địa điểm cho phóng viên tác nghiệp; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; các phương án bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác đang có xu hướng diễn biến phức tạp; các hoạt động khai thác du lịch trong sự kiện; hoạt động bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Xòe Thái sau Lễ đón nhận Bằng của UNESCO…
Đại diện lãnh đạo các cơ quan của tỉnh Yên Bái đã giải đáp các vấn đề nêu ra của các cơ quan báo chí với quan điểm sẽ tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho phóng viên tác nghiệp. Phối hợp cùng các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng, đậm nét các hoạt động Lễ đón nhận và Khai mạc Lễ hội; xây dựng phương án đón tiếp, phương án chuẩn bị và đảm bảo các điều kiện phục vụ tác nghiệp của phóng viên tại sự kiện…
Kết luận buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chủ động kết nối với các phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí để tiếp tục cung cấp thông tin, hình ảnh trong khuôn khổ nội dung sự kiện; tham mưu cho UBND tỉnh xem xét có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền về sự kiện. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương quan tâm ưu tiên dành thời lượng, dung lượng, có nhiều tác phẩm báo chí tuyên truyền đầy đủ, đậm nét về Lễ đón nhận và Khai mạc Lễ hội, nhất là tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung và các điểm mới, nổi bật của sự kiện và chuỗi các hoạt động hưởng ứng sự kiện; tuyên truyền sâu rộng về Nghệ thuật Xòe Thái và văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc; về sự đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, đồng bào nhân dân các dân tộc đã dày công tâm huyết, sáng tạo, lưu giữ, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái và các di sản văn hóa khác để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa; để thế giới biết nhiều hơn, hiểu sâu hơn về vùng Tây Bắc và về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc.
Hà Thu