Không biết từ bao nhiêu nay, cứ mỗi năm vào mùa Tết là nhiều tục lệ cổ xưa được mọi người thực hiện. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa.
Tục lệ xin chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam
Xin chữ - Nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam
Không biết từ bao nhiêu nay, cứ mỗi năm vào mùa Tết là nhiều tục lệ cổ xưa được mọi người thực hiện. Bên cạnh nhiều lễ nghi thủ tục, những thú chơi của người Hà Nội cổ cũng vẫn còn tồn tại mãi như một bản sắc văn hoá truyền thống không thể nào mất đi của vùng đất kinh kỳ hoa lệ. Và tục xin chữ, xin câu đối ngày đầu năm cũng thế, nó vẫn còn tồn tại theo cùng năm tháng và theo những thói quen ngày lễ Tết của người Hà Nội.
“Mỗi năm hoa đào nở
lại thấy ông Đồ già
bày mực tàu giấy đỏ
bên phố đông người qua,”
Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Hằng năm, thường là từ mùng 2 Tết trở đi, mọi người đã bắt đầu kháo nhau đi xin chữ. Từ người lớn tuổi cho đến thanh niên, học sinh. Gần đây, việc xin chữ đầu năm đã trở thành một trào lưu của người trẻ tuổi, tạo thành một văn hóa chơi chữ mới. Những con chữ như "rồng bay phượng múa" hiện lên qua các nét cọ điêu luyện khiến cho việc xin chữ, ngoài ý nghĩa xin được chữ, còn là để thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của những người cho chữ.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.”
Như các cụ thường nói: “Nét chữ nết người” nên xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.
Nhưng thấy đồn truyền rằng ai không đi xin chữ mà lại được các thầy gọi vào cho chữ, người ấy mới thật là có phúc có đức và có cả duyên với các thầy mới được vậy, cái đó gọi là lộc chữ. Nhà nào, anh nào mà được các thầy cho chữ như vậy thì cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, nhiều sự như ý.
Ngày nay, nhiều người trẻ tỏ ra là những người chuộng chữ nghĩa, rủ nhau đi xin chữ ồn ào huyên náo, đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một vật có ý nghĩa về treo trong nhà mặc dù không hiểu nhiều lắm ý nghĩa vật ấy ra sao, cũng nhiều người trẻ thật sự đam mê với vốn văn hoá cổ truyền dân tộc, theo mẹ, theo bà, theo ông ra phố tìm lại những bóng hình xưa cũ để mà học hỏi thêm cho bản thân mình.
Nhưng dù mục đích ra sao, đó cũng là một sở thích đẹp, giúp hâm nóng thêm một nét nhân văn trong văn hóa Việt đã một thời bị phai nhạt. Thật may thay là hình ảnh các ông Đồ ngày Tết không chỉ còn là bóng hình trên những tấm lịch tờ thiếp, mà ngày nay cứ mỗi năm đến, bóng dáng các “thầy” đồ, “anh” đồ vẫn làm xôm tụ nơi chốn phố phường vốn đã náo nhiệt trong ngày Tết. Điều này cũng là một niềm vui nho nhỏ cho những kẻ hay hoài niệm xưa như chúng tôi, để mỗi khi đọc đến khổ thơ cuối bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên, mỗi người đều không còn cảm thấy ngậm ngùi nuối tiếc nữa.
Vào những ngày đầu năm Văn Miếu tấp nập người xin chữ
Bởi vì chắc chắn rằng tâm hồn những con người xưa cũ ấy không hề biến mất hay bị thời đại quên lãng, mà chúng đơn giản là đã được chuyển hoá thành niềm nhiệt huyết hừng hực cháy của tuổi trẻ theo mỗi nhịp sống, của những con người đang ngày đêm cố gắng lưu giữ và vực dậy nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống của nhân dân ta, của đất nước ta hay nhỏ bé hơn là của đất kinh kì Kẻ Chợ này mà thôi!
Vào ngày mùng 2 Tết, ở các phố Hà Nội như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Văn Miếu,... thường bắt đầu diễn ra hoạt động cho chữ đầu năm. Đặc biệt ấn tượng nhất là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, đến đây, bạn luôn cảm nhận được một không khí rất náo nhiệt của những người đến xin chữ, đông đúc và hồ hởi. Ngày Tết cũng trở nên ấm áp hơn với sắc đỏ sắc vàng của giấy viết, của những nét chữ ông đồ và nét tươi vui hân hoan của người xin được chữ như ý muốn, cầu mong một năm mới an khang, vạn sự như ý.
Quỳnh Chi (S/t)