Tình trạng người tâm thần gây án không còn xa lạ, gây ra những hậu quả nặng nề và đau đớn cho chính thân nhân của họ và cho xã hội.
Những vụ án đau lòng
Ám ảnh những vụ án giết người mang tên "người tâm thần" - Ảnh minh họa |
Theo thông báo phát đi từ Công an tỉnh Quảng Nam, thời gian gần đây xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người có biểu hiện tâm thần gây ra, điển hình như: ngày 25/2/2020, đối tượng Trương Tấn Thọ (SN 1994, trú tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) là người có biểu hiện bị tâm thần, sau khi uống rượu về nhà thì bị bố đẻ là ông T.V.M la mắng và dùng tay đánh vào mặt. Do có hơi men trong người nên Thọ cãi lại và dùng tay đẩy ông T.V.M làm ông ngã xuống nền nhà, chưa dừng lại ở đó, Thọ tiếp tục dùng chân đạp vào đầu ông T.V.M làm ông bị chấn thương sọ não và tử vong.
Làm việc với Cơ quan điều tra, Thọ khai do bị ông T.V.M la chửi nên bực tức gây án. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Tấn Thọ về hành vi giết người và đưa bị can đi giám định pháp y tâm thần.
Tiếp đó, ngày 4/3/2020, tại nhà ông T.V.A (trú tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đối tượng Trần Việt An (SN 1996) là con ruột của ông T.V.A, có tiền sử bệnh tâm thần, An xin tiền mua thuốc lá để hút nhưng ông T.V.A không cho và mắng chửi.
An tức giận, dùng chày gỗ và chảo sắt đánh vào đầu ông T.V.A nhiều lần làm ông bị chấn thương sọ não. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nhưng ông T.V.A không qua khỏi.
Tại Cơ quan điều tra, Trần Việt An khai nhận do bị mắng nên cảm thấy khó chịu trong đầu và nghe như ai đó nói vào tai của mình là phải giết ba mi nên đã tức giận đánh ông T.V.A. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án giết người và đưa đối tượng Trần Việt An đi giám định pháp y tâm thần.
Trong diễn biến khác liên quan vụ người tâm thần gây án, khoảng 6h ngày 31/12, người dân thôn An Hà 1 (xã Nghĩa Trung. huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) qua nhà bà B.T.T.T (57 tuổi) thấy nhiều vết máu nên trình báo cơ quan công an.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng Công an phát hiện bà T. bị sát hại dã man. Qua điều tra, Công an huyện Tư Nghĩa đã xác định hung thủ chính là T.N.V (33 tuổi, con ruột bà T.).
Đối tượng T.N.V bị bắt giữ tại hiện trường - Ảnh: NLĐ |
Theo người dân thôn An Hà 1 (xã Nghĩa Trung), trước đó, lúc 2h sáng cùng ngày, người dân nghe tiếng la hét phát ra từ nhà của T.N.V. Sau đó là tiếng kêu cứu của bà B.T.T.T. Tưởng mọi việc không có gì nghiêm trọng nên người dân không nghi ngờ, trình báo cơ quan chức năng, đến sáng ra mới biết sự việc.
Theo người dân xung quanh, N.T.V từng điều trị tâm thần tập trung, sau đó về địa phương sinh sống và tiếp tục uống thuốc điều trị. Trước khi xảy ra vụ án mạng đau lòng, N.T.V còn có biểu hiện bị ngáo đá.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 9/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp tạm giữ Đặng Quốc Hiệp (30 tuổi, ở xã Hòa Thành, huyện Lai Vung) để điều tra về cáo buộc sát hại vợ là N.T.M.T. (23 tuổi) và con trai 4 tuổi.
Nghi phạm có tiền sử rối loạn tâm thần. “Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và làm thủ tục giám định tâm thần đối với Hiệp”, cảnh sát thông tin.
Trước đó, rạng sáng 7/10, cảnh sát nhận tin báo về việc 2 nạn nhân bị sát hại.
Theo ông Đỗ Minh Tâm (42 tuổi, anh rể của Hiệp), lúc 3h sáng, Hiệp chạy xe máy đến nhà gọi cửa, nói rằng đã giết vợ và con trai.
Đến hiện trường, ông Tâm phát hiện chị T. đã tử vong. Cháu H. thoi thóp, được đưa đến bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Nghi phạm sống bằng nghề phụ hồ nhưng công việc không ổn định, còn vợ làm công nhân. Trước đây, khi người đàn ông này có biểu hiện bất thường, gia đình đã đưa đến các bệnh viện thăm khám.
Phòng tránh nguy cơ tiềm ẩn
Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, để phòng ngừa người có biểu hiện tâm thần, tiền sử bệnh tâm thần gây án hoặc bị đối tượng xấu lợi dụng gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự.
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn rà soát lập danh sách những người có biểu hiện tâm thần, tiền sử bệnh tâm thần hiện đang sinh sống cùng gia đình để theo dõi, tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, đồng thời khuyến cáo để mọi người chú ý đề phòng. Đối với người có triệu chứng tâm thần nặng, mất kiểm soát bản thân, yêu cầu gia đình kịp thời cách ly, đưa đi chữa trị không để họ gây mất an ninh trật tự, nguy hiểm cho người khác. Những trường hợp người có biểu hiện tâm thần, tiền sử bệnh tâm thần vi phạm pháp luật hình sự, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị Công an các đơn vị, địa phương thống nhất với liên ngành tư pháp tổ chức giám định pháp y tâm thần để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, từng trao đổi trên báo chí, luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý, TP.Cần Thơ cho biết, người mắc bệnh tâm thần được chia làm hai dạng, đó là: Người bị hạn chế Năng lực hành vi Dân sự hay người bị mất Năng lực hành vi Dân sự. Việc xác nhận họ bị hạn chế hay bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên quyết định của Tòa án trên cở sở yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.
Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì theo quy định pháp luật Hình sự họ không phải chịu trách nhiệm hình sự ( Điều 21 BLHS năm 2015).
Trong trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 49 BLHS năm 2015).
"Hiện nay người mắc bệnh tâm thần được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình chiếm tỷ lệ lớn. Bởi do văn hóa, lối sống, đạo đức và thuần phong của người Việt ta có từ lâu. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng, cho xã hội, đây là lỗ hỏng trong việc quản lý cũng như quy định pháp luật", luật sư Đức nói.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình, nó phụ thuộc vào đều kiện hoàn cảnh kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh,.. Đây cũng là lý do, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi hung thủ là người bệnh tâm thần xảy ra gần đây.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải có quy định việc đưa người bị tâm thần đi chữa bệnh bắt buộc mới giảm thiểu vụ án mạng hết sức đau lòng. Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau: “Trước việc người bị bệnh tâm thần gây án xảy ra khá nhiều, chúng tôi có văn bản đề nghị công an địa phương thống kê người bị bệnh tâm thần. Sau đó, các cơ quan chức năng phân loại mức độ bệnh sẽ xem xét đưa đi chữa bệnh bắt buộc tránh vụ án đáng tiếc xảy ra”.
Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, những gia đình có người bệnh tâm thần thì bên cạnh việc quan tâm chăm sóc cần quản lý chặt các dụng cụ có tính gây sát thương, không để trong tầm mắt và tầm tay người bệnh, đồng thời đưa những trường hợp có các biểu hiện như thay đổi bất thường về hành vi, tính nết, ngủ ít, đi lang thang đến cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị sớm bệnh tâm thần, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Cự Giải(T/h)