(ĐSPL)- Sau hàng loạt vụ tai nạn thang cuốn tại Trung Quốc khiến nhiều người bị thương nặng, trưa 9/8, tại Hà Nội, một bé trai 3 tuổi đã bị kẹt chân vào thang cuốn. Mặc dù cậu bé đã được giải thoát kịp thời nhưng nhiều người vẫn cảm thấy hoang mang khi đứng trên những cỗ thang cuốn khổng lồ. Theo các chuyên gia, sự việc này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm rình rập trên những bậc thang “tử thần”.
Những sự cố đau lòng
Theo thông tin mà PV nhận được, vụ bé trai gặp tai nạn thang cuốn xảy ra vào khoảng 12h20 ngày 9/8 tại tầng 3 tòa nhà 335 trên đường Cầu Giấy (Hà Nội). Được biết, cháu bé này đi dự tiệc cưới với bố mẹ nhưng trốn ra khu vực thang cuốn chơi. Sau nhiều lần đi lên đi xuống, cháu thường cố tình không bước chân ra khỏi thang mà để thang cuốn đẩy ra khi đến đoạn cuối. Trong một lần như vậy, chân của cháu bé đã bị cuốn vào đoạn cuối của thang và kẹt mất một lúc. Rất may cháu bé đi giày và thang đã được tắt kịp thời, nạn nhân được giải cứu trong sự hoảng loạn của người thân.
Cháu bé may mắn chỉ bị xước chân trong vụ tai nạn thang cuốn tại Hà Nội. |
Theo thông tin ban đầu, cháu bé bị xước ở ngón chân và phải nhập viện để chụp chiếu. Sáng 10/8, có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận chiếc thang cuốn từ tầng 2 lên tầng 3 của tòa nhà đã tạm dừng hoạt động. Những mảnh vỡ của viên gạch ở đoạn thang tiếp giáp với sàn tầng 2 đang được một nhân viên thu dọn.
Tấm nhựa ở sàn tiếp giáp thang cuốn với sàn tầng 2 bị vỡ một đoạn dài khoảng 30cm. Ban quản lý tòa nhà cho rằng, vụ việc do lỗi chủ quan của phụ huynh không trông coi để con hiếu động chạy lên xuống ở thang cuốn. Sau khi sự việc xảy ra, mẹ cháu bé đã bắt taxi đưa con đi đến bệnh viện nên ban quản lý tòa nhà không xin được tên, tuổi, địa chỉ của họ.
Chị Nguyễn Hồng Thuận (31 tuổi, ngụ Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội, người trực tiếp nhìn thấy cháu bé gặp tai nạn) kể lại: “Tôi thấy cháu bé cứ đi đi lại lại ở khu vực thang cuốn đang hoạt động. Thế rồi khi các nhân viên chạy ra gọi cháu bé thì cháu bé bỗng nhiên mắc kẹt chân không thể di chuyển. Khi cháu bé bị mắc kẹt, thang cuốn được tắt kịp thời và các nhân viên chạy tới để giải cứu. Rất may là cháu chỉ bị đau nhẹ ở đầu ngón chân nhưng do hoảng loạn nên khóc rất nhiều. Lúc đó, tất cả mọi người đều rất hoảng hốt”.
Được biết tại Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng kẹt thang cuốn. Vào tháng 10/2012, tại siêu thị BigC Vinh (Nghệ An), trong lúc đi mua sắm với bố mẹ và di chuyển thang cuốn từ tầng 3 xuống tầng 2, cháu Bùi Hoàng Hải (3 tuổi) đã bị chiếc thang cuốn giữ lại. Cháu bé đã bị mắc kẹt đùi phải vào điểm tiếp nối, dẫn đến bị thương nặng. Vết thương ở chân chảy rất nhiều máu. Sau khi sự việc xảy ra, quản lý siêu thị BigC đã ngắt điện thang cuốn để giải cứu cháu Hải nhưng phải hơn 1 tiếng sau, cháu bé mới thoát khỏi chiếc thang cuốn và bị thương nghiêm trọng.
Tại TP.HCM, tình trạng tai nạn thang cuốn cũng xảy ra không dưới hai lần. Vào cuối năm 2010, một bé trai 5 tuổi đã bị gãy chân do sự cố thang cuốn tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP. HCM. Hay giữa năm 2011, một bé gái 2 tuổi đã bị đứt gân 4 ngón tay do bị kẹt vào bậc thang cuốn tại một siêu thị. Năm 2012, một bé trai 3 tuổi đã bị cuốn vào điểm tiếp nối đầu của thang cuốn và phải nhập viện do vết thương quá nặng. Hậu quả của những vụ tai nạn này chỉ dừng lại ở mức độ bị thương, nhưng nó đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực cho những người thường xuyên vào các tòa nhà cao tầng, trung tâm mua sắm tại các thành phố lớn hiện nay.
Cách đây không lâu, báo chí quốc tế xôn xao về việc một người bị tử vong vì thang cuốn ở Trung Quốc. Vụ việc thương tâm này vừa mới xảy ra ngày 26/7 tại trung tâm thương mại Anliang ở thành phố Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc). Trong đoạn video có ghi lại, một phụ nữ đem theo cậu con trai 3 tuổi đến đây mua sắm. Khi đang di chuyển trên thang cuốn gần tới tầng trên, người mẹ đã nhấc con lên để khỏi hụt thì bỗng nhiên tấm kim loại đặt ngay lối ra của thang cuốn bị lật. Ngay lập tức, thang cuốn đã cuốn người phụ nữ này xuống.
Trong giây phút sinh tử, bà vẫn kịp đẩy đứa con trai ra chỗ an toàn. Khoảng 5 tiếng sau, thi thể nạn nhân mới được đưa ra ngoài. Hay ở Philippines, vào tháng 4/2015, tại trung tâm thương mại Kenanga Wholesale, Pindu (Malaysia), trong khi bà mẹ đang mải cãi nhau với chồng mình qua điện thoại, không để ý đếncon nên đã để bé Nurhayada (6 tuổi) trèo lên tay vịn của chiếc thang cuốn. Ngay lập tức bé bị thang cuốn đi và ngã xuống đất. Cô bé được đưa đến bệnh viện ngay sau đó nhưng không qua khỏi vì vết thương quá nặng.
Nguy hiểm rình rập
Sau hàng loạt vụ tai nạn nói trên, nhiều người vẫn còn hoang mang, lo lắng mỗi khi bước chân lên thang cuốn. Câu hỏi được đặt ra, tại sao thang cuốn lại ẩn chứa hiểm họa chết người như vậy. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện (viện Vật lý Kỹ thuật, đại học Bách khoa Hà Nội), người từng có nhiều năm nghiên cứu về thang cuốn cho biết, thang cuốn được thiết kế dưới dạng một dòng xích chuyển động, giống như xích xe tăng. Nhìn bề ngoài, thang cuốn có cấu tạo tương đối giống cầu thang thông thường nhưng thực ra rất phức tạp.
“Theo tôi được biết, thang cuốn có nhiều bậc thang tự động, được di chuyển bởi dây xích, ròng rọc nhỏ và đường ray. Khi dây xích trong thang cuốn quay sẽ làm cho những tấm ngang dịch chuyển lên xuống. Chính vì thế, khi lắp đặt người ta phải làm cho những tấm thanh ngang ấy khít lại với nhau. Thang cuốn có cấu tạo như vậy là để giữ cho các bậc thang chuyển động”, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện phân tích.
Các chuyên gia cho rằng, thang cuốn tiềm ẩn những nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. |
Vị PGS này cũng cho rằng, những trường hợp khi đi thang cuốn gặp nguy hiểm hoặc người bị “nuốt” có rất nhiều nguyên nhân. Điều đầu tiên người ta nghĩ đến đó là lỗi kỹ thuật lắp đặt. Thứ hai, thang cuốn đã sử dụng quá lâu hoặc bị hỏng chi tiết dẫn đến các tấm ngang không khít lại với nhau. Khi các tấm ngang không khít mà thang cuốn vẫn tiếp tục hoạt động dẫn đến kẹt chân gây ra sự nguy hiểm cho người sử dụng. Bởi những tấm ngang đó đều làm bằng thép, dây xích cỡ lớn để giúp thang vận hành, độ cứng cao nên chúng có thể “nghiến” bất cứ thứ gì.
Cùng quan điểm, kỹ sư cơ khí Bùi Văn Thỉnh (chuyên viên công ty kinh doanh Cơ khí OSG, một công ty Nhật Bản tại Việt Nam) khuyến cáo: “Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra từ thang cuốn, theo tôi, các đơn vị quản lý cần có những bảng hướng dẫn sử dụng. Bên cạnh đó, tại mỗi đầu thang cuốn cần lắp đặt các công tắc khẩn cấp để đề phòng xảy ra những tai nạn bất ngờ. Đối với khách hàng sử dụng thang cuốn, các chuyên gia khuyến cáo nên giữ tay vịn khi sử dụng. Tuyệt đối không để trẻ em đi một mình hay leo trèo trên thang, không sử dụng nạng hay giày cao gót khi đi thang cuốn...”.
Kỹ sư Thỉnh cũng cho biết, hiện nay trên thị trường thang cuốn có rất nhiều chủng loại. Nhưng dù thang nội hay ngoại cũng đều có bộ phận kiểm định của Nhà nước về mức độ an toàn trước khi được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, khi thang cuốn đi vào hoạt động, tùy vào chất lượng, nguồn điện, người sử dụng... thì mỗi thang có độ bền khác nhau. Và thang cuốn có hoạt động tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng.
Nguy hiểm cao độ từ thang cuốn “quên” bảo trì Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, thông thường các hãng sản xuất thang cuốn sẽ có chế độ bảo hành 1-2 năm. Trong quá trình này, họ sẽ cho nhân viên đi bảo dưỡng kiểm tra định kỳ cẩn thận. Tuy nhiên, khi hết bảo hành, mỗi chủ đầu tư sẽ có chế độ bảo trì khác nhau. Có nơi người ta kiểm tra kỹ càng nhưng cũng có nơi thay thế phụ tùng hỏng hóc bằng những phụ tùng kém chất lượng. Thậm chí, có người còn quên hẳn việc bảo trì. Việc thay sản phẩm, phụ tùng kém chất lượng sẽ tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn nghiêm trọng cho người sử dụng. |
Chương-M.Hằng
Xem thêm video:
[mecloud]CTfBzTlB2g [/mecloud]