(ĐSPL) – “Mình không còn ghi "TS" lên danh thiếp nữa. Mình không muốn người khác nhìn mình như các "TS Dolly" (TS dởm-PV) đầy rẫy xung quanh” là lời chia sẻ của ông Lương Hoài Nam, Tiến sĩ ngành hàng không gây xôn xao dư luận.
Chia sẻ trên facebook cá nhân của mình sau khi đọc được bài báo có tên “24.000 tiến sĩ Việt Nam đang làm gì?”. Lương Hoài Nam viết:
“TIẾN SỸ DOLLY
Năm 1990, mình bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (PTS) kinh tế ở Nga. Sau đó, nước ta bỏ học vị PTS, gọi các PTS cũ là TS, tương ứng với PhD ở các nước khác.
Hồi đầu những năm 90, trên danh thiếp của mình có học vị PhD. Cả ngành khi đó chỉ có vài ba PhD.
Nhưng sau đó nước ta bắt đầu loạn TS, nhất là TS kinh tế.
Có những người thi trượt đại học, sau đó học tại chức, rồi làm thạc sĩ, rồi thành tiến sĩ.
Nhiều người cả đời chả viết nổi một bài báo, đừng nói gì đến công trình nghiên cứu.
Luận văn thạc sĩ, tiến sĩ của một số người do chuyên viên cấp dưới viết hoặc do thầy hướng dẫn viết.
Kiểu như chuyện tiếu lâm về Brezhnev (cựu TBT Liên-xô): "Đứa nào cũng bảo tiểu thuyết "Đất Vỡ Hoang" của mình viết rất hay, có khi mình cũng phải đọc nó một lần nhỉ?"
Cho nên mình không còn ghi "TS" lên danh thiếp nữa. Mình không muốn người khác nhìn mình như các "TS Dolly" đầy rẫy xung quanh”.
Chia sẻ trên facebook cá nhân của ông Lương Hoài Nam. |
Được biết ông Lương Hoài Nam là tiến sĩ ngành hàng không, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.
Những dòng chia sẻ của Lương Hoài Nam thu hút không chỉ những người bạn của ông bình luận mà còn khiến nhiều người cùng suy ngẫm và phân tích về vấn đề “tiến sĩ giấy” được báo chí đưa tin trong thời gian qua.
Facebooker Nguyễn Huy Hoàng bày tỏ: “Ngủ trưa chợt thức giấc, lướt facebook chợt bị hút hồn bởi status của anh Luong Hoai Nam. Buồn vui lẫn lộn...
Vui vì xã hội xung quanh vẫn còn có những người đầy lòng tự trọng, giống như sen vẫn khoe sắc và toả hương giữa chốn bùn lầy.
Buồn vì để giữ lòng tự trọng giữa cái xã hội mà sự háo danh đang lên ngôi, những giá trị thật chẳng còn muốn nêu tên bên mình. Biết đâu đấy, có một ngày bùn được khen thơm và hương sen bỗng thành mùi khó chịu...”.
Nhiều bình luận của các facebooker xung quanh câu chuyện "tiến sĩ". |
Nickname Mai Hoang Lại phân tích: “Lạm bàn chuyện Tiến sĩ. Xưa cụ Nguyễn Khuyến đã có thơ về TS giấy đó thôi. Cho nên mình nghĩ cũng chẳng cần phải ngại và xấu hổ nếu mình đã bỏ công sức ra học hành để thành TS thật. Đừng nghĩ người dân họ không biết ông nào TS dởm, ông nào là TS thật nhá. Họ ( dởm) không xấu hổ cớ sao mình xấu hổ… Còn nếu xấu hổ vì mình không phát huy được sự học của mình cho đời thì lại là chuyện khác”.
Còn nickname Xuan Khuong Pham chia sẻ: “Xã hội có cung ắt có cầu. Với lại các cơ quan nhà nước luôn đòi hỏi bằng cấp. Nên chạy sô như vậy cũng dễ hiểu anh ạ”.
Không phủ nhận những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ một mặt nào đó giúp mọi người dễ dàng hơn trong quá trình xin việc làm cũng như thăng tiến, nhưng bên cạnh đó còn một số tiêu cực và hạn chế như ông Lương Hoài Nam đã nêu ra ở trên.