(ĐSPL) - Thông tin chợ đầu mối Long Biên sắp bị xóa bỏ khiến nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại khu chợ này như "ngồi trên đống lửa".
[mecloud]sJ0AgVshdl[/mecloud]
Bộ trưởng Công thương vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2035. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ giữ nguyên chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và xoá bỏ 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) giai đoạn từ năm 2021-2025 và chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) giai đoạn từ 2015 - 2020.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây mới 3 chợ đầu mối nông sản tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), phân kỳ đầu từ 2015 - 2020 và chợ đầu mối nông sản tại Quốc Oai từ 2021 - 2025, chợ đầu mối nông sản tại Phú Xuyên từ 2021 - 2025.Đồng thời, giữ nguyên chợ hạng I hiện có là chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Mơ (Hai Bà Trưng), chợ Bưởi (Tây Hồ), chợ Hà Đông (Hà Đông), chợ Nghệ (Sơn Tây), chợ Thị trấn Vân Đình (Ứng Hoà).
Tương tự, tại TPHCM, 3 chợ đầu mối nông sản được giữ nguyên là: chợ đầu mối Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn). TPHCM sẽ được giữ nguyên chợ hạng I hiện có là chợ Bến Thành.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ giữ nguyên chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và xoá bỏ 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) giai đoạn từ năm 2021-2025 và chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) giai đoạn từ 2015 - 2020. |
Sở dĩ có những thay đổi như trên, Bộ Công thương cho biết, mục tiêu nhằm phát triển mạng lưới chợ đồng bộ, hài hòa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa nông sản cho sản xuất, chế biến và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân. Qua đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất nông nghiệp.
Theo định hướng mục tiêu đến năm 2035, phát triển mạng lưới chợ đầu mối và mạng lưới cho hạng I trên phạm vi toàn quốc đủ về số lượng, phù hợp về công năng, quy mô và trình độ phát triển so với nhu cầu của thị trường bán buôn hàng nông sản và thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng, trở thành hai nhân tố chính trong kết cấu hạ tầng.
Trên từng địa bàn, chợ đầu mối bảo đảm phần lớn hàng hóa nông sản được tiêu thụ và cung cấp cho mạng lưới bán lẻ; chợ hạng I về cơ bản bảo đảm chi phối đối với thị trường bán lẻ tiêu dùng.
Được biết, đây là bước tiến mạnh mẽ của Bộ Công thương trong việc quy hoạch hệ thống mạng lưới chợ toàn quốc, vừa đảm bảo tính khoa học, tiện dụng lại giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Hàng ngàn tiểu thương đi về đâu?
Thông tin trên báo Vietnamnet, nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên cảm thấy hoang mang bởi sắp tới nếu xóa sổ chợ đầu mối Long Biên thì tiểu thương sẽ đi về đâu.
“Khi nghe thông tin chợ sẽ bị xóa sổ trong thời gian tới tôi còn không tin vào tai mình”, ông Trung - chủ kiốt buôn hoa quả Lan Trung tại chợ cho hay.
Theo lời ông Trung, chưa tính tiểu thương buôn bán chính, có kiốt đàng hoàng thì chợ này nuôi sống hàng nghìn người từ các tỉnh lẻ đổ về. Họ lên đây gồng gánh thuê kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, thậm chí có người chỉ nhờ vào gánh hàng thuê ở chợ mà nuôi cả mấy đứa con ăn học đại học.
“Vậy xóa sổ thì những người đó biết đi đâu làm việc. Rồi hoa quả từ Lục Ngạn, Sài Gòn, Đắc Lắc sẽ bán đi đâu, tất cả những thứ đó đổ về chợ này chứ đâu?”.
Chị Nga, một mối chuyên bỏ sỉ hoa quả của Thái Lan và Trung Quốc tại chợ này than thở, chị phải bỏ tiền tỷ ra để mua lại kiốt bán hàng của người chủ trước. Vậy mà giờ đây, chưa thu hồi được một nửa vốn đã nghe thông tin chợ sẽ đóng cửa.
Nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên cảm thấy hoang mang bởi sắp tới nếu xóa sổ chợ đầu mối Long Biên thì tiểu thương sẽ đi về đâu? |
“Bây giờ tôi chỉ thắc mắc là ở trên Bộ ngành phê duyệt quyết định xóa bỏ chợ đầu mối Long Biên này thì có nghĩ tới hàng ngàn tiểu thương sẽ đi đâu buôn bán, họ sẽ được đền bù như thế nào?”, chị Nga nói.
Ngoài ra chị Nga còn thắc mắc, UBND quận Ba Đình vừa mới quy hoạch cho sửa chữa, nâng cấp chợ đầu mối Long Biên, hiện đang bước đầu nâng cấp vậy sao lại có thông tin đóng cửa chợ. Nếu đóng cửa chợ thì nâng cấp làm gì để tốn thêm tiền ngân sách của Nhà nước.
Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh, Phó ban Quản lý chợ Long Biên khẳng định, hiện tại bà chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc Bộ Công thương phê duyệt quyết định xóa bỏ hoặc di dời chợ đầu mối Long Biên.
“Lúc nãy thấy tiểu thương ở chợ gọi điện vào nói chuyện rằng trên báo có đăng thông tin chợ Long Biên sẽ bị xóa sổ, tôi liền vào mạng đọc báo kiểm tra thì mới hay biết”, bà Thịnh cho hay.
Theo bà Thịnh, hiện chợ Long Biên có khoảng 1.200 tiểu thương buôn bán chính thức với các ngành hàng gồm: rau củ quả, hoa quả, thủy hải sản. Các mặt hàng nông sản từ khắp các tỉnh thành đều được đổ về chợ này để phân phối cho các chợ bán lẻ trong thành phố. Song, bà Thịnh cũng khẳng định rằng chợ Long Biên không phải là chợ đầu mối, từ năm 2007, thành phố đã quy định chợ này là chợ loại 2 (tức chợ dân sinh) và chợ do UBND quận Ba Đình quản lý trực tiếp.
“Ngoài ra, chợ cũng đang được UBND quận Ba Đình cho nâng cấp, cải tạo và sửa chữa. Đặc biệt, việc sửa chữa, cải tạo chợ lần này cũng chính do UBND quận làm chủ đầu tư. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ cải tạo sửa chữa xong để cho tiểu thương thuận lợi buôn bán hàng hóa dịp Tết”, bà Thịnh nói.
Ngọc Anh (Tổng hợp)